Theo nguyên đơn của vụ kiện, Facebook đã gắn các nút 'Like' vào trang web để khi người dùng bấm vào các nút này thì một hồ sơ chi tiết về lịch sử duyệt web được xây dựng. Những người kiện Facebook cho rằng, điều này là vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và đạo luật bảo mật phòng chống nghe lén của Hoa Kỳ.
Mỗi khi người dùng truy cập trang web với nút Like đã được gắn sẵn, thì trình duyệt sẽ gửi thông tin đến cho Facebook cũng như người quản trị của website này. Mỗi lần bấm nút Like thì đồng nghĩa người dùng đã cho phép chia sẻ nội dung với Facebook mà không cần phải sao chép sang một status mới.
|
Một chuyên gia an ninh mạng của Australia là Nik Cubrilovic đã phát hiện ra một bí mật được cho là "khủng khiếp" hơn: đó là Facebook còn theo dõi việc duyệt web của người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất ra khỏi tài khoản của mạng xã hội này.
Facebook sau đó đã xác nhận thông tin này. Kĩ sư Gregg Stefancik thuộc Facebook cho biết các cookie theo dõi vẫn tồn tại ngay cả khi người dùng đã đăng xuất. Tuy nhiên mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết họ không dùng các cookie này để bán thông tin cá nhân của khách hàng mà chỉ "bảo vệ khỏi việc bị người khác truy cập lén vào tài khoản".
Thế nhưng sự thực là từ năm 2014, Facebook đã dùng các dữ liệu từ việc duyệt web của người dùng để đưa các nội dung quảng cáo phù hợp. Đó cũng là lý do vì sao các quảng cáo đúng theo sản phẩm ưa thích vẫn ngày ngày xuất hiện trên News Feed của từng người.
Tác giả: Đức Trọng
Nguồn tin: Báo Người đưa tin