Xe

Euro NCAP - kẻ 'phá hoại' khiến nhiều hãng ôtô dè chừng

Là tổ chức đánh giá mức độ an toàn của xe ôtô uy tín, Euro NCAP đã tiến hành kiểm tra hơn 1.800 vụ va chạm với tổng chi phí lên tới 160 triệu Euro, giúp cứu sống 78.000 người.

Euro NCAP là một tổ chức phi lợi nhuận có nguồn kinh phí được duy trì bởi chính phủ các nước thành viên EU và những người sáng lập. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 90% lượng xe ôtô trên thị trường được đánh giá bởi tổ chức này.

Vì vậy, các báo cáo của Euro NCAP có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua xe của người tiêu dùng, từ đó tác động trực tiếp đến doanh số sản phẩm bán ra của các nhà sản xuất. Điều này khiến nhiều hãng xe kiêng dè trước những khuyến cáo của tổ chức đến người dân châu Âu cũng như nhiều khu vực khác.

Các bài kiểm tra của Euro NCAP được các nhà lập pháp và hiệp hội xe ôtô hoàn toàn ủng hộ bởi những quy chuẩn của chính phủ mới chỉ dừng lại ở mức độ “hợp pháp”, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Những chiếc xe được thử nghiệm tại Euro NCAP sẽ trải qua các bài kiểm tra gồm kiểm tra tổng thể, kiểm tra mức độ an toàn với người trưởng thành, trẻ em, người đi bộ và cuối cùng là kiểm tra các trang thiết bị hỗ trợ.

1. Bài kiểm tra mức độ an toàn đối với người trưởng thành
Hình ảnh một bài kiểm tra của Euro NCAP.

Bài kiểm tra được dàn dựng dựa trên những tai nạn mô phỏng tác động trực diện khi ôtô va chạm với các đối tượng chuyển động hoặc cố định như cột đèn, cột điện… Chúng có thể gây ra các chấn thương cổ cho người lái. Vì vậy, hệ thống phanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bài kiểm tra này.

2. Bài kiểm tra mức độ an toàn đối với trẻ em

Sự an toàn của trẻ em được Euro NCAP đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia dựa trên 3 yếu tố để cho điểm, đó là hệ thống giữ trẻ ở phía trước và phía tác động, khả năng ổn định và chất lượng ghế ngồi dành cho trẻ em (hệ thống chốt dành cho ghế của trẻ, nút dừng khẩn cấp hoạt động của túi khí…).

3. Bài kiểm tra mức độ an toàn đối với người đi bộ

Euro NCAP xác định sự an toàn của chiếc xe đối với người đi bộ bằng cách đánh giá các nguy cơ gây chấn thương đầu, xương chậu và chân từ những cấu trúc khác nhau gồm nắp ca-pô, kính chắn gió, cạnh nắp ca-pô và tấm chắn trước xe. Những xe ôtô trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động sẽ được cộng điểm trong trường hợp này.

4. Bài kiểm tra mức độ an toàn của các trang thiết bị hỗ trợ

Euro NCAP đề cao vai trò quan trọng của các công nghệ hỗ trợ người lái. Bởi chúng giúp người dùng kiểm soát xe tốt nhất từ nhắc nhở cài dây an toàn, cảnh báo tốc độ, hỗ trợ chuyển làn, phanh khẩn cấp…


Sau khi tổng kết và phân tích điểm số mà các “ứng viên” đạt được trong từng bài kiểm tra, chúng sẽ được đánh giá theo mức độ an toàn từ 1 đến 5 sao:

- 5 sao: Hiệu suất tổng thể tốt, trang bị đầy đủ các công nghệ an toàn giúp phòng tránh tai nạn tối đa.

- 4 sao: Hiệu suất tổng thể tốt, có thể có hoặc không có các công nghệ an toàn giúp phòng tránh tai nạn.

- 3 sao: Hiệu suất trung bình, thiếu các công nghệ an toàn giúp phòng tránh tai nạn.

- 2 sao: Hiệu suất tối thiểu, thiếu công nghệ giúp tránh va chạm.

- 1 sao: Gần như không thể bảo vệ người dùng khỏi chấn thương do tai nạn.

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, nhờ có những bài đánh giá của Euro NCAP mà số ca thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong do tai nạn đường bộ đã giảm đi đáng kể.

Đại diện của Euro NCAP, các tiêu chí an toàn mà tổ chức này đưa ra được cập nhật thường xuyên bởi các nhân viên với các yêu cầu ngày một khắt khe hơn. Điều này nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tìm tòi, phát triển các công nghệ thân thiện và an toàn với người dùng hơn.

Kết quả kiểm tra của Euro NCAP có hiệu lực trong vòng 6 năm liên tiếp. Tổ chức khuyến khích các hãng xe gửi lại mẫu ôtô để thử nghiệm sau khoảng thời gian này với các tiêu chí được sắp xếp và phân loại lại một cách hợp lý.

Tác giả bài viết: Minh Minh Ảnh: Euro NCAP

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok