Du lịch

Èo uột du lịch đường thủy

Có mạng lưới kênh rạch nội đô, sông ngòi kết nối dày đặc nhưng bao năm qua du lịch đường thủy TP.HCM vẫn èo uột, ế khách.

Nhiều tour đường thủy TP.HCM không hấp dẫn du khách - Ảnh: N.T.Tâm


Khai trương rồi… vắng khách

Công ty Du ngoạn Việt đang khai thác ba chương trình du lịch đường thủy ở TP.HCM, gồm tour Cần Giờ khởi hành từ cảng Phú Mỹ, tour tham quan địa đạo Củ Chi xuất phát từ bến Bạch Đằng (Q.1) và tour chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đối với tour Cần Giờ, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Du ngoạn Việt, cho biết khi tàu biển quốc tế đưa khách cập cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có thuyền đến đón khách vào rừng ngập mặn Cần Giờ. Ở đây, khách chèo thuyền kayak, dạo bộ, tham quan ruộng muối, thử làm muối với người dân địa phương…

Năm ngoái, Du ngoạn Việt khiến nhiều người bất ngờ khi đầu tư hơn 10 tỉ đồng đóng thuyền chèo, xây dựng bến thuyền để kinh doanh du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Con kênh này dù đã được cải tạo đẹp hơn, sạch hơn nhưng để đưa vào khai thác du lịch là điều trước đó chưa ai nghĩ tới. Hành trình đưa khách qua 9 cây cầu, bắt đầu từ cầu Thị Nghè và kết thúc ở cầu Lê Văn Sỹ. Khoảng cách giữa hai điểm chừng 4,5 km với thời gian di chuyển cả đi và về 1 giờ 30. Tất cả các thuyền đều bằng gỗ, được ông thuê đóng ở tỉnh Hậu Giang.

Công ty của ông Anh là doanh nghiệp du lịch tư nhân hiếm hoi ở TP.HCM nỗ lực thiết kế sản phẩm du lịch đường thủy dựa vào thế mạnh tự nhiên của địa phương. Ngoài ra còn có các tàu nhà hàng đang đậu dọc sông Sài Gòn đón khách ăn tối, chỉ chạy một đoạn trên sông. Vì thế, hiện nay, khách muốn mua một tour đường thủy ở TP.HCM để ngắm cảnh sông nước là cực kỳ khó khăn. Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, một doanh nghiệp nhà nước, chào bán 6 tour đường thủy nhưng hiện chỉ còn khai thác 3 tour; gồm tour từ trung tâm TP.HCM đi rừng ngập mặn Cần Giờ - Vàm Sát; đến Long An; địa đạo Củ Chi. Các tour đường thủy đi nhà vườn Long Phước, Q.9; làng du lịch Bình Quới và dọc theo đại lộ Đông Tây theo kênh Bến Nghé và Tàu Hủ đã ngưng. Năm 2013, UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chủ trì phát triển tour đường sông, khai trương hoành tráng cùng năm và sau đó... vắng khách.

Theo chiến lược phát triển du lịch đường sông giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực. Vì thế, ngành du lịch TP.HCM đã xây dựng các tuyến du lịch đường sông tầm xa từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL và Campuchia; tầm trung đi Đồng Nai, Củ Chi, Cần Giờ; tầm ngắn theo các kênh, rạch khu vực nội đô và ngoại thành. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với tình hình khai thác hiện nay, kế hoạch biến tour đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM gần như phá sản. Các tour đường sông sau khi khai trương đều chết yểu như tour từ TP.HCM đi Đồng Nai, Bình Dương; tour kênh rạch nội đô; các tour còn lại thì ế ẩm...

Điều kiện cần và đủ đều chưa có

Ông Phan Xuân Anh khẳng định, điều kiện để tổ chức tour đường thủy ở TP.HCM là không hề thuận lợi. Chẳng hạn, từ bến Bạch Đằng đi Củ Chi phải qua cầu Bình Lợi, nhưng độ tĩnh không của cây cầu này không đủ để thuyền lớn chui qua. Ví dụ, các du thuyền lớn không thể vào được cảng Sài Gòn vì độ tĩnh không cầu Phú Mỹ chỉ 50 m. Cho nên, các tàu lớn đưa khách tới TP.HCM phải đậu ở cảng Hiệp Phước, cảng Lotus, còn không thì vào các cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó, khách phải ngồi xe vài giờ để vào TP.HCM vui chơi, giải trí. Thậm chí, có hôm, chỉ vì ăn bữa tối mà phải đưa hàng trăm khách từ cảng Phú Mỹ vào trung tâm TP.HCM, vô cùng bất tiện.
“TP.HCM cần thiết phải xây dựng cảng du thuyền, chứ không thể đón khách cao cấp mà tàu đậu nhờ đậu ké ở cảng hàng hóa mãi được. Chúng ta phải đầu tư cảng, đầu tư hạ tầng thì các hãng tàu mới đưa khách tới; không thể có chuyện chờ khách tới đông rồi mới xây cảng du thuyền được”, ông Anh đề xuất.

Chưa kể, tour đường thủy từ cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu gặp vướng mắc lớn về thủ tục hành chính. Ông Anh cho biết, khi qua bên kia sông là địa phận TP.HCM nên phải xin giấy phép ở cả hai địa phương. Mỗi cảng vụ sẽ cấp một giấy phép xuất bến riêng. Mỗi lần thuyền quay lại (trong ngày) để đón khách tiếp phải mất thêm một lần xin giấy phép mà không cho xin giấy phép trước. Còn ở TP.HCM, khi ca nô xuất phát ở bến Bạch Đằng phải xin giấy phép xuất bến, qua Q.2 đón khách tiếp lại xin thêm một giấy phép khác. Tàu thuyền cũng không dễ gì tìm được chỗ, vì thiếu bến đỗ, nhất đậu qua đêm.

Ông Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia du lịch, cũng cho rằng những điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch đường thủy ở TP.HCM là chưa có. “Vài năm trước, tôi có tiếp xúc với người của Singapore Rivertour, một doanh nghiệp phát triển du lịch đường sông nổi tiếng của Singapore, đến TP.HCM để khảo sát tour đường thủy. Họ khẳng định đường thủy ở TP.HCM khó phát triển vì các lý do: môi trường nước không đảm bảo, cảnh quan ven bờ không có, điểm đến ven bờ đơn điệu, kết nối giao thông đường thủy và đường bộ không thuận lợi, cảng bến không có…”, ông Sơn kể.

“Nhưng vấn đề quan trọng của du lịch TP.HCM là trên bờ làm không đến nơi đến chốn thì sao phát triển được dưới nước. Chợ đêm Bến Thành, phố Tây Phạm Ngũ Lão… bao nhiêu năm vẫn vậy, không thay đổi. Sản phẩm du lịch của TP.HCM thiếu và yếu, không hấp dẫn, không có sản phẩm mới. Du lịch trên bờ mạnh thì dưới nước mới mạnh được”, ông Sơn nhận xét.

Lãng phí

Không chỉ TP.HCM, các địa phương ở VN vẫn hạn chế trong việc phát triển tour du lịch đường sông dù có nhiều tiềm năng và cảnh quan rất đẹp như hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL, sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Hương ở Huế... VN chưa có một con sông nào trở thành điểm tham quan thuộc dạng khách “không thể bỏ qua”. Trong khi đó ở các nước lân cận, hình thức tour du thuyền trên sông rất phổ biến như sông Chaopraya (Bangkok, Thái Lan), du ngoạn trên sông Singapore... Trên thế giới có những tour đường thủy nổi tiếng như du thuyền trên sông Seine (Pháp), sông Nile (Ai Cập), hệ thống kênh rạch ở Amsterdam (Hà Lan), sông Hằng (Ấn Độ)...

Tác giả bài viết: N.Trần Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok