Một buổi chiều Chủ nhật, trong sân tòa nhà 3 tầng trên đường số 1 (P. Long Trường, Q.9, TP.HCM), không khí vô cùng náo nhiệt. Hàng chục đứa trẻ đang quây quần quanh một thanh niên còn rất trẻ.
Bỗng, một tiếng còi vang lên. Những đứa trẻ đang nháo nhào vội vàng đứng thành hàng ngang. Gương mặt chúng thơ ngây nhưng nếu nhìn kỹ, đứa nào cũng có một nét buồn phảng phất. Đứa cao, đứa thấp, tất cả đều nghiêm chỉnh chấp hành lời người thanh niên đứng trước chúng.
Thầy Nam tập trung các bé. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
|
Anh thanh niên ngồi bệt xuống đất, một chân duỗi ngang rồi nói: 'Các em nhìn chân thầy Nam nhé. Chân thầy Nam duỗi thẳng, thật thẳng. Các em cũng làm như thế nhé...'.
Hơn 10 đứa trẻ có độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi cùng nhau ngồi xuống duỗi chân ra theo đúng hướng dẫn của thầy. Thầy Võ Hoàng Nam - tiếp tục hướng dẫn thêm các thao tác khác. Các em tập theo thầy nhuần nhuyễn.
Khởi động cơ thể trước khi tập bơi. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
|
Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong cơ sở Thiên Thần
3h chiều, trong lúc thầy Nam đang huấn luyện cho các bé từng động tác, một vài bé lảng vảng bên ngoài cũng muốn vào tập chung với bạn. Thầy Nam khoát tay để các em ra ngoài.
Các em đó mặc đồng phục. Váy hoặc quần ca-rô và áo trắng. Vai bé mang ba lô. Chị Võ Dung Hạnh, quản lý cơ sở bảo trợ Thiên Thần cho biết các em này chuẩn bị đến lớp học Anh văn. Một tuần 2 buổi, các em được đưa đến trường ở chung cư trên đường Dương Đình Hội (P. Phước Long B, Q. 9).
Có 7 em theo học lớp Anh văn này được trường dạy miễn phí từ vỡ lòng đến khi đạt được chứng chỉ IELTS.
Nắm tay vào thanh sắt dàn hàng ngang tập bơi. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
|
Các bé tập bơi đã ra sân sau để vào hồ bơi, những bé còn lại chuẩn bị đi học Anh văn đã tề tựu gần đủ. Chúng tôi đến gần một bé gái đang ngồi trên chiếc xích đu. Bé có nước da ngăm đen. Gương mặt rất buồn. Chúng tôi hỏi bé biết tiếng Anh nhiều chưa. Bé chỉ trả lời bằng ánh mắt xa xăm và lắc đầu nhè nhẹ.
Bé có tên Tiểu Yến, bị bỏ rơi khi mới 2 ngày tuổi và cơ sở nhận về nuôi đến 5 tuổi thì mẹ bé xuất hiện xin nhận lại con. Mẹ ăn mặc nhếch nhác nhưng lại đi cùng một số người sang trọng. Nhìn cung cách như thế, cơ sở yêu cầu chứng minh khả năng nuôi con sau khi nhận về, mẹ bé chỉ xuất trình được giấy chứng nhận hộ nghèo ở Đăk Nông.
Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần cương quyết từ chối trả con. Từ đó, bà biền biệt tới nay. Tiểu Yến tiếp tục lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người không cùng máu mủ.
'Mấy đứa chuẩn bị xong chưa ?'. Tiếng một người đàn ông đứng tuổi từ xa vọng lại. Chúng tôi nhìn theo. Ông mặc chiếc quần ngắn màu sậm, áo thun đen. Tóc cắt ngắn, chân trần. Ông tiến dần đến chiếc xe tải đang đậu dưới tán cây.
Ông chính là Bùi Công Hiệp - Giám đốc cơ sở bảo trợ Thiên Thần.
Ông Bùi Công Hiệp, giám đốc cơ sở chuẩn bị xe đưa các bé đi học Anh văn. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
|
Ông cuốn bức màn che hai bên rồi hô to, các con lên xe đi. 7 bé đã leo lên xe ngồi vào yên vị. Ông đưa tay chào tôi và nói, 'Tôi đưa các cháu đi học anh nhé'.
Ông bố của 85 đứa con
Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần được xây dựng trên diện tích đất 2500m2 với một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi khang trang.
Được thành lập vào tháng 10/2010, bước đầu cơ sở nhận 12 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ để nuôi dưỡng. Các em được nuôi ăn, học hành hoàn toàn miễn phí cho đến khi ra trường. Hiện các em đều thành đạt. Có em nay là vận động viên cử tạ của thành phố.
Xong lứa học sinh cơ nhỡ, ông Hiệp trăn trở rất nhiều. Ông bàn bạc với gia đình và cuối cùng đi đến quyết định nhận nuôi các bé sơ sinh bị bỏ rơi.
Bữa ăn của những đứa trẻ mồ côi bên ba Hiệp. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
|
Cuối năm 2013, cơ sở nhận 5 trẻ sơ sinh đầu tiên. Ông Hiệp kể lại với chúng tôi, lúc đó ông thuê 2 cô bảo mẫu nhưng không đủ sức để chăm các bé. Ông phải bỏ tất cả - nhất là bỏ nhậu, một thú vui của ông vào những buổi chiều, để có thời gian và tỉnh táo lo cho các bé.
Nhưng công việc cũng không trôi chảy bởi cả bảo mẫu và ông đều là những người chưa có kinh nghiệm chăm trẻ.
Sau này, trải qua nhiều cố gắng, học hỏi kinh nghiệm qua các sản phụ, tìm tòi kiến thức nuôi trẻ qua những trang sách, ông đã có vốn liếng chăm trẻ dồi dào và có thể quyết định mọi việc mà không sợ mắc sai lầm.
Số trẻ tăng lên dần. Đến nay, đã có 38 bé độ tuổi từ 4 - 7 tuổi, 24 bé từ 2 đến dưới 4 tuổi và 23 bé sơ sinh 1 ngày tuổi đến dưới 2 tuổi.
Lớp học võ ở cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.
|
Khi chúng tôi đến thăm, nhìn đám trẻ nô đùa, các cô bảo mẫu tận tình và nhất là phong cách chan hòa của ông Hiệp, chúng tôi có cảm giác đây là một gia đình trong ngôi nhà rộng lớn.
Ông Hiệp đồng ý với chúng tôi. Đây là gia đình ông mà ông là bố của 85 đứa con. Ông nói, 'Ai không có điều kiện nuôi con cứ đưa vô đây. Tôi không quan tâm nhân thân. Nghèo quá không nuôi nổi hay một phút lỡ lầm hoặc bất kỳ lý do gì để lại hậu quả chúng tôi đều nhận nuôi để chúng tiếp tục lớn lên làm người và phải là người có ích cho xã hội'.
Tác giả: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet