Kinh tế

Đường sắt “ế” hơn 100 nghìn vé tàu Tết có bất thường?

Chưa khi nào đường sắt lại “ế” lượng vé tàu Tết lớn như năm nay, cận kề Tết mà còn tới hơn 100 nghìn vé chưa có người mua...

Ngành Đường sắt đang triển khai nhiều giải pháp như giảm giá, khuyến mãi, điều chỉnh cung chặng, cắt chặng để bán vé sát nhu cầu hành khách (Trong ảnh: Khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn)

Giá vé cao hơn cả máy bay, đường sắt “đuối sức” trong cạnh tranh

Bắt đầu mở bán từ 1/10, đến nay đã gần 2 tháng nhưng tìm hiểu của PV Báo Giao thông, vé tàu Tết Tân Sửu 2021 tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn còn hơn 100 nghìn chỗ chưa có người mua. Số lượng bán ra chỉ được khoảng 40-50% so với năm ngoái.

Trong đó, từ 2/2 - 11/2/2021 (từ 21 - 30/12 Âm lịch), tổng số chỗ trên mác tàu số chẵn từ các ga Sài Gòn, Biên Hòa ra các ga phía Bắc còn khoảng 25.000 chỗ.

Chiều ngược lại, số chỗ trên các mác tàu số lẻ từ 12/2 - 23/2/2021 (từ 1/1 - 15/1 Âm lịch) từ các ga phía Bắc về đến ga Biên Hòa, Sài Gòn còn tới khoảng 52.000 chỗ.

Tuy nhiên, tàu số chẵn chạy vào những ngày cao điểm từ 27-29 tháng Chạp hầu như đã hết vé, một số tàu chỉ còn ghế phụ.

Chị Kiều Anh (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng quê ở Nghệ An, lại có con nhỏ nên chọn đi tàu cho an toàn, thoải mái.

“Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá vé máy bay năm nay khá rẻ. Tôi cũng thử tham khảo giá vé máy bay Hà Nội - Vinh những ngày không “hot”, giá còn rẻ hơn cả vé tàu. Nhưng giá vé ngày “hot” lại cao, tới hơn 1 triệu đồng/vé, trong khi vé tàu chỉ khoảng 700.000 đồng/vé. Tuy nhiên, nếu không có con nhỏ, tôi sẽ đi xe khách cho nhanh, đưa về đến tận nhà, giá vé cũng rẻ hơn”, chị Kiều Anh nói.

Trong một trang fanpage về đường sắt, bình luận về tình hình vé tàu Tết, thành viên Nguyễn Huy Hùng chia sẻ: “Năm nay vé máy bay rẻ quá. Tôi mua vé ngày 22 Âm lịch cho mẹ từ Sài Gòn về Hà Nội có 1,9 triệu đồng/vé, qua ngày 23 tăng lên hơn 3 triệu đồng, so với giá vé tàu không hơn bao nhiêu mà di chuyển nhanh và đỡ vất vả hơn”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thẳng thắn thừa nhận thực tế đang “ế” vé tàu Tết năm nay.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do ảnh hưởng dịch Covid-19, thu nhập, đời sống người dân khó khăn hơn nên họ cũng cân nhắc trong việc có nên về quê ăn Tết hay không.

Mặt khác, hàng không không bay được thị trường quốc tế nên tập trung vào thị trường nội địa, tới 6.000 chuyến bay trong thời điểm Tết. Vận tải đường bộ cũng vậy. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các phương thức càng trở nên gay gắt.

“Phương thức nào mà giá thấp, thời gian hành trình hợp lý là khách lựa chọn. Điều này tác động rất lớn đến việc bán vé Tết của ngành Đường sắt”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Quốc Trung, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết thêm, tuy vẫn mở bán từ ngày 1/10 như mọi năm, nhưng so về lịch âm, năm nay bán sớm hơn so năm ngoái gần một tháng.

Nhưng thời điểm đó chưa chốt phương án lịch nghỉ Tết nên công nhân, sinh viên, người lao động chưa xác định được kế hoạch để mua vé.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, các ngày cao điểm, loại chỗ “hot” đều đã bán hết vé ngay sau khi mở bán một vài ngày.

Tuy nhiên, các năm trước, khách mua nhiều trong cả giai đoạn chạy tàu Tết (khoảng 1 tháng, gồm trước, trong và sau Tết - PV) nhưng năm nay, giá vé máy bay rẻ hơn, chuyến bay nhiều, liên tục đã thu hút rất lớn lượng khách.

Bà Hà cũng cho biết, đối với tàu khu đoạn phía Bắc, cũng như mọi năm, các chặng ngắn còn rất nhiều vé vì nhu cầu khách chưa có. Khách đi các chặng này thường sát Tết mới mua.

“Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Đường sắt là việc thi công gói 7.000 tỷ tuyến Bắc - Nam thời gian qua dẫn đến hành trình tàu kéo dài, nhiều tàu bị chậm giờ. Mặc dù Tết sẽ dừng thi công để tổ chức chạy tàu, nhưng tình trạng chậm tàu hiện nay cũng khiến khách e ngại, không muốn đi tàu”, bà Hà thông tin.

Tăng tàu khu đoạn, giảm mạnh giá vé để hút hành khách

Về những ý kiến phản ánh của khách hàng như giá vé tàu đắt, đường sắt hay “om” vé, chỉ bán chặng dài trước, không cắt bán chặng ngắn sớm, bà Hà cho biết, giá vé năm nay đã giảm 10-20% so với năm ngoái. Nhưng dù có giảm, vẫn phải thừa nhận vé tàu còn đắt hơn đi các phương tiện khác.

“Chạy tàu với giá hiện nay chúng tôi đã lỗ nhiều rồi vì phải gánh rất nhiều chi phí cố định, không thể hạ giá được nữa. Vì thế, chúng tôi phải tìm mọi phương án để hút khách như chạy tàu “rải” ra, khảo sát ngày nào, chặng nào khách có nhu cầu cao thì lập thêm tàu, có các chính sách giá vé linh hoạt, chương trình giảm giá vé như giảm từ 10-30% giá vé đối với sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, giảm giá 5% vé khứ hồi…”, bà Hà cho hay.

“Khách đi chặng ngắn đã có tàu khu đoạn. Nhưng rất nhiều khách chỉ muốn mua vé tàu Thống Nhất, mác tàu SE, vào tìm không thấy có vé lại tưởng hết vé. Nhưng thực ra vẫn còn các tàu khác”, bà Hà nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Trung cho biết, trước tình hình này, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang triển khai nhiều giải pháp mới để thích ứng và thu hút thêm khách đi tàu cả đợt vận chuyển Tết như giảm giá, khuyến mãi, điều chỉnh cung chặng, cắt chặng để bán vé cho phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của hành khách từng thời điểm.

“Chúng tôi cũng điều chỉnh lại kế hoạch bán vé, không mở bán ồ ạt mà mở bán dần theo hình thức cuốn chiếu, tập trung vào những ngày cao điểm, những mác tàu “hot” trước. Tuy nhiên, khi nhu cầu đi tàu của hành khách cao, chúng tôi sẽ lập thêm tàu, nối thêm toa xe”, ông Trung nói.

Mới đây, ngành Đường sắt tung hàng nghìn vé giảm giá 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu cho giai đoạn không cao điểm trước Tết từ ngày 4/1 - 29/1/2021. Sau khi giảm giá, giá vé TP HCM - Nha Trang chỉ từ 160.000 đồng/vé; TP HCM - Đà Nẵng chỉ từ 250.000 đồng/vé. Đặc biệt, giá vé từ TP HCM - Hà Nội chỉ từ 450.000 đồng/vé.

Tác giả: Thanh Thúy

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: vé tàu Tết , đường sắt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok