Dân đã “khốn” khi thi công, lại thêm “khổ” vì đường vừa làm đã hỏng
Thời điểm khai trương mùa du lịch Sầm Sơn 2016, cuối tháng 4/2016, người dân ở đường Bà Triệu rất phấn khởi, vì chấm dứt tình trạng thi công tuyến đường và lắp đặt đường cống nước thải ở đây, chỉ hơn 100m, nhưng ì ạch, kéo dài. Người dân thở phào, thoát khỏi cảnh khốn khổ vì vừa là phố, vừa là công trường.
Đường bị đào bới ngổn ngang, máy múc chắn trước cửa nhà, đường bị cắt khúc, đào lên thành những đoạn hào sâu 4,5m ngập nước, bùn đất múc lên chất cao như núi, nước bẩn chảy tràn trước cửa nhà, vỉa hè. Ô tô, xe máy bị cấm đường. Vì vậy, người dân phố Bà Triệu khi trở về nhà, hay đến cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà hàng… phải gửi xe ở nơi khác. Lác đác khách du lịch đầu mùa cũng chịu chung khó khăn với chủ nhà. Sau khi được nâng cấp, cải tạo, mặt đường thảm nhựa mới tinh, sạch sẽ.
Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, một ngày cuối tháng 10/2017, tại đường Bà Triệu, nhiều người dân phản ánh với phóng viên Báo điện tử Ngày mới online: Do quá trình thi công, làm hư hỏng vỉa hè lát đá và tắc một số đoạn cống thoát nước 2 bên đường Bà Triệu, nhưng việc khắc phục qua loa, tắc trách…
Bức xúc nhất là đường làm xong chưa được bao lâu, bỗng nhiên xuất hiện những “ổ voi, ổ gà” sâu hoắm giữa đường, trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Nhất là mỗi khi có mưa lớn, hay sau cơn bão số 10 và đợt mưa to do áp thấp vừa qua, mặt đường ngâm nước dài ngày, càng bong tróc nhiều hơn. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhiều lần họ chứng kiến cảnh người đi xe máy, xe đạp bị sập hố, xe gục một nơi, người văng một nẻo…
Mặt đường vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng |
Để đối phó, người dân chỉ biết lấy cánh cửa, cành cây cắm tạm để cảnh báo tai nạn và báo với chính quyền để khắc phục. Tuy nhiên, việc sửa chữa, khắc phục sự cố rất sơ sài, tạm bợ, chỉ bằng vữa xi-măng đổ xuống, lúc khô lại để lộ màu trắng phếch, loang lổ cả mặt đường. Nhưng cũng chỉ được ít lâu, chỗ vừa sửa xong lại bị bong tróc trở lại và xuất hiện thêm những “ổ gà” mới.
Các hộ dân cho rằng, do việc thi công của nhà thầu không bảo đảm quy trình, giải pháp kĩ thuật. Người dân phố Bà Triệu hằng ngày chứng kiến nhà thầu thi công trước nhà mình, kể: Việc đặt tuyến cống thoát nước thải với đường kính ống cống lớn, sâu 3-4m, nhưng không bơm hút kiệt nước, mà để nước ngập nửa thân cống, dùng bao tải dứa chèn giữa 2 khớp nối ống cống, rồi trát nhựa đường, xong lấp lại rồi rải thảm nhựa (!?).
Nhiều người đặt câu hỏi: Còn một nửa thân cống chìm dưới nước, có thể khớp nối giữa các ống cống vẫn bị hở, nước thải trong lòng cống sẽ đùn lên, hủy hoại kết cấu đường và mặt đường thì sao? Nguyên nhân có thể trước khi đặt đường cống, không có đế cống trên toàn tuyến, mà chỉ đặt một đoạn ngắn chừng 30 – 40cm, gối giữa 2 đoạn cống ghép với nhau nên không thể bảo đảm kĩ thuật.
Cũng vì thi công “không giống ai” như trên, người dân nghi vấn không có tư vấn giám sát của bên A (chủ đầu tư là UBND TP Sầm Sơn), nên nhà thầu mới dễ dàng “qua mắt” cơ quan quản lí, bất chấp pháp luật, thi công ẩu và vô trách nhiệm. Người dân phố Bà Triệu chỉ có một niềm mong mỏi, nhà thầu sớm sửa chữa dứt điểm, không để tình trạng đường hỏng tiếp diễn, phải bảo đảm mĩ quan đô thị, giao thông an toàn, thuận tiện cho người dân tại chỗ và khách du lịch. Hơn nữa, tránh nguy cơ lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước và doanh nghiệp.
Một kiểu cảnh báo nguy hiểm |
Đường hỏng do đâu?
Theo lãnh đạo Ban Quản lí xây dựng công trình TP Sầm Sơn (gọi tắt là (BQL): Việc triển khai gói thầu số 07, thi công đường Bà Triệu, do nhà thầu Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hoàng Hải (Công ty Hoàng Hải) thực hiện, thi công tuyến cống D-1200 thoát nước thải từ G78 đến bể xử lí song song, trị giá khoảng 26 tỉ đồng; song song và đồng bộ với hệ thống thoát nước thải trên đường Hồ Xuân Hương, nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, với tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng, trong đó riêng phần xây lắp là 256 tỉ đồng.
Thực tế, để hoàn trả con đường khai thác trong mùa du lịch, bắt buộc nhà thầu thi công phải trải thảm tạm thời trước ngày 22/4/2017. Hiện Dự án này vẫn trong giai đoạn triển khai, chưa nghiệm thu, quyết toán. Nhà thầu chấp nhận rải thảm mặt đường tạm thời, dự định sau Hè sẽ tiến hành phá đi làm lại gần như toàn bộ đoạn đường này, việc phá mặt đường làm lại thiệt hại lên đến 900 triệu đồng, bằng kinh phí của nhà thầu.
Về phía nhà thầu cũng có biên bản cam kết sửa chữa hiện tượng sụt lún tuyến đường này, thời gian dự kiến bắt đầu từ ngày 10/9/2017 đến khi hoàn thành trong khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, đúng thời điểm này lại gặp bão, áp thấp nên chưa thi công được. Từ ngày 1/11, BQL sẽ cấm đường để bắt đầu thi công.
Ông Đức, Phó phòng Điều hành Dự án I (BQL) khẳng định, việc dân phản ánh khi thi công bước đầu không có đế cống, việc lắp cống không bảo đảm kĩ thuật, không có giám sát trong quá trình thi công không có căn cứ và không đúng.
Tuy nhiên, khác với quan điểm trên, nhà thầu thi công Công ty Hoàng Hải đã nhận trách niệm về mình, trong việc có “sai sót” khâu thi công, để xảy ra hiện tượng lún, nứt đường Bà Triệu.
Tại Văn bản (không số) ngày 29/8/2017, của nhà thầu thi công gửi Ban Quản lí các dự án TP Sầm Sơn (đại diện chủ đầu tư), về việc sửa chữa hiện tượng sụt lún tuyến đường Bà Triệu, cho biết: “Công ty Hoàng Hải là đơn vị thực hiện gói thầu số 07, thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương (TP Sầm Sơn), thi công tuyến cống thoát nước thải, đoạn đường Bà Triệu nối từ đường Hồ Xuân Hương đến hố thu tại đường Thanh Niên. Trước điều kiện thi công rất khó khăn, do mặt đường hẹp, 2 bên vỉa hè có dân cư.
Đặc biệt khó khăn là tuyến cống D-1200 đặt dưới độ sâu từ 3,65m đến 4,75m trên nền cát chảy, có mực nước ngầm cao”. Văn bản trên nói rõ những cố gắng và phương pháp thi công của nhà thầu: “Mặc dù khó khăn là vậy, nhà thầu vẫn khắc phục để thi công cọc cừ, đào múc cát nền vận chuyển đi đổ và hút nước hố móng để tổ chức lắp đặt ống cống, nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót, do đáy các vị trí mối nối ống cống không thể thi công được, vì mực nước ngầm cao, áp lục từ bể hút nước tù, bể xử lí nước lớn, dẫn đến bị lồng nước từ đáy mối nối ống cống vào nền cát quanh thân cống, sinh ra hiện tượng lún sụt”.
Cần làm rõ và xử lí trách nhiệm các bên liên quan
Nội dung của nhà thầu thừa nhận có “sai sót” trong quá trình thi công như trên, hoàn toàn phù hợp với nhận định của người dân. Nghiêm trọng nhất, trong tình trạng “đáy các vị trí mối nối ống cống không thể thi công được vì mực nước ngầm cao…”, nhưng nhà thầu thi công không khắc phục, cũng không báo cáo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, để xử lí hoặc thay đổi biện pháp thi công phù hợp và hiệu quả.
Ngược lại, vẫn để như vậy, lấp vật liệu và cho rải thảm lên trên để sử dụng đường. Trường hợp, nếu nhà thầu có báo cáo chủ đầu tư, nhưng vì buộc phải hoàn thành tuyến đường kịp phục vụ mùa du lịch, nên không còn thời gian thay đổi biện pháp thi công, dẫn đến hậu quả, thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Dẫn đến hiện tượng “bị lồng nước từ đáy mối nối ống cống vào nền cát quanh thân cống, sinh ra hiện tượng lún sụt” kết cấu nền đường và mặt đường, là không tránh khỏi.
Căn cứ nội dung văn bản ngày 29/8/2017 của Công ty Hoàng Hải, rõ ràng họ đã biết trước “thi công như thế”, khả năng hậu quả sẽ như vậy là rất lớn, nhưng cứ để mặc kệ. Chỉ đến khi người dân 2 bên tuyến phố Bà Triệu, người đi đường… phải gánh chịu đủ thứ phiền toái, thiệt hại, lo lắng… và liên tục phản ánh với chính quyền, phía Công ty mới có văn bản nhận trách nhiệm “sai sót”.
Mặc dù công trình vẫn đang trong thời hạn bảo hành, nhà thầu cam kết sẽ khắc phục triệt để hiện tượng sụt lún mặt đường, kinh phí do nhà thầu tự bỏ ra, nhưng dù gì đó vẫn là tiền của của Nhân dân, là sự lãng phí không thể chấp nhận. Chưa kể, một lần nữa người dân lại bị ảnh hưởng, đảo lộn sinh hoạt trong thời gian sửa đường, ít nhất cũng một tháng tròn, nếu đúng theo văn bản cam kết của nhà thầu.
Tác giả: Đinh Huê
Nguồn tin: Ngaymoionline.vn