Giáo dục

Đuổi học hàng nghìn sinh viên: Tín hiệu mừng!

Đuổi học những sinh viên yếu kém là cách tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình và xã hội.

Chưa bao giờ vào đại học dễ như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, tỷ lệ thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp lại cao như bây giờ. Thực tế này buộc các nhà quản lý, các nhà đào tạo nguồn nhân lực phải sớm có giải pháp phân luồng, hướng nghiệp đào tạo theo hướng những trường nào đào tạo yếu kém, sinh viên tốt nghiệp không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng thì cho dừng tuyển sinh hoặc cho sáp nhập, cơ cấu lại.

Đã có lần, một vị giáo sư đã phải thốt lên rằng, chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm.

Chúng ta tự hào vì đất nước có nhiều cử nhân, thạc sĩ nhưng thực tế nguồn nhân lực này lại có chất lượng rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc, đổi mới và hội nhập. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học là bài toán sống còn đối với sự phát triển, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.

Mới đây, nhiều trường đại học công bố buộc thôi học hàng nghìn sinh viên. Đây được coi là tín hiệu mừng dù còn hơi muộn. Bởi nếu có sự phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho các em từ sớm thì hàng nghìn sinh viên đã không bị lỡ dở con đường tương lai và cùng với đó là hàng nghìn gia đình cũng không nuôi hy vọng, nuôi ước mơ cho con em vào đại học. Nhưng dẫu muộn cũng là biện pháp cần thiết để tránh tình trạng như trước kia “vào đại học rồi kiểu gì cũng tốt nghiệp”. Và điều cần thiết hơn, nếu những sinh viên yếu kém này được hỗ trợ, yểm trợ bằng mọi cách để ra được trường và sau này lại được “nhét” vào cơ quan, đơn vị nào đó thì lại là hậu quả khôn lường với những nơi tiếp nhận. Chắc chắn số này lại nằm trong số những cán bộ, công chức, viên chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về, lại khiến bộ máy thêm cồng kềnh, kém hiệu quả.

Khi thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp thì kêu trời, kêu đất. Nhưng có ai hiểu vì sao họ thất nghiệp? Một trong những lý do là năng lực của họ quá yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Vậy vì sao lại có tình trạng này? Do chương trình học của nhiều trường không phù hợp, không hấp dẫn sinh viên. Cùng với đó, đầu vào của nhiều trường hiện nay quá thấp. Học sinh học ở mức trung bình, thậm chí lực học yếu nhưng vẫn được 2-3 trường đại học mời gọi. Bởi các trường chỉ tập trung vào tuyển sinh cho đủ còn chưa quan tâm đến chất lượng ra sao. Thế mới có chuyện, sinh viên lên lớp ngủ lăn ngủ lóc, ngủ ngon lành.

Vì đầu vào dễ dãi nên phải siết đầu ra? Đây là cách làm gây lãng phí cho xã hội rất lớn, nhưng trong tình hình hiện nay thì có thêm một barie nữa vẫn hơn là không có gì. Thử hỏi, nếu hàng nghìn sinh viên yếu kém này có cơ hội tốt nghiệp và cơ hội tìm kiếm việc làm như nhau thì sẽ có bao nhiêu kẻ “lọt” được vào các cơ quan Nhà nước? Và vẫn còn cơ chế ưu tiên “con ông cháu cha” thì người giỏi muôn đời không có cơ hội. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta phải mất ít nhất 40 năm thì mới có thể “đào thải” được những con người yếu kém này ra khỏi guồng máy. Lãng phí và sai lầm này kéo theo sai lầm và hậu quả khác không thể đong đếm được.

Đuổi hàng nghìn sinh viên yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu học tập của nhà trường là việc làm cần thiết nhưng mới là nắm ở phần “thắt lưng” nhưng là tín hiệu tốt. Nhiều trường đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc sàng lọc và đào thải những sinh viên không đủ năng lực, ý thức học tập.

Nhìn ở góc độ nào đó thì việc đuổi học những sinh viên yếu kém còn là một cách “giải thoát”, giúp các em sinh viên và gia đình không phải đeo đuổi mục tiêu ngoài sức mình, đỡ gây tốn kém cho các gia đình và xã hội./.

Tác giả bài viết: An Nhi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok