Mới nhất là trường hợp ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Bình - khách hàng VIP, đã gây sự chú ý mạnh cho dư luận. Hay trước đó, hàng loạt vụ mất tiền tương tự với khách hàng VIP cũng đã xảy ra như vụ bà Phương Anh (Đà Lạt) báo mất 32 tỷ đồng ở BIDV...
Phân tích câu chuyện này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, từ nhiều năm nay, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ hoặc hàng trăm tỷ đồng (VIP). Theo đó, khách VIP thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch để tránh mất thời gian mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... của ngân hàng thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền...
Khách VIP nên đến quầy giao dịch để hạn chế rủi ro. Ảnh: AQ. |
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần còn cho biết, do khách VIP thường mang về doanh thu cao cho ngân hàng nên nhiều người có những đòi hỏi quá đáng. Lãi suất gửi ngân hàng luôn phải cộng thêm lên mức cao nhất (đôi khi ngân hàng không được phép). Ngoài ra, ngân hàng tuyệt đối không được tính một khoản phí chuyển tiền nào với họ. Rồi một người là VIP thì cả gia đình họ cũng phải được định danh là VIP trên hệ thống. Ngược lại, không chiều chuộng thì nay họ doạ rút tiền, mai doạ bỏ ngân hàng sang bên khác...
Những "đặc quyền" kể trên với khách hàng VIP là có nhưng theo Tiến sĩ Tín, bên cạnh đó họ lại đối mặt với không ít rủi ro. Có những rủi ro đến từ những vấn đề pháp lý trong giao dịch khách hàng như ủy quyền, quyết định, đại diện, chữ ký...
Trong khi đó, hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc các ngân hàng có phần lơ là trong việc giám sát, phòng chống rủi ro trong giao dịch tiền gửi. Từ đó, một số cán bộ nhà băng lợi dụng kẽ hở này, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, trong đó điển hình nhất là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như của VietinBank lừa hàng nghìn tỷ đồng và mới nhất là ông Lê Nguyễn Hưng của Eximbank.
Tất cả những vụ việc nêu trên cho thấy, sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là một nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch tiền gửi. "Ngân hàng không thể lơ là được yếu tố này và chỉ có thẳng thắn nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn, thì việc quản lý rủi ro mới có hiệu quả", ông Tín nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, trong những vụ việc mất tiền trên cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi "giao phó" toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hoặc cứ ký khống giấy tờ, như trường hợp bà Bình mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank. Lẽ ra, theo quy trình giao dịch tại nhà, thường từ 2 đến 3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Nên khi nhân viên ngân hàng có liên hệ thì bà Bình đã trả lời bận. Đây là kẽ hở để ông Hưng lợi dụng chiếm đoạt tiền.
"Dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro. Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất dù có hàng loạt quy định văn bản", ông Tín nói, đồng thời khuyến nghị thêm, đối với giao dịch gửi tiền, khách nên giao dịch trực tiếp tại quầy ngân hàng, không nên giao dịch bên ngoài, dễ có những rủi ro tiềm ẩn. Đã có rất nhiều trường hợp thất thoát tài khoản vì giao dịch bằng niềm tin, và không tuân thủ các quy định, nên với tài khoản của mình khách hàng đặc biệt cẩn trọng.
Nhưng ông cũng cho rằng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. "Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là "chính chủ" hay không. Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát", vị chuyên gia kết luận.
Tác giả: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress