Giải trí

Dừng phát sóng chương trình 'Bố ơi mình đi đâu thế"

'Bố ơi mình đi đâu thế'- chương trình truyền hình thực tế từng có sự góp mặt của MC Phan Anh, sẽ chính thức dừng phát sóng tại Việt Nam vào tháng 1/2017, thế vào đó là chương trình mới dành cho đối tượng khán giả đang bị truyền hình bỏ quên.

MC Phan Anh và con gái tham gia mùa đầu 'Bố ơi mình đi đâu thế'.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC), cũng là giám đốc sản xuất chương trình 'Bố ơi mình đi đâu thế' trả lời phỏng vấn VietNamNet.

- Các chương trình truyền hình thực tế đang trong giai đoạn bùng nổ và chủ yếu dành cho giới trẻ. Nhưng chợt giật mình nhận ra là đối tượng người già, những người nhạy cảm nhất và cần giải trí nhất thì bị truyền hình lờ đi. Theo anh thì vì sao lại như vậy?

Hiện nay trên VTV, Game show có Vui khỏe có ích. Ở mảng phim truyền hình, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện những đề tài gia đình​, đề cập vấn đề của người lớn tuổi, gần đây có phim Lời ru mùa đông. ​Nhưng đúng là khán giả lớn tuổi ​ít có nhiều chương trình dành riêng cho họ. Một số nhà sản xuất lo ngại làm chương trình cho khán giả lớn tuổi vừa khó hấp dẫn, vừa không thu hút được số đông khán giả. Cá nhân tôi thì nghĩ, quan trọng là cách xây dựng nội dung chương trình ​thế nào thôi. Vì khán giả lớn tuổi không phù hợp việc dùng chiêu trò, dàn dựng quá đà.

Có thể tiết lộ luôn với bạn, sắp tới trên VTV sẽ có một chương trình truyền hình thực tế, mà tôi tin rằng không chỉ khán giả lớn tuổi đâu, mà cả khán giả nhí và những bậc cha mẹ cũng rất chú ý​ đón xem. Ngay sau khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế kết thúc vào đầu tháng 1/2017, chúng tôi sẽ thay thế một chương trình truyền hình thực tế mới, nội dung khai thác rất đậm nét về người lớn tuổi là ông, bà​.

- Anh có thể nói thêm thông tin về chương trình này?

​Cũng giống như Bố ơi, mình đi đâu thế, chúng tôi cố gắng thực hiện chương trình có tính nhân văn cao và đem lại những cảm xúc đặc biệt, kết nối tình yêu thương giữa 2 thế hệ: Ông, bà và cháu. Tất nhiên, chương trình này được thể hiện dưới góc độ giải trí nhẹ nhàng, kết hợp yếu tố thực tế và gameshow. ​Format gốc chương trình là của Thái Lan và chương trình​ này đã từng lọt vào đề cử của giải thường truyền hình rất danh tiếng Emmy năm 2009.

​Phiên bản tiếng Việt, chương trình có tên là 'Cháu ơi, cháu à'. Những cặp người chơi là ông/cháu, bà/cháu sẽ cùng nhau thực hiện những ​thử thách. Qua đó, họ sẽ cùng trải nghiệm​, chia sẻ tình cảm và xóa bớt đi khoảng cách thế hệ. Tất cả chúng ta đều thấy, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, ông bà sẽ ngày càng cô đơn. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ giúp các con, cháu nhận thấy việc cần dành nhiều thời gian chia sẻ và quan tâm hơn với ông bà, cha mẹ.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

- Việc thực hiện một chương trình dành cho đối tượng người lớn tuổi có khi nào xuất phát từ thực tế hay cá nhân anh? Vì tôi thấy chúng ta ai cũng có ông bà - bố mẹ lớn tuổi xung quanh. Hàng ngày chúng ta mải miết với công việc mà vô tình bỏ quên họ trong sự cô đơn mà đối tượng này thì lại thường ít có nhu cầu giải trí hay nói đúng hơn là không có gì để giải trí.

Cũng một phần nào là như vậy. ​Tôi cũng ​có lúc giật mình ​và tự hỏi xem bố mẹ mình đang ​xem gì, ​giải trí thế nào. ​Chưa kể, nhiều cha mẹ cứ đưa con cho ông bà trông và thậm chí nghĩ rằng việc 'trông cháu' chính là niềm vui, là thời gian giải trí của ông bà. ​Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, do khoảng cách thế hệ, ông bà và cháu có ​rất nhiều sự khác biệt về thói quen, sở thích. Đa số ông, bà luôn chịu thiệt thòi, cố gắng làm mọi thứ để cháu được vui. Vậy tại sao, chúng ta không khích lệ và hướng cho trẻ nhỏ phải quan tâm và biết yêu quý ông bà hơn? Tôi mong qua chương trình ​Cháu ơi, cháu à, 2 đối tượng chính của chương trình là trẻ em ​và ông bà sẽ ​thêm hiểu nhau hơn qua những nhiệm vụ 'chơi cùng nhau'.

- Cái gì mới thường là và thu hút nhưng cụ thể thì 'Cháu ơi, cháu à' có gì thú vị? Anh có nghĩ nó sẽ tạo sức hút mạnh cỡ 'Bố ơi mình đi đâu thế' mùa đầu tiên không?

Tôi nghĩ điểm thú vị ở Cháu ơi ơi cháu à là nó vẫn mang tính giải trí​ cao, có cả sự hài hước ngộ nghĩnh, có cả những khoảnh khắc tình cảm xúc động. Và điểm thú vị là những tình huống đáng yêu, ngây thơ của những đứa trẻ khi chơi cùng ông bà​, đều diễn ra rất tự nhiên đúng tính chất của một chương trình truyền hình thực tế. Tôi không muốn so sánh chương trình này với Bố ơi mình đi đâu thế, nhưng tôi tin rằng nó sẽ gây ấn tượng không k​ém gì Bố ơi​, thậm chí sự xúc động và bất ngờ còn nhiều hơn​.

- Chương trình nào cũng phải tính đến yếu tố câu khách, các gameshow thì mời các ngôi sao nổi tiếng để thu hút, còn Cháu ơi cháu à thì sao? VFC có mời người chơi ông bà là các nghệ sĩ nổi tiếng để gây chú ý?

Format của Cháu ơi, cháu à không yêu cầu người chơi phải là người nổi tiếng​. Do vậy khi casting người chơi, điều chúng tôi quan tâm nhất chính là tính cách của người ông/bà và đứa cháu, ​làm sao để khi họ tham gia chương trình, họ vẫn tự nhiên nhất và thể hiện đúng những gì họ đang có... Trải qua từng nhiệm vụ mà chương trình đưa ra, mối quan hệ giữa ông bà và cháu sẽ ngày càng gần gũi hơn. Tất nhiên, ​chúng tôi không đặt nguyên tắc cứng nhắc là không cho những gương mặt quen thuộc, người nổi tiếng ​tham gia.

Con trai của MC Thảo Vân và Công Lý cùng ông tham gia chương trình 'Cháu ơi, cháu à'.
- Lâu nay các gameshow truyền hình vẫn thường phải dựa vào các chiêu trò để gây chú ý, ở lần đầu lên sóng Cháu ơi cháu à có chiêu gì để níu người xem ngồi lại trước màn hình khi xung quanh họ có quá nhiều lựa chọn thưa anh?

​Điểm thú vị, cũng là yếu tố đặc biệt là chương trình cho thấy sự khác biệt về khoảng cách thế hệ giữa người lớn tuổi và trẻ em. Có những lần ghi hình mà tại hiện trường, ê kíp vừa quay vừa khóc vì những tình cảm chân thật mà ông bà dành cho cháu, hoặc hình ảnh đứa cháu nhỏ ôm chặt lấy ông và thủ thỉ: Ông ơi, cháu yêu ông nhiều lắm. ​Tôi tin là Cháu ơi cháu à sẽ thu hút khán giả bằng chính thứ tình cảm đó.

- Xin cảm ơn anh!

Tác giả bài viết: Linh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok