Giáo dục

“Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy... tiểu nông"

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn – Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam nhận định như vậy và đề nghị cần phải sớm công bố Tổng Chủ biên về mặt học thuật.

Chiều 28/11/2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo đó, từ năm 2018-2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng chương trình – sách giáo khoa mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả ba cấp học.

Từ thực tiễn và kinh ngiệm thế giới, Việt Nam sẽ thống nhất một chương trình thực hiện chung trên cả nước, nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, đáng lưu ý là việc khuyến khích cá nhân và tổ chức cùng biên soạn sách trên cơ sở một chương trình thống nhất.

Phải khẳng định rằng, đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố Tổng Chủ biên thực hiện chương trình – sách giáo khoa là ai?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tối ngày 21/9, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật lý Việt Nam cho biết, ông rất lo lắng cho kế hoạch đổi mới chương trình – sách giáo khoa, vì nếu không có Tổng Chủ biên thì không thể thực hiện được.

Theo quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: “Tiêu chuẩn của một Tổng chủ biên là phải thực sự am hiểu, biết cách làm chương trình-sách giáo khoa.

Sẵn sàng đối diện với các nhà khoa học, với dư luận để trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan tới thiết kế chương trình – sách giáo khoa. Học xong chương trình phổ thông có thể vào các trường đại học danh tiếng của thế giới không?

Chúng ta phải rõ ràng như vậy về mặt học thuật thì đổi mới sẽ thu được kết quả tốt. Không thể làm chương trình, sách giáo khoa theo tư duy... tiểu nông, nay làm chỗ này, mai sửa chỗ khác thì nền giáo dục không thể nào phát triển được”.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cảnh báo: “Không thể làm chương trình, sách giáo khoa theo tư duy... tiểu nông". ảnh: GDVN


Về vấn đề này, khi còn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Vũ Luận báo cáo với Quốc hội đã từng nói rất thật là chưa có Tổng chủ biên về học thuật cho việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã nói: “Quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa chung”.

Mỗi người một kiểu, không thể có nền trí thức hưng vượng

Theo phân tích của GS.Nguyễn Xuân Hãn, chương trình – sách giáo khoa, giáo viên và trường học là ba yếu tố cơ bản hợp thành nền móng của giáo dục, được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Tuy vậy, ở nước ta hiện nay, cả ba yếu tố này đều có những yếu kém, nếu không muốn nói là nghiêm trọng.

“4 lần đề ra chuyện đổi mới giáo dục từ năm 1980 tới nay đều xoay vào chương trình – sách giáo khoa, ấy thế mà không ra được chương trình – sách giáo khoa chuẩn. Đất nước thì còn nghèo mà tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng như thế thì thật lãng phí khủng khiếp.

Đã vậy, chất lượng đào tạo lại thấp, động vào chỗ nào là cũng thấy có vấn đề. Chương trình học chỗ thì thiếu, chỗ thì thừa và hệ lụy là đẻ ra tình trạng học thêm-dạy thêm.

Cũng vì vậy mà lần đổi mới này dư luận đặc biệt quan tâm, các phụ huynh không muốn con mình trở thành chuột bạch, nên họ rất mong sẽ có chương trình – sách giáo khoa chuẩn quốc tế”, GS.Hãn chia sẻ.

Bên cạnh đó, GS.Nguyễn Xuân Hãn cũng nêu lên một băn khoăn để cánh báo: “Nếu không làm một cách khoa học, cẩn trọng thì sẽ có nguy cơ ai viết kiểu gì thì viết, không theo một tư tưởng thống nhất.

Nếu không đảm bảo tiến độ để ra được chương trình – sách giáo khoa chuẩn thì nhiều thế hệ học sinh còn phải chịu đựng những hệ lụy xấu. Và nếu đáp ứng được tiến độ mà kết quả tồi thì lẽ đương nhiên không thể có một nền trí thức hưng vượng.

Đây là vấn đề khoa học, có sự ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ nhỏ, là thế hệ tương lai của đất nước, cho nên tôi mong rằng Bộ Giáo dục sẽ thảo luận công khai tất cả để các nhân sĩ trí thức cùng góp sức cho kế hoạch quan trọng này”.

Đối với vấn đề khuyến khích cá nhân tham gia viết sách, GS.Nguyễn Xuân Hãn cho rằng “chỉ nói cho vui” vì không có tính khả thi.

“Biên soạn cả 3 cấp thì rõ ràng phải có sự phân chia các tầng kiến thức để vừa phù hợp với từng cấp lại vừa có tính kết nối từ cấp 1 lên cấp 2 rồi chuyển sang cấp 3.

Vì vậy, người ta nói rằng có thể tham gia biên soạn 1 cuốn sách là nói chơi, vì chỉ viết có 1 cuốn thôi thì làm sao biết các lớp trước và sau dạy gì, học gì? Có viết ra thì cũng chẳng dùng được”.

Trở lại gốc của vấn đề là chương trình – sách giáo khoa sẽ được xây dựng căn cứ trên chuẩn nào? GS.Nguyễn Xuân Hãn chỉ ra rằng, thế giới chỉ có 5 quốc gia dẫn đầu về giáo dục, được ví như 5 ông “trưởng họ” gồm: Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp.

Vì vậy, vấn đề đổi mới đặt ra là làm thế nào hướng được học sinh của Việt Nam đến được các trường đại học danh tiếng ở 5 quốc gia này.

GS.Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, đổi mới cần phải trả lời câu hỏi, sau khi học xong phổ thông, học sinh Việt Nam có vào được các trường đại học danh tiếng thế giới không? ảnh: GDVN.


GS.Hãn chia sẻ: “Cách đây 20 năm chúng tôi đã có nhiều dịp thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng chương trình – sách giáo khoa, nhưng nói mãi người ta cũng không nghe, cho nên mới hỗn loạn.

Tôi cho rằng, cách hợp lý nhất là kế thừa của những quốc gia phát triển, tính toán tới sự phù hợp với Việt Nam. Những quốc gia đã đổi mới như Trung Quốc hay Ấn Độ họ đều học tập từ những nền giáo dục đứng đầu thế giới.

Học tập là mang tính kế thừa và cập nhật những cái hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước, chứ không phải là đổi mới thì bỏ hết những gì đang dùng và chuyển hoàn toàn sang một loại mới. Đây không phải chuyện xây sửa một ngôi nhà mà là vấn đề con người”.

Tôi nhấn mạnh lại là phải làm rõ được chương trình, đấy là điều quan trọng nhất, sau đó mới đến biên soạn sách. Chương trình này cần phải được công khai để toàn xã hội biết và phản biện, góp ý để hoàn chỉnh ở mức độ tốt nhất.

Thực hiện kế hoạch này dứt khoát phải có một Tổng Chủ biên về mặt khoa học, đủ am tường trả lời công khai mọi câu hỏi của dư luận xã hội.

Trước kia, GS.Hoàng Xuân Hãn hay GS.Hoàng Tụy đã từng thành công khi biên soạn sách giáo khoa trong điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, nhưng tiếc là sau này kinh tế khá hơn, những người khác làm thì lại tụt lùi. Hậu quả thì đã thấy rồi, cho nên lần này phải giải quyết triệt để, không còn đường lùi nữa”.

Tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới với. Về kinh phí thực hiện, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thử nghiệm chương trình; biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT thực hiện, trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếngViệt-tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học, biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử.

Số tiền trên cũng dùng cho tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok