Xe

Đứng im nội địa hoá, "xe Việt" Innova làm gì trước cơn bão xe nhập

Không còn được ưu đãi nhiều như trước do đó mẫu xe hơi có tỷ lệ nội địa hoá cao nhất tại Việt Nam là Toyota Innova đã và đang khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều dòng xe khác nhau. Viễn cảnh chiếc "xe Việt" thua ngay trên sân nhà trước xe Thái Lan, xe Indonesia hoàn toàn có thể xảy ra khi thuế nhập xe nguyên chiếc từ các nước này được bỏ vào năm 2018

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): Xe Innova là hình mẫu thành công về nội địa hóa của Toyota tại Việt Nam, năm 2009 khi nội địa hóa trên 37%.

Gần 9 năm, không tăng tỷ lệ nội địa hoá

Tuy nhiên, từ đó đến nay Toyota không công bố tỷ lệ nội địa hóa tăng lên của Innova, mẫu xe này vẫn chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu từ 37% - 40%. Thực tế, Innova đang là chiếc xe bán chạy hàng đầu của Toyota cùng với bản Vios, mẫu xe gia đình này thay thế bản Zace của Toyota từng phân phối ở Việt Nam từ những năm 2000.

Mẫu xe ô tô được Việt hoá gần 40% sau 9 năm vẫn không nâng cao tỷ lệ nội địa hoá (ảnh minh hoạ)

Vào Việt Nam năm 2003, đến năm 2008 - 2009, Toyota cho ra đời Innova với tỷ lệ nội địa hóa được công bố là 37%. Sự phát triển của Innova thời đó được coi như một thành công của chiến lược nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, mẫu Innova được nhiều hãng taxi, hãng kinh doanh ô tô và cả cá nhân mua xe gia đình ưa thích.

Sự thành công của thương hiệu Innova cũng được thương hiệu xe số 1 Nhật Bản xác lập ở Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia và Phillipines. Ở từng thị trường, Innova đều thành công về doanh số và có các tên gọi Innova cho các mẫu khác nhau. Indonesia, mẫu này có tên là Kijang, ở Malaysia có tên "Unser", Philippines là Tamarraw/REVO, Ấn Độ là Qualis...

Theo ông Tuấn, sở dĩ hiện tỷ lệ nội địa hóa của Innova không tăng cao hơn do từ năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều điều chỉnh về thuế đối với xe nhập, vì thế cơ chế ưu đãi cho dòng xe 5 - 7 chỗ nội địa hóa cao như tại Việt Nam không còn.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) cho giai đoạn 2012 - 2014. Nhiều loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ giảm từ 2012 trở đi.

Các loại ô tô chở người nhập nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống mức 70% vào năm 2012, xuống 60% vào năm 2013 và còn 50% vào năm 2014. Theo ông Tuấn, chính vì những ưu đãi thuế kể trên nên lợi thế cạnh tranh không còn, khiến dòng xe 5 – 7 chỗ của Toyota còn lợi thế và DN vẫn chỉ giữ mức nội địa hóa 40%.

Đa dạng loại xe và giảm thuế, Innova không còn là "số 1"

Hiện dù mẫu Innova được khá nhiều người thích, song mẫu xe đa dụng cỡ nhỏ (MPV) này cũng phải vật lộn cạnh tranh với nhiều dòng xe cùng phân khúc hoặc cao cấp hơn nhưng chọn chiến lược cạnh tranh ngang giá.

Với mức giá hiện nay thấp nhất vào khoảng 730 (mẫu E) và cao nhất là trên 940 triệu đồng (mẫu V), Innova đang phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh là Mazda CX5, đang có giá từ khoảng 850 triệu đồng - 890 triệu đồng/chiếc và đối thủ lớn khác Honda CRV (bản 2.0L) đời 2017 với mức giá gần 900 triệu đồng.

Hay một số loại xe có cùng phân khúc như Suzuki Vivara bản 2017 giá trên 740 triệu đồng (bản tự động), hay Mitsubishi Pajero Sport bản số sàn, đời 2017 với giá từ 760 - 800 triệu đồng.

Thực tế, các mẫu xe đối thủ chính của Innova như Mazda CX5 và Honda CRV đều được lắp ráp trong nước và đã có chiến lược giảm giá rất mạnh thời gian qua nhằm gia tăng thị trường và thu hút khách hàng phân khúc xe gia đình. Việc này vô tình đã khiến những người lựa chọn xe gia đình phân vân và phân khúc này của Innova có thêm những đối thủ muốn "ăn chia".

Về doanh số của Innova 7 tháng đầu năm, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đã có hơn 7.000 chiếc xe Innova 4 phiên bản được bán ra, chỉ đứng sau hai mẫu xe bán chạy nhất là (Vios hơn 11.000 chiếc; Ford Ranger hơn 8.000 chiếc).

Mặc dù, doanh số của Innova vẫn đứng trên Mazda CX5, Honda CRV hay các loại xe hatchback ăn khách Kia Morning hay Hyundai i10. Tuy nhiên, trong 3 năm qua doanh số bán của Innova tăng chậm lại, 6 tháng đầu năm 2017, doanh số bán Innova chỉ tăng hơn 1.000 chiếc so với 6 tháng năm 2016 và tăng hơn 1.700 chiếc so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là hiện các mẫu xe đa dụng (SUV) trong đó có Honda CRV, Mazda CX5, Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport... đang chiếm doanh số cao nhất trong các dòng xe tiêu thụ và có sự tăng trưởng khá nhanh. Hết tháng 7/2017, cả nước tiêu thụ 19.600 chiếc, tăng gần 3.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 và tăng gần 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này vượt xa so với dòng xe cỡ nhỏ và bán tải vốn từng làm mưa làm gió tại Việt Nam thời gian qua.

Thực tế, ngoài sự cạnh tranh quyết liệt của các loại xe mới, sự đa dạng về nguồn cung các loại, giá xe từ các hãng liên doanh trong nước đến sự đa dạng của xe nhập khẩu đã và đang dành cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm khó cho thương hiệu xe vốn được xem như hình mẫu thành công chiến lược nội địa hóa mà Việt Nam đeo đuổi bấy lâu.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok