Giáo dục

"Đừng dùng con mắt bằng hai lằn ranh để phán xét Chí Phèo"

Đó là phản bác của luật sư Luân Lê về đề xuất loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình Ngữ văn phổ thông đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Quan tâm đến vụ việc đề xuất loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" khỏi SGK Ngữ văn đang gây xôn xao dư luận, một bạn đọc Dân trí - luật sư Luân Lê có bài viết phản bác đề xuất.

Dưới đây là quan điểm của độc giả Luân Lê (một Luật sư tại Hà Nội):

"Tôi tin rằng đây lại chỉ là một câu chuyện bên lề của một người lữ khách vãng lai, một khách nhậu say qua đường, tuỳ cảnh mà thốt lên lời tạc hoạ.

Văn học, không bỗng dưng, như Lỗ Tấn đã phải thừa nhận, nó là cách để cứu rỗi một dân tộc thoát khỏi u mê và lầm lạc. Và văn học nằm ở giá trị cốt lõi của đối tượng, như Hemingway đã nói, là phần chìm của tảng băng chứ không phải cái bề nổi hời hợt của những cái ta thấy được.

Chí Phèo, sinh ra không có thân phận, là một đứa trẻ bị bỏ rơi bên lò gạch, vì bởi cụ Nam Cao muốn cho anh ta đi tìm lại thân phận của mình trong một xã hội mà ở nơi đó những thân phận bị đày đọa, bị nguyền rủa và bị tước đoạt dưới bàn tay của những tên vô lại lắm quyền, Bá Kiến. Một xã hội lâm vào sự bế tắc và cùng cực. Người ta đang đi tìm lối thoát cho chính mình.

Chí Phèo không đại diện cho tầng lớp nào, Chí cũng không biết mình tốt hay xấu, nhưng chỉ đến khi đâm chết tên ác bá vốn hay qua lại với hắn để tìm cái lương thiện mà hắn khao khát thì hắn mới biết. Hắn muốn tìm lấy thân phận trong cái tình cảnh mà xã hội không cho người ta làm người đúng nghĩa một con người. Chí là phường ô lại, Chí rất thô thiển, vô học, lưu manh, nhưng trong mỗi con người đều có những phần còn lại là thiện lương trong sâu thẳm tâm hồn, cái mà người ta cần được khơi dậy, cần được tìm thấy và cần được trở thành, đó chính là dòng chảy của một tác phẩm văn học mà người ta muốn hoá tác nó vào một nhân vật nào đó.


Theo luật sư Luân Lê, tác phẩm Chí Phèo hiện lên một chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với nhiều tầng giá trị rất người và sẽ vững chãi trước thời gian. Trong ảnh: Hình ảnh Thị Nở - Chí Phèo trong phim Lãng Vũ Đại ngày ấy.

Theo luật sư Luân Lê, tác phẩm "Chí Phèo" hiện lên một chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với nhiều tầng giá trị rất người và sẽ vững chãi trước thời gian. Trong ảnh: Hình ảnh Thị Nở - Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".

Nếu ai đã đọc "Trăm năm cô đơn" hay "Tình yêu thời thổ tả" của nhà văn Garcia Marquez thì đều thấy ở đó là những nhân vật bị ám ảnh, đầy dung tục và những sai lầm, những cuộc tình chóng vánh, lên giường với 622 người phụ nữ nhưng chỉ dành trái tim trinh nguyên cho một người đàn bà ông ta yêu mà đến khi tắt thở vẫn còn muốn đến bên cạnh dù bị cự tuyệt đến cùng. Hay những cuộc tình tội lỗi, những vòng luẩn quẩn của một dòng họ trong một ngôi làng, sự trói buộc định kiến và để trăm năm vẫn cô đơn như chính nó muốn bộc lộ lên. Nhưng ở đó hiện lên một chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với nhiều tầng giá trị rất người và vững chãi trước thời gian.

Hay Bá tước Monte Christo, câu chuyện về sự trả thù của một thanh niên bị hãm hại, bị giam vào ngục tối ngay trong ngày cưới, rồi sau đó thoát ra được, trở nên giàu có và đổi tên họ, để thay đổi thân phận và trở thành một quý tộc trong giới thượng lưu, và tìm kiếm rồi trừng phạt những kẻ đã từng hãm hại ông lúc trước. Ông đại diện cho ai, ông là người tốt hay xấu?

Hoặc ngay lúc này, tiểu thuyết The Walking Death đã được dựng thành phim dài kỳ trên truyền hình Mỹ, nó vốn chỉ có những cảnh tượng hãi hùng và kinh dị khi con người bị truy đuổi và tận diệt trước những “xác sống” biết đi, biết chạy và biết ăn thịt nhan nhản trên đường phố, trong nhà, ở siêu thị, giữa trường học,... cuộc trốn chạy với cái chết luôn cận kề, và sự giằng xé, đấu tranh, giết chóc giữa những con người với nhau trong hành trình chạy trốn không hồi kết ấy, nó có giá trị gì, những nhân vật đại diện cho ai, cho tầng lớp nào, và họ là những người xấu hay tốt khi “tất cả những con người chỉ còn mục đích duy nhất là sống sót”?

Văn học, nó đơn giản là việc đưa dẫn con người ta tới những giá trị, chứ không phải là hình mẫu dựa trên lập trường giai cấp tù túng, nhỏ hẹp. Và văn học là để xác lập thân phận của những con người, để xây dựng giá trị của tâm hồn và nhân cách ẩn sau tất cả những biểu hiện đầy màu sắc được cố phô bày ra.

Đừng dùng con mắt bằng hai lằn ranh để phán xét về một tác phẩm văn học. Đừng dùng quan điểm giai cấp để định đặt vị trí của một áng văn chương.

Đơn giản thôi, vì văn học là nơi không có ranh giới nào ngoài thứ duy nhất nó có và vì nó mà tồn tại, tính giá trị.

Đâu phải cứ cái đẹp mới giáo dục, còn cái xấu, cái bản ngã của những con người khốn khổ thì không dám đưa vào sách! Ảnh hưởng xấu hay tốt là do bản lĩnh của mỗi người. Hãy tôn trọng sự thật cho dù nó nhếch nhác và thô thiển!".

Luật sư Luân Lê - tác giả bài viết.

Tác giả: Luật sư Luân Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok