Trong nước

Đừng đổ lỗi cái nghèo

Đang lưu thông trên đường, xe ba gác chở tôn đột ngột dừng lại, quay đầu khiến một thanh niên chạy xe máy phía sau không xử lý kịp, bị tôn cứa vào cổ, tử nạn trên đường cấp cứu.

Vụ tai nạn thương tâm này xảy ra vào chiều 1-9 ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhắc nhớ tới những vụ tương tự, liên quan tới các "ông ba gác" chở tôn, thép cồng kềnh từng gây ra hậu quả thảm khốc.

Sau những dòng tin về tai nạn là cảm xúc của người đọc: đau xót, bất bình, căm phẫn… Số đông chê trách sự vô tâm đến tàn nhẫn của người điều khiển phương tiện chở tôn, thép cồng kềnh mà không che chắn hay có dấu hiệu cảnh báo và khi lưu thông thì ẩu tả, coi thường sinh mạng người khác. Số khác nói đến sự xui rủi của nạn nhân và những nỗi đau của gia đình, người thân cùng di hại nặng nề sau tai nạn nếu giữ được mạng sống nhưng bị thương tật…

Qua những vụ tai nạn thương tâm, dư luận đặt lại vấn đề quản lý: Tại sao những phương tiện này đã bị cấm lưu thông mà vẫn đầy rẫy trên đường, từ thành phố lớn đến các thị tứ miền quê? Vì sao cơ quan chức năng, nhất là lực lượng CSGT, không mạnh tay xử phạt?

Hỏi cũng để trả lời không khó: Phạt thì những người này nại ra đủ thứ lý do để năn nỉ bỏ qua hoặc làm "lì" không có, không đóng tiền phạt; tịch thu phương tiện thì cũng… chật trụ sở, không có chỗ chứa…; thôi làm ngơ để họ kiếm ăn, miễn sao đừng gây tai nạn cho người khác…

Nhưng không thể chấp nhận việc đem cái nghèo ra để biện hộ cho hành vi sai trái, gây họa cho người khác được. Không thể đánh đồng rằng nghèo thì "được phép" hoặc "có thể du di" cho việc làm sai, làm ẩu.

Đừng dựa vào hoàn cảnh nghèo, quen được cộng đồng xã hội bao dung mà hành xử sai quấy hoặc có hành vi thiếu văn hóa. Thật khó thiện cảm trước những "máy chém di động" không được che chắn chạy bất chấp trên đường; người đẩy xe bán hàng rong nghênh ngang, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây thêm kẹt xe trầm trọng. Người dễ tính cũng bực mình với những thanh niên chạy những chiếc xe cũ nát chở nước đá, chở hàng mà chạy rất ẩu, nẹt pô ầm ĩ...

Không thể phủ nhận hình thái kinh tế vỉa hè (kinh tế phi chính thức), cả về đóng góp của nó vào nền kinh tế cũng như những ảnh hưởng từ sinh kế của những người tham gia thành phần kinh tế này vào đời sống xã hội. Nhà nước đã và đang có những chính sách cho cư dân các đô thị sống nhờ kinh tế vỉa hè, việc tiếp nhận sự hỗ trợ và nghĩa vụ của họ phải tương đồng. Đó là phải tuân thủ luật pháp, trật tự trị an, cùng giữ gìn mỹ quan, môi trường đô thị.

Trong cuộc mưu sinh, người nghèo được chia sẻ, cảm thông nhưng không thể chấp nhận hành vi phản cảm như chèo kéo, chụp giật. Vui biết bao khi mỗi ngày trên cả nước, hình ảnh người nghèo mưu sinh lương thiện là nét đẹp lao động bình dị, đáng trân trọng và thật đáng buồn khi người nghèo phạm pháp, đánh mất lương tâm.

Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng. Giàu hay nghèo đều phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đem cái nghèo ra để làm liều, làm ẩu chỉ càng đánh mất lòng tự trọng, từ đó sự tha hóa chỉ còn là gang tấc.

Tác giả: THÔNG ĐẠT

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok