Tôi viết những dòng này khi màn đêm buông tĩnh mịch. Nhìn 2 đứa con đang say ngủ như những thiên thần, bất giác, nước mắt tôi trào ra. Những đêm rồi, bé Nô (bé Trần Trung Nghĩa, 6 tuổi, ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã phải nằm trong nước lạnh, chắc con đã đau lắm, con đã ngóng chờ rồi tuyệt vọng vì gào khóc mà không thấy bố mẹ đâu, bên con chỉ là kẻ ác. Và bố mẹ con, bao đêm nữa, nước mắt mới ngừng rơi khi nhìn vào chỗ con thường nằm ngủ, khi nhớ về hình ảnh của con, nụ cười của con?
Tôi biết rằng, cũng như tôi, hàng triệu người dân vẫn đang hàng ngày dõi theo thông tin về vụ sát hại bé Nô với sự bàng hoàng, xót xa…
Hình ảnh cậu bé khôi ngô, hiền lành như thấu vào trái tim những người đang làm bố, làm mẹ chúng ta. Những ngày trước, khi thông tin bé Nô bị mất tích, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin tìm kiếm bé một cách chóng mặt. Ai cũng mong rằng sẽ có một phép màu nào đó giúp ngăn chặn được con đường di chuyển của bọn bắt cóc để giải cứu bé Nô trở về với gia đình.
Nhưng phép màu ấy đã không xảy ra! 10h ngày 8-7, thông tin tìm được thi thể bé Nô ở hồ nước cách nhà chưa đầy 2km khiến trái tim những người theo dõi sự việc của bé bị bóp nghẹt. Rồi thông tin trên cơ thể của con có rất nhiều vết đâm, hình ảnh chiếc quan tài và nấm mồ nhỏ bé của con, hình ảnh những người thân của con khóc ngất khiến những người lớn chúng tôi đau đớn và càng xót xa thì càng phẫn nộ hơn với kẻ nào đó đã gây ra tội ác dã man.
Hiện nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án và đang tích cực điều tra. Thế nhưng, vụ việc một lần nữa khiến tất cả những người lớn chúng ta giật mình, lo lắng. Việc bắt cóc trẻ em dường như rất có thể xảy ra quanh chúng ta…
Lực lượng Công an Quảng Bình đang khám nghiệm hiện trường vụ án, nơi cháu Nô bị sát hại. |
Bọn bắt cóc thường nhằm vào trẻ em vì các con chưa có đủ sức khỏe cũng như năng lực để bảo vệ mình. Các đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc phần lớn nhằm mục đích cướp tài sản của các con đang mang, tống tiền gia đình, bán ra nước ngoài.
Và một ít trường hợp thì bắt cóc, sát hại con do mâu thuẫn với gia đình bé hoặc phụ nữ hiếm muộn, quá khao khát một đứa trẻ nên bắt cóc để đem về nuôi…
Có rất nhiều vụ bắt cóc trẻ em, lực lượng Công an đã điều tra và ngăn chặn kịp thời bàn tay tội ác của các đối tượng, giải cứu được các cháu bé đưa về cho gia đình. Không thể kể xiết niềm vui của cha mẹ các con trong ngày nhận được đứa con bé bỏng giải cứu trở về.
Ngay cả lực lượng Công an tham gia các vụ án, mỗi khi giải cứu thành công được các cháu bé trở về mới trút được gánh nặng và nỗi lo tình người.
Nhưng cũng đã từng có một số vụ án bắt cóc trẻ em mà kết thúc không có được cái hậu như tất cả chúng ta mong đợi. Như vụ đối tượng Nguyễn Trọng Thọ, trú tại Việt Yên (Bắc Giang) đón lõng cháu Trần Thành Công, học sinh lớp 7 trường THCS Yên Viên (Gia Lâm) ngoài cổng trường, giả vờ nhờ cháu đèo xe đạp đến khu vực cầu Đuống.
Khi đến khu vực bãi ngô vắng vẻ, tên Thọ đã đánh cháu chết, rồi cướp đi tài sản của cháu mang theo là 1 điện thoại di động và chiếc xe đạp. Tệ hại hơn, hắn còn tìm cách tống tiền gia đình người đã chết.
Hay trong vụ đối tượng Phạm Công Tố, quê ở Nam Định, vào làm thuê tại TP Hồ Chí Minh đã bắt cóc bé Dương Hà Đức Tín, 9 tuổi, sau đó gọi điện, tống tiền gia đình bé 50 triệu đồng. Tố chở bé Tín về nhốt trong một căn nhà thuê vắng vẻ ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (Bình Dương).
Lúc này bé Tín cứ kêu khóc đòi về nên Tố hoang mang sợ bị lộ, lòng hung ác nổi dậy, Tố liền đưa bé Tín ra con lộ đất đỏ đang thi công dang dở gần đó, nơi ít người qua lại rồi dùng dây siết cổ bé cho đến chết. Sau đó hắn bỏ thi thể của nạn nhân vào bao và vứt xuống rãnh nước bên đường.
Hay trong vụ tên Lê Thanh Phương, trú tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã bắt cóc bé Lê Thị Mỹ Duyên, 8 tuổi, trên đường đi học về nhằm mục đích tống tiền cha mẹ bé. Nhưng khi bắt bé Duyên lôi ra rẫy cà phê, bé Duyên vùng vẫy, la hét, Phương sợ lộ đã nắm tóc dúi mặt bé xuống đất khoảng 5 phút. Phát hiện bé đã chết, hắn lấy lá cây phủ lên rồi bỏ đi.
Những hậu quả đau lòng như trên đã xảy ra khiến tất cả chúng ta đều không được phép mất cảnh giác với loại tội phạm bắt cóc trẻ em tại mọi nơi. Bởi tội phạm bắt cóc có thể ở nơi khác đến, nhưng cũng có khi là những người quen biết với gia đình, những người bé biết mặt, biết tên.
"Chúng ta phải dạy cho con những kỹ năng sống cơ bản" - anh Xuân Hùng ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ. Anh Hùng cho biết, cuối giờ học là con anh và các bạn tự do ở sân trường để đợi bố mẹ đến đón. Anh luôn dặn con rất cẩn thận, khi tan trường, đứng ở một vị trí nhất định để chờ người nhà đến đón. Chỉ có bố, mẹ đến đón mới được theo về, còn bất cứ người lạ nào, nói lý do nào cũng không được nghe và đi theo.
Anh Hùng cũng dạy con một số kỹ năng như: không đi một mình ở chỗ vắng; nếu thấy người lạ lại gần, có biểu hiện bắt cóc thì hô hoán cho bạn bè, thầy cô và những người xung quanh biết, cứu giúp; mặc định sẵn cho các cháu một số điện thoại khẩn cấp để gọi như số điện thoại người thân, số Cảnh sát phản ứng nhanh 113… trong trường hợp các cháu cảm thấy nghi ngờ có người theo dõi hay bắt giữ mình.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng Phòng 1, Cục Cảnh sát Hình sự, để phòng ngừa loại tội phạm này, về phía lực lượng Công an, thường xuyên tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản để phát hiện các băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền nhằm ngăn chặn và đấu tranh kịp thời.
Lực lượng Công an cũng phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường thông báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nắm được. Từ đó, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em tại khu dân cư hay trường học.
Thượng tá Nguyễn Văn Tráng cũng cho biết, để không xảy ra các tình huống xấu với con em mình, đề nghị các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con em mình. Đối với các cháu nhỏ, phải trông nom cẩn thận, không để chơi chỗ vắng hay nhờ người lạ trông coi.
Còn đối với các cháu đang đi học, các bậc phụ huynh nên quan tâm, đưa đón con, đừng vì mải công việc quên đón hoặc giao cho những người không ruột thịt trong gia đình đón, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Đối với các trường học, các lớp trông trẻ tư nhân, các cô giáo phải có trách nhiệm trông nom các cháu, không để các cháu tự chạy ra đường chơi...
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Công an trên toàn quốc vẫn đang nỗ lực trong việc phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em. Nhưng trước hết, mỗi chúng ta, là bố, là mẹ, hãy cố gắng bảo vệ con mình.
Vẫn biết mỗi vụ việc xảy ra là một tình huống khác nhau nhưng chúng ta hãy nêu cao cảnh giác, có biện pháp phòng tránh sẽ hạn chế được những tình huống khiến tội phạm lợi dụng hoạt động. Hãy đừng để có thêm cháu bé nào có số phận không may mắn như bé Nô...