Thế giới

Dùng chiêu bài "gậy và cà rốt", Nga xây dựng "kiềng ba chân" quyền lực ở Syria

Cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria đóng vai trò là cây gậy, trong khi củ cà rốt sẽ là cho phép quyền tự trị ở quy mô nhỏ đối với người Kurd ở Syria.

Người Kurd ở Syria đang là vấn đề bất đồng giữa Nga-Thổ.

Bất đồng về người Kurd

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang là hai thế lực chia nhau quyền ảnh hưởng ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, bất chấp việc đang có thỏa thuận với nhau, cả hai vẫn tồn tại quan điểm trái ngược về cách giải quyết vấn đề Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở trong nước, coi họ là khủng bố và là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Thật không may cho Ankara, Nga không có cùng quan điểm như vậy. Nga đã đồng ý đưa SDF ra khỏi khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng, nhưng sau khi tạo điều kiện cho hai thỏa thuận riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và một thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và SDF - Moscow đã kêu gọi người Kurd nên là một phần trong các cuộc thảo luận ngoại giao và được phép triển khai lực lượng trên mặt đất.

Một nguồn tin của SDF cho biết, Nga đã thành lập các trung tâm hoạt động chung với người Kurd và cùng nhau tiến hành tuần tra, quản lý các điểm quan sát gần khu vực Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay, Nga có các căn cứ ở các khu vực SDF bao gồm các thành phố Manbij, Ayn Isa, Kobani và Qamishli.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ im lặng về quan điểm của Nga đối với SDF, trái ngược với thái độ phẫn nộ khi Mỹ đứng đằng sau hỗ trợ cho nhóm này.

Theo chuyên gia về người Kurd Aliza Marcus, Nga và YPG từ trước đến nay luôn có mối quan hệ mập mờ.

“Kể từ khi YPG hoạt động lần đầu tiên ở Syria sau năm 2011, Nga đã có một cách tiếp cận hỗn hợp đối với phong trào người Kurd”, bà cho biết. “YPG chưa từng đe dọa công khai đối với chính quyền Assad, điều giúp họ trở nên lành tính trong mắt Nga”.

Cùng với đó, Nga chưa bao giờ coi PKK là một tổ chức khủng bố mà thậm chí có mối quan hệ với nhóm từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc người Kurd chống lại các Chính phủ thân phương Tây trong khu vực, theo Ahval News.

Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga vẫn tiếp tục sử dụng nhóm này để chống lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong phạm vi ảnh hưởng cũ của mình.

Moscow đã ủng hộ các nhóm người Kurd, bao gồm PKK, như một cách gây sức ép buộc Ankara phải cắt giảm sự hỗ trợ cho các tổ chức có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ theo phe ly khai ở Chechnya.

Về sau này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có một thỏa hiệp vào năm 1995, trong đó Nga cắt giảm hỗ trợ cho PKK trên lãnh thổ của mình và Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm như vậy với phe ly khai Chechnya.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan (ở thời điểm này là Thủ tướng) đã ký một thỏa thuận tương tự tại Sochi vào tháng 7/2005 để bày tỏ sự ủng hộ lập trường lẫn nhau về chủ nghĩa khủng bố và ly khai.

Đòn bẩy của Nga

Nga đang dùng "cây gậy và củ cà rốt" với người Kurd ở Syria.

Mối quan hệ giữa Nga và người Kurd ít nhất có một khía cạnh nhất quán - nó tăng và giảm tùy thuộc vào mối quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi mối quan hệ Nga-Thổ ở mức thấp sau sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vào tháng 11/2015, quan hệ Nga với người Kurd lên cao đến mức Ankara thậm chí từng cáo buộc YPG là lính đánh thuê của Moscow.

Tại các thời điểm gây tranh cãi khác trong cuộc chiến Syria, Nga đã hỗ trợ trực tiếp cho người Kurd.

Theo chuyên gia Marcus, Nga không hề có nhu cầu ủng hộ trực tiếp người Kurd ở Syria, nhưng sẵn sàng làm như vậy khi lực lượng này có những yếu tố phù hợp với lợi ích của mình và cũng sẵn sàng từ bỏ khi điều đó không còn.

“Việc kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự hiện tại có khả năng liên quan đến việc Moscow lo ngại Ankara có thể nắm giữ một lát cắt lớn hơn ở Syria thay vì chỉ đơn giản là đánh đuổi người Kurd”, chuyên gia Marcus nói.

Giờ đây, khi lực lượng Mỹ - vốn hậu thuẫn cho SDF trong cuộc chiến chống IS ở Syria - đã thu hẹp đáng kể sự hiện diện, Nga đang tìm cách cân bằng mối quan hệ thực dụng với người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một ưu tiên lớn cho Nga và Damascus vẫn là kết thúc chiến tranh mà không gây ra sự phân chia lãnh thổ Syria. Sự hiện diện lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ gây gián đoạn cho những mục tiêu đó và quyền tự trị mà người Kurd có được cũng sẽ ảnh hưởng như vậy.

Để xóa bỏ viễn cảnh này, Nga đang định vị bản thân nằm giữa hai bên và sử dụng bên này làm đòn bẩy chống lại bên kia.

“Nga đã nổi lên như một nhà môi giới mới về vấn đề người Kurd ở Syria. Đây sẽ là một con đường khá chông gai để Ankara thích nghi với thực tế mới này”, Kerim Has, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhận định, nói thêm rằng Moscow đang sử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với người Kurd.

“Cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria đóng vai trò là cây gậy, trong khi củ cà rốt sẽ là cho phép quyền tự trị ở quy mô nhỏ đối với người Kurd ở Syria”, Has kết luận.

Tác giả: Mạnh Kiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: quyền lực , Syria , Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok