Hoàng ngày hai buổi đi bắt cua, rảnh lại ngồi học với ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho cha.
Ký ức đau thương
Phạm Văn Hoàng (SN 2001, ngụ xóm Khe Lau, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vẫn nhớ những ngày hạnh phúc trong quá khứ của gia đình. Bố Hoàng (SN 1976) là một thợ xây dựng lành nghề, sau đó đứng ra làm chủ thầu nhận các công trình xây dựng.
Người mẹ ở nhà vừa chăm sóc hai anh em Hoàng, vừa chăn nuôi, quán xuyến công việc đồng áng. Anh em Hoàng đều siêng năng, học giỏi. Nhưng tai ương giáng xuống đã lấy đi cuộc sống bình yên của gia đình này.
Năm 2006, khi đang làm việc tại công trình, bố Hoàng bỗng nhiên có những biểu hiện bất thường như la hét, hoang tưởng. Người nhà đưa xuống Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An điều trị nhiều lần nhưng không khỏi. Vì cuộc sống mưu sinh, bố Hoàng mua thuốc về nhà điều trị ngoại trú.
Từ ngày biết mình bị bệnh, người đàn ông nhường lại những công trình đã nhận thầu. Những lúc sức khỏe bình thường, anh vẫn tiếp tục làm thợ xây gần nhà để có tiền trang trải cuộc sống.
Tích góp được một số tiền, bố mẹ Hoàng quyết định xây căn nhà cấp 4 thay thế căn nhà cũ dột nát. Ở nhà mới chưa được bao lâu thì đầu năm 2010, mẹ Hoàng (SN 1978) cũng phát bệnh tâm thần. Những lúc lên cơn, chị này thường bỏ nhà đi lang thang, bạ đâu ngủ đấy. Cũng từ đó, đều đặn hàng tháng, bố mẹ Hoàng lại đưa nhau xuống viện lấy thuốc về điều trị.
Căn nhà mới xây, nợ nần còn nhiều trong khi hai vợ chồng đều mắc bệnh khiến mẹ Hoàng nghĩ ngợi, bệnh càng nặng hơn. Một ngày giữa tháng 5/2013, trong một cơn điên loạn, người mẹ đã trầm mình xuống sông tự vẫn.
Nén nỗi đau vợ mất, dù chưa khỏi bệnh, bố Hoàng vẫn vào Hà Tĩnh làm việc, mong tích góp tiền bạc gửi về nuôi con, chi trả nợ nần. Ở nhà, anh em Hoàng tự chăm sóc, bảo ban nhau học hành. Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi thì Hoàng lại phải chứng kiến cảnh tượng bi thảm do người cha tâm thần gây ra.
Nhắc lại nỗi đau trong quá khứ, bà nội Hoàng năm nay đã 78 tuổi nghẹn ngào kể: Chiều 14/10/2014, khi đang làm việc tại một công trình ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), bố Hoàng tái phát bệnh tâm thần. Ngay lập tức, anh được tổ thợ đưa về nhà.
Rạng sáng hôm sau (15/10/2014), khi đang ngủ cùng hai con trai, người cha lại lên cơn đã dùng một cây gậy gỗ đánh liên tiếp vào đầu con trai lớn đang ngủ (SN 1998). Vừa đánh đập, người cha vừa la hét.
Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, Hoàng chỉ biết vùng dậy, gọi hàng xóm đến cứu giúp. Khi hàng xóm can ngăn được người cha điên loạn thì cậu con trai đã nằm bất động và tử vong sau đó.
Ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho cha
Hoàng vừa đi bắt cua về, dáng người nhỏ thó, da đen nhẻm, quần xắn ống cao ống thấp, đôi chân lấm lem bùn đất, tay cầm khư khư túi ni lông đựng đầy cua. Cậu bé rụt rè, lí nhí chào khách rồi chạy nhanh ra phía sau bếp tắm gội.
Thương cháu bất hạnh, ông bà nội đưa Hoàng về chăm sóc. Căn nhà của gia đình Hoàng còn vương mùi sơn mới phải khép lại. Chỉ thỉnh thoảng đến ngày giỗ mẹ, giỗ anh, ngày lễ tết, Hoàng mới cùng ông bà về lại quét dọn, hương khói.
Theo người thân, cũng từ ngày xảy ra bi kịch gia đình, Hoàng thay đổi hẳn. Từ một đứa trẻ hay nói, hay cười, cậu bé trở nên rụt rè, ít nói, đòi bỏ học. Phải mất một thời gian dài mọi người thuyết phục, Hoàng mới chịu đến trường trở lại.
Cậu bé buổi đi học, buổi ra đồng bắt cua, kiếm con cá, mớ tép về làm thức ăn cho cả nhà. Có hôm bắt được nhiều, em lại mang ra chợ bán để đổi lấy vài lạng thịt, mớ rau, gom góp mua sách vở. Nay nghỉ hè, dù trời nắng như thiêu như đốt nhưng đều đặn ngày hai buổi, Hoàng vẫn cần mẫn ra đồng.
Rảnh lúc nào cậu bé lại lấy sách ra học với ước mơ sau này sẽ trở thành bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho bố. Sau khi gây ra cái chết cho con, bố Hoàng bị đưa vào Bệnh viện tâm thần ở Hà Nội. Ám ảnh về bi kịch trong quá khứ, người thân chưa dám đưa về sợ lại gây tai họa.
Bà nội Hoàng xót xa: “12 tuổi là thằng Hoàng mồ côi mẹ, 13 tuổi, cha vào viện. Người anh duy nhất cũng bỏ nó mà đi sau trận đòn của bố. Giờ chỉ còn lại mình nó bơ vơ. Tôi chỉ cầu mong cha nó lành bệnh để trở về làm chỗ dựa cho con. Thân già như vợ chồng tôi sống chết lúc nào không hay. Nhìn cháu tôi thế này, có nằm xuống tôi cũng không yên lòng mà nhắm mắt”.
Bi kịch trong quá khứ vẫn chưa thôi ám ảnh Hoàng. Cậu bé nói: “Em không thể quên được cảnh tượng hôm đó. Nó làm em sợ ngay cả trong giấc ngủ. Lúc ấy, em và anh trai đang ngủ say thì giật mình khi nghe bố lớn tiếng hét “con quỷ”.
Tỉnh dậy, em thấy bố đang dùng gậy đánh tới tấp vào đầu, vào người anh. Em chỉ biết vùng dậy, bỏ chạy ra ngoài gọi người tới cứu. Kể từ ngày đó em không được gặp lại anh, gặp bố nữa”.
Hoàng nghẹn ngào: Em rất buồn, rất nhớ bố mẹ và anh trai. Nhiều lúc thấy bạn bè có cha mẹ, anh em bên cạnh, nhìn lại mình, em lại tủi thân khóc. Em sợ nhất cảm giác phải rời xa người thân, đau đớn lắm. Bố vì bị bệnh nên mới hành động như vậy, bình thường bố thương hai anh em lắm. Giờ em chỉ ước bố khỏi bệnh để trở về”.
Chia sẻ về hoàn cảnh của em Hoàng, ông Trịnh Văn Trường (xóm trưởng Khe Lau, xã Nam Kim) cho biết, gia đình Hoàng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Dù rất thương cháu nhưng ông bà nội không còn đủ sức để lo cho Hoàng. Cậu bé sớm phải tự bươn chải cuộc sống, duy trì học hành.
Tác giả bài viết: Hoàng Cát