Nhà giáo cần được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên |
Nhiều vấn đề cụ thể được góp ý
Nhất trí với quan điểm dạy học là nghề đặc thù nên lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính, sự nghiệp, bà Lê Thị Yến - ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với phương án 2 mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất. Cụ thể: Quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.
Bà Yến cũng đề xuất cần nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để Luật Giáo dục (sửa đổi) sau này có sự thống nhất với các luật khác. Đặc biệt, cần có sự thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mà Quốc hội đã thông qua ở kỳ họp trước; trong đó có quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, văn bằng, chứng chỉ... Ngoài ra, cần rà soát lại Luật Giáo dục nghề nghiệp để có sự nhất quán về quản lý Nhà nước.
Về quản lý Nhà nước, bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những quy định trong Luật cần thể hiện rõ, cơ quan nào triển khai, cơ quan nào thực hiện; khi đó Luật mới có tính khả thi. Bà Minh cũng cho biết, trong quá trình giám sát Luật Giáo dục hiện hành, có rất nhiều quy định trong quản lý Nhà nước nên các cơ quan dân cử rất khó giám sát. Cử tri muốn quy định rõ trách nhiệm, cho nên nếu quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước ở trong Luật thì sẽ thuận lợi hơn cho việc giám sát sau này.
Ở một góc nhìn khác, ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nội dung lấy ý kiến và kết quả lấy ý kiến nhân dân phù hợp với yêu cầu đề ra.
Đối với quy định về trường chuyên mà dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã đề xuất, ông Chiến khẳng định: Cần phải duy trì hệ thống trường chuyên, bởi đây là mô hình đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng cần có quy mô hợp lý và trường chuyên phải thực sự là nơi đào tạo học sinh giỏi, có chất lượng. |
Góp ý cụ thể vào vấn đề cử tuyển, ông Chiến cho rằng, cần thu hẹp đối tượng cử tuyển để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Ngoài ra, nếu chỉ có chính sách “ưu tiên tuyển dụng” đối với sinh viên cử tuyển thì chưa thể hiện được tinh thần đổi mới của chính sách này. Do vậy, đối với sinh viên cử tuyển cần có chế độ tuyển dụng đặc thù. Tức là, các địa phương phải bố trí việc làm cho những sinh viên theo diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Theo ông Chiến, hiện nay, chúng ta mới bố trí được 40% việc làm cho sinh viên cử tuyển, số còn lại vẫn chưa bố trí được. Vì thế đã đến lúc phải thay đổi chính sách về cử tuyển; trong đó cần nhấn mạnh: Sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp phải được sắp xếp, bố trí công việc ngay, tránh lãnh phí ngân sách và nguồn lực của Nhà nước.
Có chế độ ưu đãi cho nhà giáo
Dạy học là nghề đặc thù trong các nghề đặc thù |
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo giám sát về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cụ thể, về chính sách cử tuyển, Thường trực Ủy ban (TTUB) cơ bản nhất trí với quan điểm của nhân dân và sự tiếp thu của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; điều chỉnh từ phân công sang ưu tiên tuyển dụng để phù hợp với quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng đầu ra sau đào tạo, để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, địa phương.
Tuy nhiên, Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.
Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, TTUB cho rằng, xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Vì vậy, TTUB đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội: Phương án 1: Quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Phương án 2: Quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.
Riêng về vấn đề tiền lương nhà giáo, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình quan điểm, cần có chế độ đãi ngộ và thu nhập tương xứng với tính chất công việc đặc thù của nhà giáo. Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi: Không nên có bảng lương riêng cho nhà giáo nhưng phải có chế độ ưu đãi để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Trong quá trình xây dựng lương sẽ tính đến việc ưu đãi như thế nào cho phù hợp với đội ngũ nhà giáo.
Theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, nếu Chính phủ ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp... thì chưa gọi là ưu tiên. Do vậy cần phải sửa là: “Nhà giáo được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên”. Qua đó mới thể hiện đúng tinh thần của chính sách ưu tiên này. Ông Hà Ngọc Chiến |
Tác giả: Hải Minh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại