Theo báo cáo năm 2016 về tổng quan toàn ngành tài chính tiêu dùng tại VN, do StoxPlus thực hiện, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng VN năm 2012 đạt 7,3 tỉ USD đã tăng chạm ngưỡng 26,55 tỉ USD vào năm 2016. Tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ (9,8% vào cuối năm 2016) song tốc độ phát triển đang tăng rất nhanh. Tính toán của chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho thấy, tiêu dùng tại VN chiếm đến 78% GDP, tức tương đương với khoảng 3,8 triệu tỉ đồng. Do đó, nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỉ đồng - giúp GDP cả năm 2017 đạt tới mức kế hoạch 6,7%.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, nhận định lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại VN trong 5 năm trở lại đây đã tăng trưởng vượt bậc, xuất phát cả từ phía cung và phía cầu. Song cần có thêm công cụ bảo vệ khách hàng - cũng chính là để bảo vệ tổ chức tín dụng. “Khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân, những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay”, ông Anh khẳng định.
Theo LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO, phát triển mô hình công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Tuy vậy, tính cạnh tranh của các công ty này chưa cao. Cả nước chỉ có 5 - 6 công ty cho vay tiêu dùng song chỉ có 3 - 4 công ty là hoạt động khá mạnh mẽ trên toàn quốc.
Tác giả: Tiêu Phong
Nguồn tin: Báo Thanh Niên