Du lịch

Du lịch Việt trước thách thức cơ cấu lại để ‘sống sót’ sau COVID-19

Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, thất thu khoảng 23 tỷ USD. Do đó, ngành du lịch đứng trước thách thức cơ cấu lại thị trường nếu muốn tiếp tục "sống sót" sau đại dịch.

Hoàng hôn ấn tượng trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm.

Ở Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, ngành du lịch nước nhà lần đầu tiên trong lịch sử “rơi xuống đáy” do dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết năm 2020 dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019, tương đương với việc thất thu khoảng 23 tỷ USD.

Do đó, thời điểm này cần những tour độc đáo, mới lạ cũng như cơ cấu lại thị trường nhằm định hướng sản phẩm, hấp dẫn du khách nội địa mùa cuối năm và những năm tiếp theo.

Du lịch vào cơn... bĩ cực

Trong khuôn khổ hội nghị “Cơ cấu lại thị trường khách du lịch” vừa diễn ra hôm qua (19/11) tại Hà Nội, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay 5 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, bình quân 22,7%/ năm; tổng thu từ du lịch tăng từ 355.000 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước.

Du lịch làng nghề không chỉ hấp dẫn khách quốc tế mà khách nội địa cũng quan tâm trải nghiệm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã “cướp” của ngành du lịch Việt Nam 23 tỷ USD, trong đó 16 tỷ USD từ thị trường khách quốc tế, 7 tỷ USD từ thị trường khách nội địa. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, khu du lịch chỉ đạt 10-15%, thậm chí nhiều khách sạn buộc phải “cửa đóng then cài” và cho nhân viên nghỉ việc.

Người đứng đầu ngành du lịch Việt dự kiến trong năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm trên 80%, khách nội địa giảm 50% so với năm 2019. Những con số thực sự khiến người trong ngành phải lắc đầu ngao ngán.

Trước thực tế đó, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh thời điểm này, du lịch cần phải xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, đánh giá lại toàn diện thị trường nội địa; cần ứng dụng công nghệ thông minh, du lịch số. Toàn ngành phải có các giải pháp để đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, bởi mặc dù chỉ chiếm 1/5 tổng lượng khách, nhưng khách quốc tế đóng góp tới 55% doanh thu toàn ngành.

“Tự nâng cấp” để sống sót

Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức độc lập thời điểm đời sống người dân bị “cơn bão” COVID-19 ảnh hưởng cho thấy những biến chuyển của xã hội trong đại dịch liên tục ảnh hưởng đến hành vi du lịch và lựa chọn của du khách.

Giới trẻ Việt cũng ưa những trải nghiệm ở những điểm đến hoang sơ, mới lạ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo đó, hầu hết du khách có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn nếu đi du lịch. Đặc biệt, đợt dịch thứ hai bùng phát khiến nhiều gia đình kiệt quệ tài chính, dẫn đến những quyết định đi du lịch cũng khó khăn hơn.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn chưa được kiểm soát trên thế giới, du lịch nội địa chính là cánh cửa mở ra cơ hội sống còn cho các doanh nghiệp Việt “bấu” vào duy trì hoạt động và tìm cơ hội phục hồi.

Biết vậy nhưng dòng sản phẩm du lịch phục vụ đối tượng khách này thực tế chưa đa dạng và mang tính mùa vụ. Khách chủ yếu tập trung ở các trung tâm du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang... do nhiều điểm đến mới hạ tầng chưa tốt, dịch vụ manh mún.

Theo đại diện Google, bà Trâm Nguyễn thông tin cuộc khảo sát mới đây của đơn vị này cho thấy người Việt Nam lạc quan nhất thế giới về du lịch sau dịch bệnh. Đặc biệt, khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch, yếu tố hàng đầu mà khách Việt quan tâm là uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, sau mới đến giá. Từ kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp muốn hút khách cần không ngừng “tự nâng cấp” và làm mới để đảm bảo chất lượng sản phẩm ngày càng đòi hỏi cao.

“Doanh nghiệp phải đầu tư cho các kênh thông tin số, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, cải tiến các chuyến đi cho hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng, tạo sự thành công bền vững. Từ đó nâng cấp thương hiệu doanh nghiệp,” bà Trâm khẳng định.

Nhóm bạn trẻ trên đường chinh phục đỉnh Tả Liên ở vùng núi Tây Bắc. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phó Trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm Vietnam Airlines, ông Nguyễn Minh Tâm nhận định hiện nay các sản phẩm phục vụ khách nội địa vẫn chủ yếu theo xu hướng truyền thống. Đi biển khách chọn Phú Quốc, Nha Trang; miền núi thì Sapa, Hà Giang...

“Trong khi nhiều điểm đến hấp dẫn, cảnh quan đẹp lại chưa được khai thác hiệu quả. Nếu không có các sản phẩm mới lạ, độc đáo thì du khách trong nước cũng chỉ đi 1-2 lần cho một điểm du lịch rồi lại chán. Hiện các doanh nghiệp lữ hành đang phối hợp với địa phương khảo sát những điểm đến mới tại Sơn La, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, các điểm đến phù hợp du lịch nghỉ dưỡng mới phát triển bền vững cũng đang được quan tâm," đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh này, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế như chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE [du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo - pv], du lịch văn hóa, thể thao... để có thể chạy đua đường dài trước những diễn biến phức của đại dịch trên thế giới./.

Tác giả: Mai Mai

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok