Đã định vị được điểm đến |
Nếu cần một ví dụ sinh động cho sự phát triển ngoạn mục của du lịch ở Việt Nam thời gian gần đây, cái tên đầu tiên được xướng chắc chắn là Đà Nẵng. Nếu như 20 năm trước, Đà Nẵng thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam thì đến thời điểm này, thành phố bên sông Hàn đã “định vị được điểm đến không chỉ với du khách trong nước mà cả với quốc tế” như khẳng định của ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Hay như ông Lê Trung Chinh - tân Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng - phát biểu tại hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” do Sở Du lịch tổ chức cuối năm 2019: “Trong những năm qua, ngành Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội thành phố, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỉ trọng đóng góp không nhỏ vào ngân sách thành phố”.
“Đóng góp không nhỏ”, theo như báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng: Giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách tham quan du lịch Đà Nẵng ước đạt 17,88%. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 8,69 triệu lượt, tăng 85,7% so với năm 2015; tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỉ đồng, tăng 141,6% so với năm 2015. Và trong năm 2020, lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó khối du lịch, dịch vụ đã đóng vai trò là nguyên nhân chủ đạo.
Ở cấp độ quốc gia, dù gần như cả năm 2020 “đóng băng” vì dịch COVID-19, nhưng trong công bố của World Travel Awards mới đây về các giải thưởng hàng đầu thế giới năm 2020, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều ứng cử viên nặng ký để giành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2020”. Và đây là kết quả được lựa chọn sau một năm theo dõi, đánh giá từ các chuyên gia du lịch và công chúng trên thế giới đã cho thấy, Việt Nam không hề kém so với nhiều nước lớn như Moscow (Nga), Brazil, Hy Lạp, Ai Cập...
Ngược về năm 2019, lần đầu tiên, Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Theo đánh giá của USTOA, Italia được xem là điểm đến hấp dẫn nhất trong năm 2019, xếp thứ hai là Iceland, tiếp đến là Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Pháp, Tây Ban Nha, Colombia, Campuchia và Bồ Đào Nha. Như vậy, trong khu vực Châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Nhật Bản về mức độ hấp dẫn với du khách Mỹ. Trước đó, tháng 9.2018, trang tin Australia News cho biết, Việt Nam đã “vượt” Bali trở thành điểm đến yêu thích cho du khách Australia.
Theo đó, “sức hấp dẫn của hòn đảo Bali, Indonesia trong mắt du khách xứ sở chuột túi đang bị giảm sút. Giờ đây họ đang hướng tới một lựa chọn mới thay thế - chính là Việt Nam”, bởi nơi đây “an ninh an toàn cao so với nhiều điểm đến khác trên thế giới, người dân thân thiện, văn hóa độc đáo, ẩm thực đa dạng…”.
Và các con số đi kèm, theo công bố của Tổng cục Du lịch, trong năm 2019, Việt Nam đón gần 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách Châu Á chiếm 78,1% tổng số khách du lịch đến nước ta (tăng 9,9% so với cùng kỳ). Khách Châu Âu ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ (Liên bang Nga tăng 5,7%; Vương quốc Anh tăng 4,5%; Pháp tăng 0,9%; Đức tăng 5,6%). Khách từ Châu Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Phải đến một lần trong đời”
Ngoài những giải thưởng, trong năm 2019, trong các bảng bình chọn điểm đến ấn tượng nhất thế giới các năm 2018 - 2019 hay những điểm mà khách du lịch nhất định phải đến một lần trong đời, liên tục có các địa danh của nước ta được nêu tên.
Đó là cây Cầu Vàng (Sun World Ba Na Hills - Đà Nẵng) lọt tốp 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn; Bãi Kem (Nam Phú Quốc) được 1.200 chuyên gia du lịch quốc tế trong mạng lưới Flight Network (Canada) lựa chọn vào danh sách 100 bãi biển đẹp nhất hành tinh; dãy Hoàng Liên Sơn với tuyến cáp treo kỷ lục Guinness Fansipan Sa Pa được vinh danh trong top 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí National Geographic công bố; Thủ đô Hà Nội xếp thứ 15 trong danh sách 25 địa điểm tốt nhất trên thế giới để đi du lịch trong năm 2019 do TripAdvisor công bố, vượt trên những cái tên quen thuộc như Chiang Mai, Bangkok (Thái Lan), Tokyo, Kyoto (Nhật Bản), Rome (Italia)…
Một quá trình tăng trưởng và khẳng định quá ấn tượng, như Jason Goh, du khách người Malaysia, tác giả bức ảnh Cầu Vàng gây bão trên các trang mạng quốc tế đã chia sẻ trong một bài báo: “Với Golden Bridge, tôi đã được xuất hiện ở hầu hết tài khoản Instagram của các admin quản lý các trang nghệ thuật và thu hút được 25.000 người theo dõi chỉ trong vài ngày. Thành công đó cũng có nghĩa là cây Cầu Vàng quá ấn tượng, ngay cả trên thế giới cũng ít người ngờ rằng có một kiến trúc tráng lệ như vậy tồn tại trên đời”.
Trên trang cá nhân của mình, Jason Goh tự cảm thấy mình “rất may mắn” khi quyết định đưa gia đình đến Đà Nẵng, tham quan Sun World Bà Nà Hills. Và bây giờ thì với từ khóa “Cầu Vàng - Golden Bridge”, chỉ cần gõ trên Instagram, Facebook, Google, kết quả nhận lại sẽ là hàng triệu bức hình, bài báo, status thán phục, thể hiện sự mong muốn được một lần ghé thăm của du khách: “Got to go there - Phải đến đó mới được”; “Soooo keen to visit this bridge! - Rất thích được đến thăm cây cầu này!”; “This is the coolest place on earth. Hope I get to visit some day - Một nơi hấp dẫn nhất thế giới. Hy vọng được đến đây một ngày nào đó”.
“Điều gì khiến du lịch Việt Nam đạt được những thành quả ngoạn mục như trong 5 năm qua?”. Chúng tôi đặt câu hỏi với bà Jyotis, chuyên gia du lịch quốc tế trong mạng lưới Flight Network (Canada) tại một hội thảo quốc tế về du lịch tại Huế cuối năm 2019 và được trả lời: “Có rất nhiều yếu tố, nhưng theo tôi cơ bản nhất là Việt Nam đã và đang thay đổi nhưng nhiều giá trị truyền thống không vì thế mà mất đi - điều nhìn thấy rất rõ ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trước đây, chúng tôi ấn tượng vì người dân Việt Nam thân thiện, sẵn sàng chia sẻ cái mình có dù điều kiện sống của các bạn rất khó khăn. Giờ chúng tôi còn ấn tượng hơn khi cuộc sống của các bạn đã khá hơn, nhưng những giá trị tuyệt vời đó lại không mất đi mà thậm chí còn nguyên. Điều nữa là các bạn luôn là một điểm đến an toàn và tạo cả hứng sống rất tuyệt vời. Điều này đã giúp chúng tôi có cơ hội nhìn lại các hệ giá trị trong nước. Những thứ đang dần mất đi trong xã hội phát triển…”.
Tất nhiên du lịch Việt Nam đã và đang tồn tại rất nhiều vấn đề như tăng trưởng quá nóng, mất cân đối về thị trường khách, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chưa cao thể hiện trên các con số về lưu trú và chi tiêu của du khách, chưa hệ thống hóa được ẩm thực vốn là dịch vụ đi kèm có tính quyết định ngoài hai món phở và nem... Và dịch COVID-19 là “thảm họa” nhưng cũng là cơ hội để ngành Du lịch có thời gian nhìn lại, chuyển mình để giữ vững thành quả, đồng thời hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Tác giả: HOÀNG VĂN MINH
Nguồn tin: Báo Lao động