Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) phải đối mặt với nhiều khó khăn, tổn thất. Ảnh: T.L |
Nỗi buồn không của riêng ai
Năm 2020, đại dịch COVID–19 bùng phát đã tác động trực tiếp và nặng nề đến ngành du lịch Thanh Hóa. Những con số được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê là minh chứng sinh động, thuyết phục về “cơn khủng hoảng” ấy: gần 600 khách sạn, nhà nghỉ (chiếm 65% tổng số khách sạn, nhà nghỉ) tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh phải ngậm ngùi đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Mặc dù thời điểm từ tháng 5, 6, 7, dịch COVID-19 được khống chế nhưng tâm lý du khách còn rất e dè, quan ngại, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cùng việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch nên hoạt động du lịch cũng không có nhiều biến chuyển. Sau đó, từ cuối tháng 7-2020 đến tháng 9-2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại thì các cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển phải đóng cửa hoàn toàn.
Các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trong những ngày này đều bị ám ảnh bởi những cuộc gọi, tin nhắn “hủy tour”, hủy phòng”, “hủy vé”. Ước tính, số lượng hủy phòng, hủy lịch đặt sự kiện trong những ngày cuối tháng 7-2020 là: hơn 398.500 phòng (chiếm 98% tổng số phòng được đặt), 1.380.000 ngày khách lưu trú qua đêm với mức thiệt hại khoảng hơn 2.350 tỷ đồng.
Nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực này ở tỉnh cũng không khỏi có phần chao đảo, xót xa. Đến cuối năm 2020, dịch COVID–19 tiếp tục bùng phát trở lại vào dịp cao điểm du lịch Tết Dương lịch và du lịch tâm linh đầu năm 2021 vừa khép lại một năm khủng hoảng của ngành du lịch nói chung nhưng cũng đồng thời mở ra một năm mới với nhiều thấp thỏm, lo âu.
Ngành du lịch nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Những tổn thất, thiệt hại do tác động của dịch COVID–19 là thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng: Bóng ma đáng sợ ấy giống như là một “phép thử” – thử thách bản lĩnh, ý chí, sức đề kháng và khả năng hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn đến đâu. Hơn hết, đại dịch tạo ra khoảng lặng – cơ hội để ngành du lịch cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng tự nhìn nhận những ưu, khuyết điểm để khắc phục, hoàn thiện mình hơn.
Và thực tế đã chứng minh, ngành du lịch xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng về ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, của tỉnh. Cùng với cả nước, ngành du lịch Thanh Hóa đã có sự ứng phó nhanh, kịp thời thông qua nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vừa thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh vừa nỗ lực xoay chuyển tình hình, tự mình “cứu” lấy mình.
Thực hiện “mục tiêu kép” vừa nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tại Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL ngày 8-5-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 12-6-2020 triển khai thực hiện chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Xác định ngành du lịch được phục hồi và tiếp tục phát triển khi và chỉ khi công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp du lịch nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch mới và các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, nỗ lực chuyển đổi số được chú trọng. Nỗ lực ấy được thể hiện qua nhiều việc làm cụ thể như: thực hiện công tác kiểm tra, tăng cường đảm bảo các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch các khu du lịch biển Hải Tiến, Sầm Sơn, Quảng Xương, Hải Hòa. Các địa phương cũng đã siết chặt trật tự kỷ cương, tăng cường công tác quản lý các dịch vụ.
Nhiều sự kiện du lịch được tổ chức nhằm thu hút khách du lịch, như: công bố tour du lịch Về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa (tháng 6-2020); tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch TP Sầm Sơn năm 2020 với nhiều sự kiện hấp dẫn như lễ hội carnival đường phố, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm thấp, lễ hội Bánh Chưng - Bánh Dày TP Sầm Sơn năm 2020, lễ hội cầu ngư - bơi chải, giải bóng chuyền bãi biển quốc gia, giải đua xe đạp địa hình TP Sầm Sơn mở rộng (tháng 6-2020)...; triển khai dự án sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, điển hình là: dự án Làng bích họa Trường Lệ, TP Sầm Sơn; triển khai thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”; xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn.
Trong bối cảnh, tình hình dịch COVID–19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chiến lược phát triển du lịch đều thống nhất quan điểm: Cần tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa. Bởi lẽ, việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch nhằm lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh, “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”, hàng loạt các liên minh kích cầu, chương trình kích cầu được ngành du lịch Thanh Hóa thành lập, triển khai nhằm vực dậy hoạt động du lịch như: liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; tổ chức đón đoàn Famtrip Quảng Nam và hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Quảng Nam; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa với Hiệp hội Du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (tháng 6-2020); tổ chức cho 6 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia quảng bá các sản phẩm du lịch Thanh Hóa tại sự kiện Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh 2020 (tháng 7-2020); phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Gia Lai tổ chức kích cầu, giới thiệu các gói dịch vụ du lịch giảm giá (tháng 11-2020); tổ chức gian hàng du lịch Thanh Hóa tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2020 và hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội (tháng 11-2020)...
Với những nỗ lực nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và phục hồi ngành du lịch, năm 2020, tổng lượng khách tại các khu du lịch biển của Thanh Hóa đạt: 4.975.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 8.025 tỷ đồng. Quý I–2021, các khu du lịch biển Thanh Hóa đón khoảng 194.000 lượt khách du lịch, tuy nhiên, số lượng khách du lịch nghỉ dưỡng không đáng kể. Tổng thu du lịch đạt 60 tỷ đồng. Dẫu vẫn biết kết quả đó còn nhiều khiêm tốn, tuy nhiên, trong bối cảnh chung như hiện nay, những con số ấy phần nào đã cho thấy tín hiệu phục hồi trở lại của ngành du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng. Hơn hết, đó là sự đền đáp, là động lực tinh thần cho ngành du lịch tỉnh Thanh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để có thể gặt hái được thành quả ngọt ngào, xứng đáng trong mùa du lịch biển đã đến rất gần.
Tác giả: Thảo Linh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa