Du lịch

Du khách Việt thăm ngôi đền 3.000 tuổi có cảnh sát hộ tống

Abu Simbel đã thoát được số phận bị chìm vĩnh viễn dưới nước nhờ nỗ lực di dời trong suốt 4 năm, với kinh phí 40 triệu USD. Du khách luôn được cảnh sát đi cùng nếu muốn tới đây.

Abu Simbel là một ngôi đền nằm cách thành phố cổ Aswan 280 km về phía nam. Để đến được đây, chúng tôi phải lựa chọn 2 cung giờ để khởi hành: 4h hoặc 13h30. Du khách nước ngoài muốn đến Abu Simbel cần có sự hộ tống của cảnh sát. Không phải chỉ trong những giai đoạn bất ổn, chính phủ Ai Cập còn áp dụng quy định ngay cả trong lúc bình thường, để đảm bảo an toàn cho du khách đến với Abu Simbel hẻo lánh, chỉ cách biên giới Sudan 14 km về phía nam.

Chúng tôi vẫn quyết định chọn chuyến đầu tiên. Mọi người thức dậy lúc 3h để kịp giờ khởi hành. Dù rất mệt, chúng tôi vẫn háo hức chờ đợi cho ngày tham quan ngôi đền đặc biệt, kỳ công không chỉ của người Ai Cập xưa kia mà còn là sự quyết tâm bảo tồn, gìn giữ của hậu thế.

Xe tập kết đúng giờ từ tờ mờ sáng. Chúng tôi thấy phía trước là xe hộ tống và khoảng 5-6 xe chở du khách phía sau. Mùa xuân, du khách ít, nhưng anh bạn người Ai Cập đi cùng cho biết, trước đây, du khách nước ngoài nườm nượp đến Abu Simbel.

Xe chạy tốc độ trên 100 km một giờ. Hệ thống đường xá khá tốt, nên sau 3 giờ, chúng tôi đã có mặt ở Abu Simbel. Vì du khách thường chọn đi thăm quan trong ngày, ở thị trấn bé nhỏ này hầu như không khách sạn quy mô nào. Thêm vào đó, một số khách du lịch lại chọn đến Abu Simbel bằng đường hàng không từ Aswan, nên hệ thống lưu trú lại không có cơ hội phát triển.

Thật không phí công chút nào khi dành một ngày cho nơi này trong lịch trình tham quan. Pharaoh Ramesses II, trị vì Ai Cập từ năm 1279-1213 TCN, cho dựng các công trình dọc theo sông Nile để ghi lại những chiến công của mình, trong đó có công trình nổi tiếng Abu Simbel. Ngôi đền được khởi công xây dựng ngay khi triều đại Ramesses II bắt đầu, hoàn tất trong khoảng thời gian 24 năm, tức năm 1265 TCN. Công trình được xây dựng để thờ ba vị thần nổi tiếng của Ai Cập cổ đại: thần sáng tạo Ptah (thần của các vị thần), Amun-Re (thần Mặt trời), Re-Harakti (thần bổn mạng của Pharaoh), đồng thời thờ cả chính Ramesses II ngay khi ông vẫn còn đang sống và tại vị.

Abu Simple với 4 bức tượng Pharaông không lồ ở phía trước ngôi đền.
Abu Simple với 4 bức tượng Pharaoh không lồ ở phía trước ngôi đền.

Đền được tạo tác ngay trực tiếp trên đá sa thạch, ban đầu là dạng thô rồi mới hoàn thiện theo quy chuẩn xây dựng kim tự tháp và lăng mộ ở Thung lũng các vị vua. Ấn tượng nhất là ở chính giữa cửa ra vào đền, Ramesses II đã cho xây dựng 4 bức tượng chân dung khổng lồ cao 22 m. Tất cả đều được tạc từ hình tượng nguyên bản của ông, đội vương miện đôi Atef tượng trưng cho Pharaoh của cả xứ Ai Cập thời đó. Chúng tôi chỉ quan sát được 3 bức tượng khá nguyên vẹn, do 10 năm sau khi được xây dựng xong, một trận động đất lớn diễn ra và bức tượng thứ hai bên trái bị sập mất phần thân trên, rơi xuống ngay phía chân của ngôi đền.

Biểu tượng “Key of Life” được người Ai Cập giải thích bằng 2 cách rất có ý nghĩa.
Biểu tượng “Key of Life” được người Ai Cập giải thích bằng 2 cách rất có ý nghĩa.

Du khách không được sử dụng máy ảnh trong đền. Nhân viên cho du khách chụp tấm ảnh lưu niệm sau cùng với biểu tượng của Ai cập "Key of Life" với chi phí 1 USD mỗi người. Có hai cách để giải thích "Key of Life" - một biểu tượng của người Ai Cập cổ đại, thường được chạm trổ rất nhiều trên các đề đài lăng tẩm ở Ai Cập xưa kia. Một là, phần tròn phía trên là âm - biểu tượng cho người phụ nữ, bên dưới là phần dương biểu hiện cho đàn ông. Phần ngang là do âm dương kết hợp tạo thành - những đứa trẻ. Và trẻ em chính là sợi dây liên kết vĩnh cửu của sự sống và biểu tượng cho sự trường tồn. Cách giải thích này cũng rất phù hợp với văn hóa phương Đông.

Cách giải thích thứ hai là phần tròn ở trên tượng trưng cho vùng đồng bằng sông Nile nằm ở phía bắc, hiện nay có Cairo, Alexanderia, Port Said... Phần ngang bên phải phía đông sông Nile có là bán đảo Sinai, phần ngang bên trái là phía tây sông Nile có một phần sa mạc Sahara. Và phần dài phía dưới biểu tượng của con sông Nile, mạch sống của người Ai Cập và một số nước châu Phi. Cách giải thích này phù hợp riêng đối với Ai Cập và có thể nhìn thấy bản đồ để cảm nhận sự thú vị thông qua cách giải thích này.

Từ lối vào đến nơi sâu nhất của đền dài tới khoảng 70 m. Cấu trúc càng vào trong càng hẹp dần, theo phương thức xây dựng các ngôi đền cổ xưa. Hành lang đầu tiên gồm 8 pho tượng thần Osiris khổng lồ. Đây là vị thần cai quản địa ngục và tượng trưng cho cái chết. Bước sâu vào hành lang thứ hai, chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng rất nhiều bức phù điêu chạm khắc tinh xảo qua hàng nghìn năm bằng hình vẽ cũng như chữ tượng hình, thuật lại những chiến công lẫy lừng của vua Ramessese II như chống lại quân Hitttite, chiến thắng tại Nubia, Lybia…

Nằm sau 2 dãy hành lang là phòng điện thờ chính của Abu Simbel. Trên bệ thờ là 4 pho tượng thần ngồi trên cùng một bệ đá: thần Ptah, thần Amun-Re, Ramesses II và thần Re-Harakhti trông thật uy nguy, biểu tượng cho một quyền lực từ các vị thần và các vị Pharaoh Ai Cập cổ.

Ngôi đền thứ 2 của Abu Simbel thờ Hathor và Nefertari, cách đền lớn khoảng 100 m về phía đông bắc. Nơi đây còn được gọi là đền thờ nhỏ, thờ chính phi của Pharaoh Ramesses II. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử của Ai Cập cổ đại, một vị hoàng hậu lại được xây dựng đền thờ sau người đầu tiên là hoàng hậu Nefertiti - vợ Pharaoh Akhenaten. Khách du lịch đều bị cấm chụp ảnh bên trong các ngôi đền để bảo tồn nguyên vẹn bức tranh với hoa văn, hoa tiết rất độc đáo và tinh tế hầu như được vẽ từ hàng nghìn năm trước với các loại nguyên vật liệu thiên nhiên.

Toàn cảnh 2 ngồi đền nhìn từ hồ Nassar.
Hai ngồi đền nhìn từ hồ Nassar.

Abu Simbel lẽ ra đã chìm sâu dưới nước

Ngược dòng lịch sử, trong các năm 1902 và 1971, hai công trình đập khổng lồ là đập Aswan và đập High ra đời tại thành phố Aswan, phía nam Ai Cập. Dưới chân những con đập này, một hồ nhân tạo lớn nhất thế giới có tên Nasser cũng hình thành với diện tích 5.250 km2, dài 510 km, rộng từ 5-35 km.

Các công trình này đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân Ai Cập thời bấy giờ. Diện tích đất canh tác tăng lên 30%, lượng điện năng sản xuất ra cho đất nước cũng tăng gấp đôi trước đó. Tuy nhiên, một vùng rộng lớn cũng sẽ vĩnh viễn nằm sâu dưới đáy hồ. Hàng chục nghìn người Ai Cập có thể phải rời bỏ quê hương.

Việc di dời những kiến trúc khổng lồ nằm gần sông Nile khó khăn hơn và tốn kém hơn gấp bội. Thế nhưng, Ai Cập, với sự trợ giúp của UNESCO, đã giải cứu ngoạn mục cụm đền Abu Simbel, để hậu thế có cơ hội chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc khổng lồ nghìn năm tuổi.

Hồ Nassar làm cho Abu Simbel thêm phần quyến rũ.
Hồ Nassar làm cho Abu Simbel thêm phần quyến rũ.

Khi viếng thăm hai ngôi đền khổng lồ tại Abu Simbel, ta có thể dễ dàng nhận ra những vết cắt thẳng tắp xuất hiện khắp nơi trong các căn phòng, bức tượng, cột đỡ. Đó là dấu vết còn lại sau khi người ta cắt nhỏ cụm đền, đưa đến vị trí cao hơn 65 m so với ban đầu, chính là hòn đảo nhân tạo nơi ngày nay du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Abu Simbel. Theo số liệu ghi ở phòng trưng bày ngôi đền, toàn bộ cụm đền trước đây đã bị cắt ra thành 800 phiến đá, mỗi phiến nặng 20 tấn. Chi phí cho quá trình này là 40 triệu USD, cộng thêm bốn năm làm việc vất vả kể từ năm 1964 đến năm1968 đã cứu thoát một di sản thế giới có nguy cơ nằm vĩnh viễn dưới đáy hồ.

Đã đến giờ hẹn để ra xe trở về Aswan theo đoàn xe hộ tống, chúng tôi vẫn cố nhìn lại tuyệt tác Abu Simbel soi bóng bên hồ nước xanh biếc Nasser. Abu Simbel rất đáng để cho du khách ghé qua một lần trong đời khi đến với xứ sở Pharaoh huyền thoại.

Tác giả bài viết: Những Bước Chân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok