Kinh tế

Đủ chiêu lừa mua bán

Gọi điện dọa dẫm, đóng giả nhân viên điện lực hay nhân viên y tế dự phòng rồi tìm mọi cách lọt vào nhà để bán hàng giá “cắt cổ”... Đáng báo động là giá trị các cú lừa này ngày càng lớn, lên tới cả tỉ đồng.

Minh họa: DAD


Đang trong cuộc họp cơ quan sáng đầu tuần, chị Thu Hà (Q.1, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại từ số 099... 623, giọng người đàn ông rất tự tin: “Chị Hà ạ, mật ong rừng chị đặt hôm trước nay có hàng rồi nhé. Lát chị có ở văn phòng không em đến giao hàng cho chị”. Chị Hà ngớ người vì chị chưa hề đặt mật ong rừng ở đâu bao giờ.

Từ ép mua đến đe dọa tính mạng

Thực tế, trò lừa bán mật ong rừng đã rộ lên khoảng hơn 2 tháng nay tại TP.HCM và không ít người mất tiền. Cô giáo Thùy Linh (Q.4, TP.HCM) cho biết gia đình cô đang có nhu cầu mua mật ong rừng để ngâm chanh đào cho cả nhà uống mỗi buổi sáng.

Một buổi sáng cô nhận được cuộc điện thoại giọng nam từ số 090... 505 báo mật ong cô đặt mua qua cô Hà (đồng nghiệp cùng trường - PV) đã có, họ sẽ đến trường giao cho cô 2 lít với giá 1,6 triệu đồng. Không một chút nghi ngờ, cô Linh hẹn đến nhận hàng và còn mua thêm 2 lít để biếu người thân, sau khi được người bán thuyết phục đây là “hàng hiếm, nửa năm mới có một đợt”. Chỉ đến khi gọi điện cảm ơn đồng nghiệp, cô Linh mới ngã ngửa biết mình bị lừa. Hơn 4 lít “mật ong” trị giá 3,2 triệu đồng cô Linh mang về chỉ hơn tuần sau ngả sang màu đen kịt và có vị đắng khét mà số điện thoại gọi bán giao hàng cho cô trước đó lại không thể liên lạc được.

Đáng sợ hơn, chị Út ngụ tại đường Mai Văn Vĩnh (Q.7, TP.HCM) kể đầu tháng 11 vừa rồi khi đang quét sân bỗng có một người mặc đồ công nhân ngành điện lực đi xe máy, tấp vô và nói: “Chị ơi, tụi em đang sửa điện ở đường này, hiện còn dư mấy ổ khóa, vứt đi thì tiếc nên cho chị xài”. Chị Út từ chối bỏ vào nhà thì cô em chị (là một người chậm phát triển) liền đưa tay nhận 2 ổ khóa này. Người thanh niên lập tức vòi vĩnh: “Dạ chị cho xin ít tiền bồi dưỡng để anh em uống nước”.

Cô em của chị Út móc túi đưa ra 100.000 đồng nhưng người thanh niên kia đổi giọng: “Nghĩ sao mà bồi dưỡng có 100.000 đồng cho 2 ổ khóa vậy”. Cô em bối rối đưa thêm 100.000 đồng nữa nhưng người này vẫn không nhận. Thấy vậy, chị Út đi ra yêu cầu trả lại ổ khóa thì người này đe dọa: “Nếu không đưa đủ 1 triệu, cả nhà bà biết tay tôi”. Giằng co tới lui, chị Út đành móc túi trả 600.000 đồng, chỉ tới lúc này, thanh niên kia mới chịu nhảy lên xe đi mất. Chiều hôm đó, chồng chị Út đi làm về nghe chuyện và khẳng định, trị giá cả 2 cái ổ khóa này không quá 60.000 đồng và được bán đổ đống đầy đường.

Bán bột thông cầu tiền triệu

Không chỉ gọi điện hay hù dọa, kẻ gian đã bỏ công điều nghiên rất kỹ về chủ nhà để dễ “câu mồi”. Chị Lê T. My là kế toán nhưng kinh doanh thêm các mặt hàng sữa, nhà ở đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), kể ba của chị từ Long An lên ở lại nhà chơi thăm cháu ngoại. Buổi sáng cuối tuần, chị My đi chợ và để hai ông cháu ở nhà. Một thanh niên xách bọc ni lông đen bảo giao bột sữa gấp cho chị My với giá 3 triệu đồng. Ba chị My bảo ngồi chờ nhưng người bán hàng tỏ ý sốt ruột và rút điện thoại gọi nói to:

“Chị My à, sáng đi chợ sớm dzậy chị. Chị báo mua 5 triệu tiền sữa, nhưng nay chỉ còn tầm 3 triệu, chủ em nói chị lấy tạm. Chị không về gấp lấy hàng chắc em mang đi luôn, hàng đang lúc hiếm em không chịu trách nhiệm à nghen!”. Nghe đến đó, ba của chị My vội vã lấy 3 triệu đồng trả cho người thanh niên để nhận hàng. Hơn 10 phút sau, chị My về nghe chuyện mở túi hàng thì té ngửa thấy 6 gói bột thông cầu trị giá mỗi gói 10.000 đồng.

Câu chuyện của vợ chồng anh Hưng ở TP.Cần Thơ cũng khá điển hình và thỉnh thoảng vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh miền Tây. Do thường xuyên có người thân ở quê lên ở lại chơi, nên anh Hưng cũng hay dặn dò người nhà phải cảnh giác với người lạ, đặc biệt với các trường hợp tiếp thị, bán hàng...

Thế nhưng, có hôm khi hai vợ chồng anh Hưng đã đi làm, có một thanh niên mặt mày sáng sủa, trang phục lịch sự tự giới thiệu tên Bảo, là “lính” cùng đơn vị A. của Hưng. “Sáng nay anh Hưng đi làm quên mang theo máy tính nên sai cháu về nhà gặp chú lấy. Máy tính anh Hưng để trên bàn làm việc trong phòng ngủ. Chú lấy giúp để anh Hưng kịp đi công tác đột xuất”, người thanh niên tự xưng tên Bảo nói. Chú anh Hưng thấy mọi thông tin tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ... đều đúng, lại nhìn “tướng tá” người đối diện cũng “không đến nỗi tệ” nên tin ngay, vào nhà lấy máy tính đưa cho người tên Bảo không mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, đến trưa khi anh Hưng đi làm về thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

“Mất cái máy tính cũng không phải là chuyện lớn nhưng kẻ gian nắm được một số thông tin, thói quen sinh hoạt của gia đình mình. Đó mới là nguy cơ cho những cú lừa khác nữa”, anh Hưng lo lắng.

Hành vi lừa đảo bán hàng qua điện thoại ngày càng nhiều ẢNH: Đ.N.T


Đến chiêu mua nhà “kê giá”

Không chỉ lừa đảo “lẻ tẻ” vài ba triệu, có trường hợp lừa tiền cả trăm triệu, thậm chí lên tiền tỉ cũng chỉ qua các cuộc tiếp xúc chóng vánh hoặc cuộc điện thoại được tính toán cực kỳ chuyên nghiệp.

Anh Hoàng (đường Lê Văn Lương, Q.7) kể: Anh rao bán một căn nhà nhỏ trong hẻm với giá 900 triệu đồng. Ngay sau đó, có người tên Tuấn gọi điện yêu cầu đến xem nhà. Cuộc xem nhà rất chớp nhoáng, Tuấn cho biết bố của anh ta đã đồng ý mua căn nhà này với giá 1,1 tỉ đồng và bảo anh Hoàng cứ báo với bố anh ta giá đó. Số tiền chênh lệch Tuấn sẽ lấy để tiêu xài riêng. “Khi bố tôi đến đặt cọc 100 triệu đồng xong, anh đưa cho tôi 200 triệu chênh lệch. Còn lại 900 triệu bố tôi và anh làm thủ tục thanh toán sau”, Tuấn nói.

Bán tín bán nghi, anh Hoàng tham khảo ý kiến thì biết: “Có nhiều người bị lừa đảo kiểu này. Kịch bản là thuê người lớn tuổi đến đóng cho tui 100 triệu đồng, rồi tui trả lại cho anh ta 200 triệu, hoàn tất “cú” lừa 100 triệu ngon ơ”.

Sập bẫy bán hàng “ảo” qua Facebook

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP.HCM) vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Nguyễn Hoàng Anh Hào (21 tuổi), Nguyễn Hoàng Thanh Thủy (26 tuổi, đều tạm trú Q.7, TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận điều tra, khoảng đầu năm 2014, Hào, Thủy sống chung như vợ chồng, lập tài khoản Facebook lấy tên “Elaine Nguyen”, sau đó lập thêm nickname “Kim Hảo”, “Thiên Hạo” rao bán các sản phẩm: ĐTDĐ iPhone, đồng hồ, nước hoa, túi xách, bánh ngọt... Sau khi nhận đơn đặt hàng, cả hai yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc, sau đó

buộc khách hàng chuyển hết tiền mới giao hàng. Bằng thủ đoạn này, họ lừa cả chục khách hàng, chiếm đoạt gần 80 triệu đồng. Cụ thể, tháng 5.2015, bà H.C.H (ngụ Hà Nội) hỏi mua 1 ĐTDĐ iPhone 6S, 64G với giá 21 triệu đồng, sau đó chuyển 15 triệu đồng tiền đặt cọc. Theo thỏa thuận, khi bà H. nhận ĐTDĐ sẽ chuyển hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đặt cọc, 2 người này lật lọng, buộc chuyển hết số tiền còn lại mới giao hàng. Tin tưởng, bà H. chuyển đầy đủ 21 triệu đồng cho 2 người này thì họ cắt đứt liên lạc, chặn tài khoản Facebook của bà H...

Đàm Huy

Bên cạnh 2 vụ giả công an lừa đảo qua điện thoại ở Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra vào ngày 30.11 với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng mà Thanh Niên đã đưa tin, ngày 5.12, Cơ quan CSĐT Công an H.Gò Dầu (Tây Ninh) cho biết đang điều tra làm rõ vụ giả công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương tự. Trước đó, ngày 3.12, bà N.T.X (60 tuổi, ngụ H.Gò Dầu) đến công an trình báo việc bà liên tục nhận được các cuộc gọi từ 2 số điện thoại 012926111... và 012982878... yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng vào tài khoản 030033806... có chi nhánh tại tỉnh Lạng Sơn, chủ tài khoản tên H.V.V để phục vụ công tác điều tra. Người lạ mặt tự xưng là công an, nói bà có thể bị bắt tạm giam hoặc bị tù do có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy tại tỉnh Quảng Ninh. Sau khi bà X. chuyển 443,8 triệu đồng vào tài khoản trên thì nghi ngờ bị lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Tác giả bài viết: H.Nga - C.Nhân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok