Trong tỉnh

Dự án công viên 40 tỷ đồng tại Thanh Hóa: Chậm tiến độ, thành nơi chăn thả trâu, bò

Dự án Công viên cây xanh Đông Vệ, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2013, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2018. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn dang dở và đã dừng thi công, nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại mọc tràn lan và “biến” thành nơi chăn thả trâu, bò.

Toàn cảnh dự án Công viên cây xanh Đông Vệ, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa.

Công viên cây xanh Đông Vệ thuộc hợp phần dự án hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở và công viên cây xanh, Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 194,5 tỷ đồng từ vốn ngân sách (được huy động từ nguồn phát triển quỹ đất). Trong đó, hạng mục công viên thuộc gói thầu số 5, có diện tích 15ha, trị giá 40 tỷ đồng. Dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa làm đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa và Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Hùng Cường.

Được biết, dự án được UBND tỉnh phê duyệt ngày 3/6/2013, dự kiến sẽ hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như chậm vốn, điều chỉnh quy hoạch nên bị chậm tiến độ, dẫn đến phải gia hạn thêm thời gian. Theo đó, quyết định gia hạn cuối cùng được UBND tỉnh ban hành ngày 27/8/2018, công trình sẽ được hoàn thành, bàn giao vào trong tháng 8/2021. Nhưng trên thực tế, hạn cuối cùng này cũng khó đảm bảo vì từ nhiều tháng nay, nhà thầu đã ngừng thi công, rút hết máy móc, nhân lực (kể cả bảo vệ) khỏi công trường.

Theo ghi nhận của PV khi đi thực tế tại hiện trường, các hạng mục của dự án như hồ điều hòa, hệ thống đá lát ven bờ, đường đi bộ bao quanh hồ, cổng ra vào, cổng chào, cầu bê tông... đều đã được thi công gần như cơ bản. Tuy nhiên, do bỏ hoang lâu ngày, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp như: Hệ thống lan can cầu đi bộ nhiều chỗ bong tróc, trơ cốt thép; nhiều đoạn tường rào đổ nghiêng; đường tản bộ nhiều đoạn phủ lớp rêu xanh rì do nước đọng lâu ngày, chìm lấp trong cây dại.

Phía bên ngoài công viên, nhất là cổng chính có nhiều đống phế liệu, rác thải nằm chình ình cạnh chiếc lán bảo vệ xiêu vẹo, dột nát... trong buổi chiều muộn, cảnh tượng nơi đây càng trở nên điêu tàn, hoang vắng. Một số người cao tuổi thường xuyên thể dục ở đây bày tỏ bức xúc: “Cả núi tiền của Nhà nước bỏ ra nhưng giờ bỏ hoang làm bãi thả trâu, bò. Mong báo chí lên tiếng để công viên được thi công, hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân. Để mãi thế này vừa lãng phí, vừa phản cảm, người dân chúng tôi thấy xót xa quá mà không biết kêu ai, đề nghị mãi rồi mà không thấy tiến chuyển”.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Văn Dựng - Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Hùng Cường, đại diện nhà thầu cho biết: Cho đến nay, dự án đã thi công được khoảng 70% khối lượng, hầu hết các hạng mục đều đã được xây dựng gần như cơ bản, chủ yếu chỉ còn khâu hoàn thiện là xong. Về vốn, đến nay nhà thầu đã nhận được 65% kinh phí đầu tư của dự án.

Nói về tình trạng công trình chậm tiến độ và hiện đang ngừng thi công, ông Dựng cho biết lý do là bởi việc thanh toán (theo nghiệm thu từng phần hạng mục, khối lượng thi công) quá chậm chạp, nhiêu khê. Theo ông Dựng, mỗi lần ứng, thanh toán (sau khi hoàn thành thủ tục nghiệm thu khối lượng), nhà thầu lại phải chạy đôn chạy đáo từ UBND tỉnh đến Sở Tài chính để “xin vốn”, vừa mất công “chạy chọt” lại mất thời gian chờ đợi kéo dài tới hai, ba tháng. Tình trạng “làm đến đâu xin vốn đến đấy” rất bất hợp lý, gây lãng phí thời gian và khó khăn thêm cho công tác thi công. Vì những nguyên nhân trên, nhà thầu đã cho tạm dừng thi công dự án này để “chờ” vốn.

Chốt lại buổi trao đổi với PV, ông Bùi Văn Dựng khẳng định: “Nếu có đủ vốn, tôi đảm bảo sẽ tập trung thi công và hoàn thành, bàn giao công trình trong thời gian 3 tháng”.

Về phía đại diện chủ đầu tư, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa chỉ nói vắn tắt: “Việc chậm tiến độ không phải do chậm vốn, về phần đại diện chủ đầu tư, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”. Với mong muốn được làm việc trực tiếp để có thông tin đa chiều, đầy đủ, PV đã vài lần gọi điện, nhưng ông Long cáo bận, hẹn sang tuần. Tuy nhiên, vào ngày thứ 2 đầu tuần, khi PV gọi lại, ông Long lại yêu cầu PV phải gửi văn bản nội dung cần trao đổi trước, đợi lãnh đạo phân công mới có thể trả lời vì ông không có thẩm quyền phát ngôn.

Ngay sau đó, PV tiếp tục gọi cho ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm, tuy nhiên ông này nói rất bận, có gì để tuần sau? Không nản lòng, PV tiếp tục nhắn tin, nói rõ nội dung cần trao đổi và đề nghị ông Giám đốc “nếu bận, đề nghị cho gặp cán bộ chuyên môn có thể cung cấp thông tin cũng được”. Tuy nhiên, sau vài cuộc gọi nữa, ông Giám đốc mới “hạ cố” nghe máy và cho biết “Tôi đang đi họp”.

Những hạng mục thi công dang dở nằm phơi mưa, nắng và cây dại mọc tràn lan trong công viên.

Như vậy, tình trạng thi công dang dở và đang tạm ngừng vô thời hạn, dự án Công viên cây xanh Đông Vệ chưa biết bao giờ mới có thể hoàn thành để đưa vào sử dụng. Đồng nghĩa với việc công trình 40 tỷ đồng tiếp tục phải nằm phơi mưa, nắng, trở thành bãi thả trâu, bò và tiếp tục hoen rỉ, xuống cấp, nguy cơ lãng phí ngân sách là không tránh khỏi. Được biết, dự án được coi là điểm nhấn là “lá phổi xanh” của Khu đô thị Nam thành phố, góp phần đưa thành phố Thanh Hóa trở thành đô thi văn minh, hiện đại nơi đáng sống. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra tại công trình này và quan điểm không thống nhất giữa đại diện chủ đầu tư với nhà thầu thi công, không biết đến bao giờ công trình này mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu của nhân dân?

Tác giả: Đào Nguyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok