Theo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, 7 huyện nghèo nhất nước của tỉnh đã tổng kết xong Dự án 600 (Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo). Tuy nhiên trong số 60 người được tuyển chọn về làm Phó Chủ tịch xã (PCTX) của 7 huyện nghèo 5 năm trước, chỉ duy nhất có 1 người lên chức làm Chủ tịch UBND xã và 1 người được tuyển dụng công chức đặc cách.
Tri thức trẻ với nỗi lo mất việc
Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Hóa có 60 xã thuộc Dự án 600. Qua nhiều lần tuyển chọn nghiêm ngặt, Thanh Hóa đã chọn được 60 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ tham gia chương trình.
Sau 5 năm “lên rừng làm lãnh đạo”, tất cả các PCTX trẻ đều được địa phương nhận xét, đánh giá là những người có tâm huyết, nhiệt tình với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, điều khiến những tri thức này lo lắng là sau khi kết thúc dự án họ sẽ đi về đâu, vì mục tiêu của chương trình sau 5 năm nếu ai không được địa phương bầu vào vị trí chủ chốt, không được bổ sung viên chức, công chức thì sẽ phải rút về.
Và thực tế đến nay, chỉ có 2 người có tương lai, 57 người (1 người đã mất vì tai nạn giao thông) còn lại chưa rõ sẽ làm gì khi chương trình kết thúc trong tháng 7 tới đây.
Chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1984, quê huyện Ngọc Lặc) – PCTX Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, chị đi làm ở một số nơi nhưng công việc không ổn định. Năm 2012, khi tỉnh Thanh Hóa có tổ chức xét tuyển tri thức đi làm PCTX các huyện nghèo, chị Huyền tham gia và trúng tuyển.
“Được nhận về làm tại xã Xuân Cẩm, một huyện còn nhiều khó khăn của huyện Thường Xuân, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và muốn có một công việc ổn định để cống hiến sau bao năm đèn sách. Tuy nhiên đến giờ tôi cũng không chắc mình sẽ làm gì sau khi kết thúc dự án” – chị Huyền lo lắng.
Tương tự như chị Huyền, anh Nguyễn Anh Ngọc trúng tuyến và được bố trí về làm PCTX Xuân Quỳ, huyện Như Xuân. Tại địa phương này, anh Ngọc cũng lăn lộn khắp các thôn bản để cùng với địa phương đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch cộng đồng.
“Ngọc có một cách làm rất hay mà không phải người trẻ nào cũng làm được, đó là lúc chúng tôi giao chỉ tiêu giảm nghèo cho thôn, xóm, Ngọc đã xuống từng thôn rà soát lại danh sách sau đó phân tích đánh giá nguyên nhân, từ đó tìm ra cách để giúp họ thoát nghèo. Địa phương rất cần những người trẻ năng động, giám hi sinh vì vùng cao như vậy” – ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ nhận xét.
“Công việc làm lãnh đạo địa phương với những người trẻ như chúng tôi là một thử thách, nhưng chúng sẽ làm được nếu được tin tưởng và có cơ chế tốt để cống hiến” – anh Nguyễn Anh Ngọc nói.
Chỉ còn cách tăng biên chế
Ghi nhận ở nhiều địa phương, chúng tôi đều được chính quyền cho biết, PCTX Dự án 600 đều hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi đề cập việc giữ hay không giữ những người này khi chương trình kết thúc thì hầu hết các địa phương đều kêu khó.
Ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân) cho biết, hiện tất cả các chức danh của xã đã đủ hết, không còn vị trí nào trống nên cũng không biết sắp xếp PCTX Nguyễn Thị Huyền vào vị trí nào khi dự án kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ (huyện Như Xuân) cũng mong muốn đội viên Dự án 600 ở lại nhưng không biết sẽ sắp xếp vào đâu.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Xuân Trường, Phó phòng Nội vụ huyện Như Xuân, cho biết huyện có 13 đội viên về làm PCTX, hiện mới sắp xếp được 1 người làm công chức địa phương.
“12 người còn lại chúng tôi chưa biết sắp xếp vào đâu vì vị trí chức danh ở xã đã đủ hết, ngay cả huyện đang còn thừa tới 2 công chức. Nếu tiếp tục giữ lại những người này thì tỉnh phải có cơ chế hoặc tăng chỉ tiêu biên chế” – ông Trường nêu quan điểm.
Ông Trần Duy Hạnh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lang Chánh lại cho rằng ngoài việc tăng biên chế thì nên kéo dài thêm thời gian cho dự án để đưa những người này vào những vị trí có người về hưu, chuyển vị trí…
Theo ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng công tác Thanh niên (Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa), trong số 60 đội viên tham gia chương trình hiện có ông Bùi Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý (huyện Mường Lát) đã được bầu làm Chủ tịch UBND xã này trong nhiệm kỳ 2015-2020 và bà Trịnh Thị Sâm, PCTX Thanh Xuân (huyện Như Xuân) được chuyển sang làm công chức thống kê xã này.
57 người còn lại hiện vẫn giữ nguyên vị trí.
“Sau khi thực hiện chương trình, tất cả những tri thức này đều hoàn thành nhiệm vụ, 100% là đảng viên, có 19 người là HĐND xã nhiệm kỳ 2015-2020, 20 người có trình độ Trung cấp lý luận… Hầu hết các em đều hoàn thành nhiệm vụ và tạo ra một luồng gió mới về công tác cán bộ như tác phong, giờ giấc làm việc, thành thạo công nghệ, nhiệt tình trong công việc.
Đặc biệt, có nhiều người đã có đề án, sáng kiến hay cho địa phương, góp phần rất lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo của các xã nghèo. Vì thế khi dự án kết thúc, sở sẽ bàn với các ban ngành tìm cách sắp xếp, tiếp nhận những người này” – ông Giang thông tin.
Cũng theo ông Giang, vừa qua Bộ Nội vụ đã có hội nghị tổng kết Dự án 600 tại khu vực Bắc Trung Bộ, tuy nhiên hầu hết các địa phương này đều không sắp xếp được các đội viên vào đội ngũ công chức và các tỉnh đều mong muốn kéo dài chương trình hoặc tăng biên chế.
“Việc tăng biên chế là hơi khó, nó đi ngược lại với mục tiêu tinh giản biên chế, nên chúng tôi đang chờ xem tới đây khi chương trình tổng kết tại Trung ương sẽ đưa ra hướng xử lý” – ông Giang nói thêm.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí