Thế giới

Donald Trump có thể 'quét sạch' di sản của Obama

Dù cười nói vui vẻ khi gặp ông Barack Obama nhưng một khi lên nắm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phá hủy phần lớn “di sản” mà người tiền nhiệm để lại.

Trump gặp gỡ Obama tại Nhà Trắng: Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc gặp với đương kim Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục, một ngày sau cuộc bầu cử.

Chỉ vài tuần trước cuộc gặp có vẻ như rất thoải mái đó, tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và tổng thống đắc cử Donald Trump giống như nước với lửa. Tỷ phú New York mở chiến dịch tranh cử với luận điểm quan trọng rằng ông Obama là một tổng thống yếu kém, đưa ra nhiều chính sách tai hại với nước Mỹ.

Ngược lại, trong nhiều ngày qua, khi đi vận động cho bà Hillary Clinton, ông Obama liên tục nhấn mạnh rằng ông Trump chỉ là một kẻ bất tài và mị dân. Ông kêu gọi người dân cả nước Mỹ không bỏ phiếu cho ông Trump để ngăn chặn một “thảm họa”.

Nhưng giờ đây, ông Obama sắp phải dọn đồ khỏi Nhà Trắng, nhường lại chiếc ghế tổng thống cho ông Trump. Công sức suốt 8 năm qua của chính quyền Obama có thể sẽ "đổ sông đổ bể" một khi ông Trump chính thức nắm quyền. Bởi đó chính là những gì tỷ phú địa ốc đã cam kết khi tranh cử.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trò chuyện vui vẻ với người tiền nhiệm tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.


1. Kết thúc Obamacare

Mục tiêu đầu tiên của ông Trump là chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Trước ông Trump, lãnh đạo đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện đều từng thề sẽ tiêu diệt Obamacare. Và sau cuộc bầu cử ngày 8/11, phe Cộng hòa giữ quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ.

Công cụ quan trọng nhất để đảng Dân chủ ngăn chặn đảng Cộng hòa phá hủy Obamacare là filibuster (phát biểu không giới hạn thời gian), bởi đảng Cộng hòa không có đủ 60 ghế đa số tuyệt đối ở Thượng viện. Tuy nhiên, hồi năm 2010, đảng Dân chủ dùng một phương pháp mang tên budget reconciliation (điều chỉnh qua đường ngân sách) để thông qua một số điều khoản quan trọng của Obamacare.

Các dự luật được điều chỉnh qua đường ngân sách chỉ cần 51 phiếu ủng hộ ở Thượng viện là được thông qua. Và ông Trump cùng đảng Cộng hòa có thể học hỏi kinh nghiệm của đảng Dân chủ để phát nát luật bảo hiểm y tế được đánh giá là một di sản lớn của ông Obama.

2. Trục xuất người nhập cư bất hợp pháp

hồi năm 2012 ông Obama dùng quyền lực hành pháp của mình để thực hiện chương trình “Những người tìm kiếm giấc mơ” để ngăn chặn việc trục xuất con cái của các bậc cha mẹ là người nhập cư bất hợp pháp. Ông Trump từng thề sẽ triệt hạ “giấc mơ” đó và chỉ cần ra sắc lệnh hành pháp là đủ.

3. Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ “lên thớt”

Cũng giống như các nghị sĩ Cộng hòa, ông Trump phản đối quyết liệt việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Ông Trump từng cho biết sẽ tái áp dụng các biện pháp cấm vận và khi đó Iran sẽ không cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân nước này.

Donald Trump lên nắm chính quyền có thể thay đổi hoàn toàn hoặc triệt tiêu các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.


4. Chính sách biến đổi khí hậu biến mất

Ông Trump hầu như không nhắc đến biến đổi khí hậu trong quá trình tranh cử, nhưng đảng Cộng hòa phản đối kịch liệt quan điểm của ông Obama về vấn đề này. Thậm chí nhiều nghị sĩ còn cực đoan tuyên bố hiện tượng biến đổi khí hậu chỉ là chuyện hoang đường.

Tổng thống Trump có thể sẽ rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris (gần 200 quốc gia đồng ý thực hiện các biện pháp để hạn chế nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C).

Ông Trump cũng hoàn toàn có thể vứt bỏ các quy định ông Obama đã thông qua nhằm hạn chế khí thải từ các nhà máy điện tại Mỹ. Những ngày qua, nhiều người biểu tình phản đối ông Trump đã kêu gọi ông Obama tận dụng nốt những ngày còn lại ở Nhà Trắng để tìm cách bảo vệ thỏa thuận biến đổi khí hậu.

5. Quan hệ của Mỹ với Cuba lung lay

Ông Obama là người bình thường hóa quan hệ với Cuba, dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận và mở đại sứ quán ở Havana bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa. Hồi tháng 9, ông Trump tuyên bố: “Những gì Obama trao cho chính quyền Raul Castro đều được thực hiện bằng sắc lệnh hành pháp và tổng thống mới có thể đảo ngược nó”.

6. TPP đối mặt nguy cơ thất bại

Trong thời gian qua, ông Obama gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận được xem là trọng tâm của chiến lược “tái cân bằng châu Á” mà ông theo đuổi.

Khi tranh cử, ông Trump liên tục chỉ trích các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các nước khác là “lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ” và cũng kêu gọi Mỹ rút khỏi TPP.

Nhiều khả năng ông Obama sẽ rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ trên 50%. Nhưng kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cho thấy nhiều người Mỹ không chấp nhận các chính sách của ông trong 8 năm qua. Và một chính quyền Donald Trump sẽ là cơn ác mộng đối với cá nhân ông Obama khi ông bước chân ra đi.

Tác giả bài viết: Hiếu Trung (Từ New York, Mỹ)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok