Phụ nữ đồng bào Mông xuống thị trấn huyện Mường Lát chơi Tết Độc lập. |
Xuống núi vui Tết
Dù ở cách xa trung tâm huyện lỵ hàng chục km đường rừng, nhưng mỗi dịp đón Tết Độc lập, nhiều người già, thanh niên nam, nữ và lũ trẻ con đều chung tâm trạng háo hức. Người ta hăm hở hướng về trung tâm huyện, để cùng nhau vui đón Tết Độc lập.
Anh Thao Văn Dính, nhà ở tận bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn cũng dành thời gian, để về huyện Mường Lát vui chơi vài ngày. Nhà của Dính ở bản Mùa Xuân, nếu đi về trung tâm Mường Lát phải hơn trăm cây số. Nhưng Dính vẫn đi, bởi quê gốc của Dính là ở xã Pù Nhi (Mường Lát). Ngày trước, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên bố mẹ của Dính đi theo một số anh em, bạn bè di cư về bản Mùa Xuân, xây dựng cuộc sống mới.
“Ngày mới chia tách huyện (năm 1997, huyện Quan Hóa cũ được chia thành 3 huyện, gồm: Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn - PV), cuộc sống đang khó khăn lắm. Thế nhưng, những ngày vào dịp mừng lễ Quốc khánh, đón Tết Độc lập, mình vẫn theo bố, mẹ về Pù Nhi, vui chơi thỏa thích. Bây giờ, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn xưa rồi. Đường đi, lối lại được Nhà nước đầu tư, mở rộng, trải nhựa phẳng lì. Từ trung tâm xã Sơn Thủy đi Mường Lát cũng chỉ mất khoảng gần 3 giờ chạy xe máy thôi. Tết Độc lập là những ngày để anh em, bè bạn được gặp nhau, uống chén rượu ngô, cùng ăn bát thắng cố rồi hàn huyên với nhau, vui lắm”, Dính kể.
Ở Mường Lát, có 36 bản đồng bào Mông đang sinh sống. Nhiều bản nằm cách xa trung tâm huyện lỵ hàng chục km đường rừng. Vì thế, người Mông muốn về trung tâm huyện để vui Tết Độc lập, họ phải đi từ chiều ngày 31/8. Đến trung tâm huyện Mường Lát, người ở xa tự tìm cho mình những chốn ăn, nghỉ phù hợp với túi tiền. Có người thì tìm vào những gia đình thân quen ở lại qua đêm.
Ngày 1/9, người Mông hòa vào dòng người ở phố huyện, chợ huyện để mua sắm đồ dùng. Các bạn nam thanh, nữ tú đưa nhau đi chơi, tìm những quà lưu niệm mua tặng cho nhau. Những năm trước, cứ đến dịp Quốc khánh - đón Tết Độc lập, huyện Mường Lát lại tổ chức các trò chơi dân gian cho bà con tham gia. Có năm, người ta tổ chức nấu thắng cố ở trung tâm văn hóa, để đồng bào người Mông xuống núi thưởng thức.
Ông Sùng A Lù, năm nay 51 tuổi, nhà ở trên tận đỉnh Hin Phăng, xã Tam Chung (Mường Lát). Dù cách xã trung tâm huyện vài chục cây số, nhưng năm nào A Lù cũng cho vợ, con và cả cháu nội xuống núi, đón Tết Độc lập.
“Vui lắm! Ý nghĩa lắm! Cách đây 2 năm (tháng 9/2018), Mường Lát bị một trận lũ lịch sử, cuốn trôi đi không biết bao nhiêu nóc nhà. Con đường nào dẫn về trung tâm huyện cũng bị sạt lở. Dịp Tết Độc lập năm đó, buồn thiu. Còn năm nay, cứ tưởng được vui chơi thỏa thích trong ngày Tết Độc lập chứ. Ai ngờ, dịch bệnh Covid-19 đã khiến huyện phải dừng hết tất cả các hoạt động tổ chức vui chơi.
Tuy huyện không ngăn cấm bà con xuống núi, nhưng cũng khuyến cáo phải đeo khẩu trang, phòng tránh dịch bệnh và không tụ tập đông người. Vì thế, tôi đưa vợ con xuống núi chơi một buổi sáng mùng 1/9 thôi, rồi sau đó quay về bản. Cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao được. Tất cả phải tuân thủ phòng, tránh dịch bệnh thật nghiêm túc mà”, A Lù chia sẻ.
Người Mông coi trọng Tết Độc lập!
Vì sao đồng bào dân tộc Mông lại coi trọng Tết Độc lập như vậy? Dù rằng, trong một năm, có nhiều ngày lễ, kể cả Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ hay Tết Trung thu... thì người Mông cũng coi đó là những ngày Tết... bình thường.
Là người am hiểu về văn hóa dân tộc Mông, ông Lâu Minh Pó (người Mông) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, nói rằng: “Đồng bào dân tộc Mông rất coi trọng Tết Độc lập. Bởi lẽ, lịch sử phát triển của đồng bào Mông dường như gắn liền với ngày Tết Độc lập. Từ xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, người Mông bị kẻ thù truy sát. Do đó, họ phải chạy đi trú ẩn khắp nơi và thường chọn cách sinh sống trên các ngọn núi cao, vùng đất hiểm trở nhất. Đến khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, người Mông sung sướng vô cùng. Bởi lẽ, được tuyên truyền để tự giải phóng khỏi quan niệm “chỉ sống cô lập trên núi cao”. Cũng từ đấy, người Mông có dịp xuống núi, được giao lưu với các dân tộc anh em… Do đó, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh, là đồng bào dân tộc Mông lại nô nức xuống trung tâm huyện lỵ để vui Tết Độc lập”.
Cũng theo ông Pó, lịch sử ông cha kể lại, người Mông bị quân thù truy sát, đồng bào phải chạy vào rừng sâu, men theo những triền núi mà đi. Đến khi nào đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy con suối nhỏ như sợi dây cung, dây nỏ thì người Mông mới dừng lại. Người Mông ở trên cao, để có thể quan sát được kẻ thù và có thể xây dựng cuộc sống bình yên...
“Giờ đây, cuộc sống của đồng bào Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã thay đổi đáng kể. Bà con được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách để phát triển kinh tế. Vì thế, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm. Con em của đồng bào Mông đã được đến trường học chữ rất nhiều... Do đó, ngày Tết Độc lập đối với đồng bào Mông lại càng thiêng liêng hơn. Có lẽ vì thế, mà người Mông luôn mong chờ đến dịp để được vui Tết Độc lập”, ông Pó chia sẻ.
Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết, năm nay, do dịch bệnh nên không tổ chức các hoạt động mừng ngày Quốc khánh. “Những năm trước, khi đến ngày này, đồng bào Mông ở các bản xa xôi trong huyện đều xuống núi. Không chỉ vậy, nhiều người ở bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu (huyện Quan Sơn), hay bản Suối Tôn, Buốc Hiềng (Quan Hóa) cũng về Mường Lát chơi Tết. Thích thú nhất là lũ trẻ con được theo bố, mẹ xuống núi đi chơi Tết Độc lập. Chúng vui lắm, nhất là những lúc được bố, mẹ cho ăn kem ốc quế và kem nhiều màu. Rồi chúng tha hồ ngắm đồ trang sức và được xem người lớn chơi đẩy gậy, bắn nỏ, đánh bóng chuyền, cầu lông… Thế nhưng, năm nay huyện đành phải hoãn hết mọi hoạt động vui chơi cho bà con, là điều không ai mong muốn”, ông Cường nói.
Tác giả: Thế Lượng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại