Theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, Việt Nam hầu như không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực FDI, trong khi luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là cực lớn. Vì lẽ đó, việc xây dựng cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI là cần thiết, dù đã muộn nhưng muộn còn hơn không.
Hạn chế luồng tiền chảy ra ngoài
PV: - Sau 30 năm thu hút FDI với nhiều thành tựu cùng với những điểm yếu khiến chúng ta chưa thể hài lòng, quan niệm về thu hút FDI thế hệ mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, hình dung về điều này chưa rõ ràng.
Mới đây, khi làm việc với Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp FDI, chính sách ưu đãi thuế, tài chính đối với khối doanh nghiệp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI, gồm cơ cấu thuế theo ngành, lĩnh vực; xử lý doanh nghiệp tay không bắt giặc, đầu tư núp bóng; kiểm soát về vốn; có cơ chế kiểm soát tài chính hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá...
Ông đánh giá thế nào về bước đi này? Theo ông, đây có nên coi là bước đầu tiên để chấn chỉnh lại việc quản lý FDI, tạo ra môi trường đầu tư công bằng, trong đó doanh nghiệp Việt không bị lép vế không? Và liệu chúng ta có bắt đầu quá muộn?
Một thời gian dài cho đến tận ngày nay, cùng với tăng trưởng GDP, việc thu hút đầu tư nước ngoài luôn được xem như là thành tích trong các báo cáo tổng kết từ trung ương đến địa phương. Các doanh nghiệp FDI nhận được rất nhiều ưu đãi từ các chính sách thu hút đầu tư của Trung ương cũng như các địa phương trong việc tiếp cận nguồn lực (đất đai, thuế, tiếp cận vốn…).
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh |
Sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được tính vào GDP làm cho chỉ tiêu này tăng lên, đồng thời có thể làm tăng chỉ tiêu chi trả sở hữu thuần. Chi trả sở hữu thuần tăng có nghĩa là luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng lên, từ đó làm cho tổng thu nhập quốc gia (GNI) giảm đi.
Năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài gần 11 tỷ USD, chiếm 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo thời giá và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn ba lần). Trong khi đó, tỷ lệ GNI so với GDP chỉ còn khoảng 95%.
Tính chung trong giai đoạn 2007-2017, tốc độ chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài tăng bình quân hàng năm khoảng 32% (theo giá hiện hành), trong khi đó GDP tăng 22%. Điều đó cho thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng cao hơn GDP rất nhiều.
Dù không hoàn toàn do khu vực FDI nhưng rõ ràng khu vực có vốn đầu tư trực tiếp góp phần quan trọng làm luồng tiền đi ra khỏi đất nước mỗi ngày một lớn.
Nếu tăng trưởng GDP dựa theo FDI thì càng tăng GDP, luồng tiền chảy ra nước ngoài càng mạnh, nguồn lực của quốc gia sẽ ngày càng suy kiệt. Nếu tăng trưởng GDP mà nguồn lực cứ mất đi thì việc tăng trưởng ấy không có nhiều ý nghĩa.
Việc chi trả sở hữu ra nước ngoài rất đáng báo động. Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách quá thoải mái và không có định hướng? Chúng ta phải có những ràng buộc với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để hạn chế tình trạng luồng tiền chảy ra ngoài càng ngày càng nhiều.
Đối với đóng góp của FDI vào nền kinh tế Việt Nam nói chung, không nên nhìn theo tổng thuế mà FDI nộp vào ngân sách. Trong thuế và các khoản nộp ngân sách bao gồm cả thuế gián thu và trực thu. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp vào ngân sách, mà đấy chính là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI.
Để xem đóng góp của FDI thực sự là bao nhiêu cần nhìn vào thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) mà khối này nộp vào ngân sách. Năm 2016, tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được cũng chẳng là bao.
FDI được kỳ vọng giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%, trong khi đó lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu nên gần như không có sự lan tỏa gì về công nghệ. Trong một nghiên cứu của một nhóm chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy khu vực FDI thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao hơn khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông khá nhiều.
Rõ ràng, với khu vực FDI, hầu như phía Việt Nam không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực này, mà như đã nói ở trên, luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là cực lớn.
Với yêu cầu đặt ra cơ chế để kiểm soát doanh nghiệp FDI, rõ ràng Chính phủ đã để ý đến tình trạng trên.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Đất việt