“Đội tuyển Đức thi đấu yếu đuối như bà Merkel vậy!”, một người hâm mộ giận dữ đăng tải lên mạng xã hội sau khi nhà đương kim vô địch bị Mexico đánh bại trong trận đấu đầu tiên tại World Cup 2018 hôm 17/6.
Theo Sputnik, nhiều người dùng Twitter chỉ ra rằng thất bại của đội tuyển Đức càng khiến người dân bất mãn hơn với chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, gây ra phản ứng tức giận với không chỉ các chính trị gia mà còn với các cầu thủ có nguồn gốc không “thuần Đức”.
Cổ động viên Đức thất vọng trước thất bại trong trận ra quân của đội tuyển. Ảnh: Reuters. |
Điều này trái ngược hoàn toàn so với sự ủng hộ nồng hậu của người dân dành cho đội tuyển vô địch cách đây vài năm, thời điểm nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung chưa lâm vào tình cảnh khủng hoảng tị nạn.
Từ tình yêu công bằng, vô tư dành cho mọi cầu thủ...
Tại Liên bang Đức, môn thể thao vua đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống người dân. Bóng đá có tầm ảnh hưởng phi thường lên xã hội theo cách khó quốc gia nào so sánh được.
Theo CNN, có thể nhận thấy rõ hình ảnh của nước Đức thay đổi qua tình cảm của người hâm mộ dành cho đội tuyển. Khi Đức đăng cai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2006, người dân cổ vũ các chàng trai của mình không chỉ qua những lá cờ phấp phới hay tiếng hò reo vang dội, mà còn qua sự ủng hộ nồng ấm dành cho đội tuyển đa bản sắc.
Từ đất nước bị ám ảnh bởi chủ nghĩa phát xít, cổ động viên Đức đã thể hiện tình yêu một cách vô tư và công bằng với mọi cầu thủ bất chấp khác biệt sắc tộc.
Đến Euro 2008, Liên đoàn Bóng đá Đức đã làm một phóng sự ngắn về cha mẹ của 7 cầu thủ có nguồn gốc nhập cư nhằm ủng hộ và xóa đi những rào cản cố hữu dành cho cộng đồng này.
Các nhà chức trách muốn nhấn mạnh rằng các cầu thủ nên tự hào về gốc gác khác biệt của mình, đồng thời kêu gọi người dân phá bỏ định kiến và giúp người nhập cư nhanh chóng hòa nhập.
Sau khi Đức vô địch World Cup 2014 với đội hình đa sắc tộc, phần lớn người dân bày tỏ sự trân trọng, ủng hộ và tin tưởng dành cho tính đa văn hóa trong xã hội của mình. Đội tuyển quốc gia trở thành biểu tượng cho một nước Đức hội nhập và phát triển, sẵn sàng chấp nhận các giá trị khác biệt.
Tuy nhiên, những “báu vật quốc gia” thời ấy giờ đang trở thành đề tài gây tranh cãi. Năm 2016, thành viên đảng cực hữu AfD từng vấp phải nhiều chỉ trích khi đưa ra lời nhận xét nhuốm màu phân biệt chủng tộc về ngôi sao da màu Jérôme Boateng.
“Mọi người đều thích anh ấy như một cầu thủ bóng đá. Nhưng không ai muốn Boateng trở thành hàng xóm của mình cả”, báo Đức dẫn lời bình luận của ông Alexander Gauland, phó lãnh đạo đảng AfD mang tư tưởng phát xít.
Cầu thủ da màu Boateng góp vai trò lớn trong chiến thắng của "cỗ xe tăng" Đức tại World Cup 2014. Ảnh: Getty. |
Điều đáng nói ở đây là đảng AfD từng tạo nên cơn “địa chấn chính trị” khi trở thành đảng lớn thứ 3 trong quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2017. Đà thăng tiến của AfD tỷ lệ thuận với sự ủng hộ dành cho tư tưởng cực đoan của người dân sau làn sóng di cư năm 2015.
Không chỉ đảng AfD có vấn đề với các cầu thủ không “thuần Đức”. Trong trận giao hữu trước thềm World Cup 2018 với Saudi Arabia, cổ động viên Đức không ngừng la ó, huýt sáo phản đối tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ilkay Gundogan, kể cả khi huấn luyện viên Joachim Löw dùng tay ra hiệu người hâm mộ dừng lại.
... Đến kêu gọi trục xuất cầu thủ "con cưng" gốc nhập cư
Tháng trước, Gundogan và đồng đội Mesut Özil gây xôn xao dư luận khi tươi cười chụp ảnh cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Cầu thủ Gundogan thậm chí còn tặng ông Erdogan chiếc áo đấu có ghi dòng chữ “gửi tổng thống của tôi” khiến dư luận phẫn nộ.
Ông Erdogan đang bị Berlin và EU chỉ trích mạnh mẽ vì việc đàn áp và bắt giữ hàng nghìn người sau cuộc đảo chính bất thành ở Ankara hồi năm 2016. Hai cầu thủ bị chỉ trích vì cho rằng họ không phát ngôn đúng giá trị Đức và đã có một loạt lời kêu gọi loại cả hai ra khỏi đội tuyển.
Gundogan phân bua rằng anh không có ý định nêu quan điểm chính trị và cam kết trung thành với các giá trị Đức. Nỗ lực xoa dịu dư luận thông qua cuộc gặp gỡ ngay sau đó nhằm giải trình với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier không mang lại hiệu quả tích cực cho hai cầu thủ.
Hai cầu thủ Đức Gundogan và Özil tặng áo cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiện vào tháng 5. Ảnh: Bz Berlin. |
Về phía Özil, tiền vệ hào hoa đang thi đấu cho CLB Arsenal từng là con cưng của "cỗ xe tăng" Đức. Sự thành công của anh là hiện thân của câu chuyện cổ tích về cậu bé nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Do là người đạo Hồi, Özil luôn cầu nguyện trước khi ra sân.
Giờ đây, đảng AfD không chỉ kêu gọi loại bỏ Gundogan và Özil khỏi đội hình đang thi đấu ở Nga mà thậm chí yêu cầu trục xuất họ về với "tổng thống của tôi" tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Gundogan và Özil không cảm nhận được tinh thần đồng đội trong đội tuyển Đức. Bất cứ ai thi đấu với một nửa trái tim không thể có được sự tập trung và tinh thần chiến đấu cần thiết", Reuters dẫn lời nhận xét của phát ngôn viên thể thao đảng AfD Joern Koenig.
Với tuyên bố "Hồi giáo không thuộc về nước Đức", phe cực hữu đề cao chủ nghĩa dân tộc và thậm chí phân biệt chủng tộc dĩ nhiên không chấp nhận cầu thủ gốc Thổ góp mặt trong đội tuyển quốc gia, niềm kiêu hãnh của cả đất nước.
Đảng AfD cho rằng người Hồi giáo ở Đức là "mối nguy lớn đối với nhà nước, xã hội và hệ thống giá trị" của quốc gia liên bang.
Sự trỗi dậy của đảng AfD và phản ứng mạnh mẽ của người dân dành hai cầu thủ gốc Thổ khiến hình ảnh về một nước Đức không chỉ giàu có, thịnh vượng mà còn rộng mở và vị tha dường như không còn.
Liệu đội tuyển có cứu được Thủ tướng Merkel?
Kể từ năm 2015, người Đức lần đầu tiên cảm nhận sự ảnh hưởng nghiêm trọng của những cuộc xung đột trên thế giới lên cuộc sống bình yên và giàu có của họ. Đức đã đón hơn 1,5 triệu người dân từ các nước Trung Đông và Bắc Phi nhờ chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Merkel.
Thủ tướng Merkel có nguy cơ chấm dứt sớm nhiệm kỳ 4 của mình nếu không đạt được thỏa thuận với châu Âu trong vấn đề tị nạn. Ảnh: Getty. |
Trong khi nhiều nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho quyết định duy trì chính sách về người tị nạn của thủ tướng, người dân Đức ngày càng phản đối chủ trương mở cửa biên giới và ủng hộ siết chặt nhập cư.
Một trong những lý do khiến người Đức không còn sẵn lòng cưu mang người tị nạn nằm ở sự đơn độc của họ trên con đường được cho là giàu lòng trắc ẩn này.
Nước Đức đã trở nên quá tải khi là một trong những quốc gia duy nhất của châu Âu đón nhận người tị nạn. Nhiều người Đức coi cộng đồng nhập cư là khởi nguồn của mọi rối ren và bất an trong xã hội.
Ngoài nỗ lực đạt được thỏa thuận chia sẻ gánh nặng tị nạn với các nước EU, Thủ tướng Merkel cần chứng tỏ Đức có thể vươn tới đỉnh cao dựa trên xã hội rộng mở và đa bản sắc, nếu bà không muốn chấm dứt sớm nhiệm kỳ 4.
Trước áp lực từ người dân và nội bộ chính phủ, bà Merkel có lẽ phải đặt hy vọng vào đội tuyển bóng đá, mong nhà đương kim vô địch sớm đứng dậy vượt qua vấp ngã. Chỉ chiến thắng mới có thể khơi gợi tình yêu và niềm tự hào của người dân dành cho không chỉ đội tuyển, mà rộng hơn, là cả xã hội Đức đa văn hóa, đa sắc tộc.
Tác giả: Ngọc Linh
Nguồn tin: zing.vn