Hiệp định CP TPP
Tại cuộc họp báo TPP sáng 11/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong những ngày qua, bộ trưởng các đoàn đàm phán đã thống nhất được những nội dung cơ bản quan trọng của TPP. Trên cơ sở các cuộc đàm phán 4 vòng đó, các bộ trưởng đã thống nhất tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại cuộc họp báo về TPP. |
Các Bộ trưởng cũng ra tuyên bố chung về việc thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định TPP theo hướng giữ nguyên những nội dung của hiệp định TPP. Thỏa thuận cũng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để một số nước thành viên có thêm thời gian chuẩn bị trong bối cảnh mới.
“Các bộ trưởng cũng thống nhất rằng, Hiệp định CPTPP là hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao và cân bằng. Các bộ trưởng cũng tiếp tục giao trưởng đoàn đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành rà soát các điều kiện pháp lý trước khi thực hiện ký kết để áp dụng.
Kết quả đạt được ở Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 bộ trưởng các nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Nhà đầu tư ngoại chi 9.000 tỷ “ôm” lô cổ phiếu Vinamilk
Hôm 10/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức phiên đấu giá chào bán cạnh tranh 48,3 triệu cổ phần tương ứng với 3,33% cổ phần CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) do SCIC sở hữu.
Kết quả, 1 nhà đầu tư nước ngoài đã trúng giá toàn bộ cổ phần chào bán với mức giá trúng 186.000 đồng/cổ phiếu, mức giá đặt mua cao nhất trong cuộc đấu giá lần này, cao hơn 24% giá khởi điểm 150.000 đồng mà SCIC đưa ra. Với khối lượng 48,3 triệu cổ phiếu bán ra, SCIC đã thu về gần 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do SCIC cam kết với các nhà đầu tư trong việc giữ danh tính của nhà đầu tư dù trúng hay không trúng nên không có thông tin cụ thể nào về nhà đầu tư ngoại này được tiết lộ.
Với việc chào bán thành công ở đợt 2 lần này, hiện vốn cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Vinamilk thông qua SCIC giảm xuống còn 36% vốn điều lệ công ty.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch chiều 10/11 chứng kiến sự nhảy vọt của VNM khi tăng kịch trần lên 173.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9 triệu đơn vị. Dòng tiền đổ vào mã cổ phiếu này chủ yếu đến từ khối ngoại.
Con ông Trần Bắc Hà “thâu tóm” dự án ngàn tỷ trên khu đất vàng
|
Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, công ty CP Tập đoàn An Phú và công ty thuộc một tập đoàn lớn của Việt Nam thực hiện dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Báo Vietnamnet thông tin, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (gọi tắt là công ty Thiên Hưng) được thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thuộc sở hữu của con gái nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Trần Bắc Hà là bà Trần Lan Phương và hiện do bà Phương làm Giám đốc.
Trong khi đó, công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do con trai ông Trần Bắc Hà là ông Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.
Nhiều người mừng hụt, "ông chủ" Facebook không có mặt ở Vịnh Hạ Long
Vào sáng ngày 11/11, đoàn của Facebook có mặt tại bến Cảng quốc tế Tuần Châu (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhưng không có sự xuất hiện của Mark Zuckerberg.
Theo thông tin trên tờ VTC News, đoàn của Facebook di chuyển từ Hà Nội tới Hạ Long bằng ô tô riêng. Sau đó cả đoàn đã lên du thuyền Pradise đẳng cấp 5 sao để chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ của Vịnh Hạ Long và nghỉ dưỡng.
Tờ báo này tiếp tục thông tin cho biết, danh sách đoàn có 9 người, trong đó có COO của Facebook là bà Sheryl Sandberg (48 tuổi, được coi là "cánh tay phải" của CEO Facebook Mark Zuckerberg).
Tuy nhiên, trong danh sách đoàn không có sự xuất hiện của Mark Zuckerberg.
Kỷ luật nhân viên xé vé máy bay khách hàng
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội phản ánh hiện tượng nhân viên hàng không có hành vi ứng xử chưa đúng mực với hành khách đi lại bằng đường hàng không, đặc biệt là vụ việc liên quan đến chuyến bay VJ159 chặng bay Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh ngày 5/11/2017 của công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VietJet).
"Điều này tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành hàng không, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không" - cục Hàng không nhận định.
Cục đã có văn bản yêu cầu các Hãng hàng không Việt Nam tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc của nhân viên trong phục vụ hành khách; tổ chức quán triệt, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ khách hàng theo phong trào 4 “xin”, 4 “luôn”của ngành giao thông vận tải, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đặc biệt là đối với đội ngũ nhân viên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với hành khách.
Riêng đối với công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm về vụ việc chuyến bay VJ159 nêu trên trong toàn hệ thống, có hình thức kỷ luật nghiêm đối với nhân viên có hành vi thiếu chuyên nghiệp, không phù hợp với văn hóa ứng xử của ngành hàng không trong vụ việc ngày 5/11/2017.
NCB bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2017 tại trụ sở ngân hàng 28C-D Bà Triệu, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung 03 thành viên vào Hội đồng quản trị (HĐQT).
Danh sách 03 thành viên HĐQT được bầu bổ sung gồm: ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Kim Chung và ông Vũ Mạnh Tiến.
Ngày 10/11/2017, HĐQT NCB họp thống nhất bầu ông Nguyễn Tiến Dũng làm Chủ tịch HĐQT NCB nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho bà Trần Hải Anh. Ông Nguyễn Tiến Dũng có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Tác giả: Thanh Hương (t/h)
Nguồn tin: Báo Người đưa tin