Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra phát hiện chấn động rằng đội quân đất nung nổi tiếng của Trung Quốc dưới thời Tần Thủy Hoàng có thể được tạc dựng dưới sự giúp đỡ của người Hy Lạp, và các nhà thám hiểm phương Tây đã có mặt ở Trung Quốc sớm hơn 1.500 năm so với mốc thời gian trong nghiên cứu cũ, tờ Telegraph đưa tin.
Theo nghiên cứu này, 8.000 pho tượng canh giữ lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể được chế tác dưới sự chỉ đạo của một nghệ nhân điêu khắc người châu Âu, mang ảnh hưởng của Hy Lạp cổ đại.
Các nhà khảo cổ tin rằng người Hy Lạp đã chỉ đạo tạc dựng các pho tượng này. (Ảnh: Independent)
Trong quá trình khai quật lăng mộ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra ADN đặc biệt của người châu Âu, từ đó cho thấy người phương Tây đã đi du lịch, định cư và chết ở Trung Quốc từ trước và trong suốt thời đại của vua Tần Thủy Hoàng, tức là sớm hơn 1.500 năm so với mốc thời gian trong nghiên cứu cũ.
Khám phá này được đánh giá là “quan trọng nhất trong vòng 40 năm qua”, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc khám phá ra đội quân đất nung. Khám phá này là chứng cứ chứng minh lần giao thoa đầu tiên giữa hai nền văn minh Trung Quốc và phương Tây trong lịch sử.
Phát hiện này chứng minh đội quân đất nung trong mộ vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa được tạo dựng với sự giúp đỡ của người phương Tây, với nguồn cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại.
Nghi ngờ đầu tiên là việc ngôi mộ “lớn hơn nhiều so với tưởng tượng”. Ngôi mộ rộng 38 m2, lớn hơn thung lũng các vị vua của Ai Cập 200 lần, với hai lối ra vào.
Các chuyên gia vô cùng hứng thú với sự phát hiện ADN cho thấy người phương Tây đã sống dưới thời của Tần Thủy Hoàng, từ năm 259 đến 210 trước Công nguyên.
TS Li Xiuzhen, nhà khảo cổ học tại bảo tàng Lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng, cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng về mối quan hệ gần gũi giữa hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa và người phương Tây, trước khi Con đường tơ lụa hình thành. Thời điểm này sớm hơn chúng tôi tưởng.”
Đội quân đất nung được phát hiện vào năm 1974 gần Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: The Sun)
Bằng chứng được nhắc đến chính là phong cách của các tượng đất nung, bởi “không tồn tại phong cách đắp tượng to bằng người thật tại Trung Quốc” trước đó.
TS XiuZhen cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng đội quân đất nung, nghệ thuật biểu diễn nhào lộn và các tác phẩm điêu khắc bằng đồng được tìm thấy khi khai quật mộ chính là lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật Hy Lạp cổ đại.”
Các phát hiện khác bao gồm vài bộ xương của phụ nữ trẻ bị hư hỏng, được chôn cùng với đồ trang sức vàng, ngọc trai quý giá, có thể là các quý phi; hộp sọ của một người đàn ông trẻ bị mũi tên đâm xuyên, có thể là hoàng tử Doanh Phù Tô, con trai cả của vua Tần Thủy Hoàng.
GS Lukas Nickel, chủ tịch bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật châu Á thuộc Đh Viên, tin rằng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chịu ảnh hưởng từ sự xuất hiện của tượng Hy Lạp ở Trung Á trong thời kỳ sau trị vì của Alexander Đại đế.
“Tôi nghĩ rằng một nhà điêu khắc Hy Lạp có thể đã đến đây và hướng dẫn cho người dân địa phương” - ông nói.
Tác giả bài viết: An Miên