Nghe tin NSND Thế Anh qua đời, ai nấy đều sửng sốt. Một NSND 81 tuổi di chuyển khắp nơi trong thành phố vẫn bằng xe máy như ông mà qua đời đột ngột, không sửng sốt sao được. Vậy là gia đình ông mất một người thân, điện ảnh Việt Nam đã tắt thêm một ngôi sao, những đồng nghiệp cùng thời như NSND Trà Giang, NSND Lý Huỳnh… mất thêm một người bạn. Năm nào cũng vậy, cứ đến tiệc sinh nhật nghệ sĩ Lý Huỳnh là có mặt ông. Mỗi năm trôi qua, bữa tiệc sinh nhật của nghệ sĩ Lý Huỳnh vắng dần những người bạn đồng nghiệp thân thiết: NSND Đoàn Dũng, NSND Huy Thành và nay là NSND Thế Anh.
Nghệ thuật là định mệnh
Có những con người không sinh ra trong gia đình nghệ thuật nhưng định mệnh sắp đặt để họ bước vào con đường nghệ thuật và rồi sự nghiệp thăng hoa. Nghệ sĩ Thế Anh là một trường hợp như vậy. Sau 2 năm sống trong quân ngũ, ông thi vào Trường Sư phạm Hà Nội để làm thầy giáo dạy toán nhưng lại bỏ học để thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, lúc ấy đang mở khóa diễn viên đầu tiên. Có 600 người dự tuyển, trường lấy 30 người, trong đó có ông.
Lúc về già, NSND Thế Anh vẫn yêu đời, lạc quan Ảnh: TƯ LIỆU |
Nghệ sĩ Thế Anh nói thật tình lúc đó ông chưa hiểu gì về nghệ thuật, việc chọn nghệ thuật như là một cách "để tự tìm lối thoát cho đời mình". Nhưng vì sao phải tìm lối thoát cho đời mình thì ông không nói, kể cả người thân. Những người bạn thân nhất của ông như nghệ sĩ Đoàn Dũng cũng chỉ hiểu nôm na là ở cái thời nặng chủ nghĩa lý lịch, một người có phần khai về cha không rõ thì khó lòng thăng tiến, ngoại trừ đi làm nghệ thuật.
Nghệ sĩ Thế Anh kể năm ông 3 tuổi, cha ông đỗ học bổng sang Pháp học bác sĩ rồi biệt tích. Sau này, qua một vị lãnh đạo, ông đã liên lạc được với cha của mình nhưng cho đến khi cha ông mất, hai cha con vẫn không gặp mặt nhau.
Sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ Thế Anh bắt đầu là những vai diễn trên sân khấu Đoàn Kịch nói trung ương nhưng vụt sáng thành diễn viên ngôi sao là qua vai diễn điện ảnh: Trung úy Phương trong phim "Nổi gió" của đạo diễn Huy Thành. Đó là năm 1964. NSND Thế Anh rất tự hào về vai diễn này. Ông kể đã qua 12 người thử vai nhưng không ai đạt, đến lượt ông, khi khoác vào bộ quân phục của sĩ quan chế độ Sài Gòn, đạo diễn Huy Thành và những người tham gia thử vai kêu lên: nhân vật trung úy Phương đây rồi!
Trong sự nghiệp diễn xuất của nghệ sĩ Thế Anh có hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ, đủ các dạng, cả trên sân khấu lẫn điện ảnh nhưng ông tâm đắc nhất vẫn là vai trung úy Phương (khi về già, đi đâu được ai nhắc đến trung úy Phương, ông cũng hay nói tiếu lâm: "Bây giờ là Trung úy Phường"); vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu" của đạo diễn Hải Ninh, đóng chung với nghệ sĩ Trà Giang, năm 1977. Sau này, ông có thêm vai chúa Trịnh Sâm trong phim "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn Hải Ninh, sản xuất năm 1989, cũng là vai tâm đắc của ông.
Đau đáu với nền điện ảnh nước nhà
Thập niên 1990, điện ảnh Việt Nam lâm vào khủng hoảng, phim thị trường gắn mác "mì ăn liền" kéo nghệ thuật điện ảnh xuống đáy. Những nghệ sĩ làm phim thời bao cấp như ông rơi vào tình trạng mất thăng bằng. Ông tiếp tục tham gia một số bộ phim truyền hình: "Giao thời", "Dốc tình", "Hoa dã quỳ", "Xin lỗi tình yêu", "Tiếng cuốc đêm khuya"... và một, hai phim nhựa của đạo diễn Huy Thành như "Người học trò đất Gia Định xưa" rồi gần như ở ẩn.
"Điện ảnh của chúng ta bây giờ đang bị nghiệp dư hóa. Ngày xưa, các thành phần trong đoàn làm phim được học hành bài bản, còn bây giờ ai cũng có thể làm đạo diễn, cũng có thể thành diễn viên ngôi sao" - nghệ sĩ Thế Anh từng nhận xét và cho biết đó là lý do ông không thể đến với điện ảnh, mặc dù khát khao có thêm vai diễn để đời.
Năm 1992, đạo diễn P. Schondoeffer đến Việt Nam làm phim "Điện Biên Phủ", mời nghệ sĩ Thế Anh vào vai Ông Cọp - một Hoa kiều làm cá cược chính trị. Ông mừng lắm vì được làm nghề đúng nghĩa. "Đóng phim "Điện Biên Phủ", tôi càng thấy thấm thía và đau lòng cho điện ảnh Việt Nam, họ chuyên nghiệp đến từng công việc nhỏ nhặt nhất" - nghệ sĩ Thế Anh bày tỏ.
Nghệ sĩ Thế Anh đồng ý với tranh luận cho rằng đối với diễn viên, năng khiếu là yếu tố hàng đầu nhưng theo ông, chỉ năng khiếu thôi sẽ không giữ được nghề diễn lâu dài, nếu không được đào tạo, không rèn luyện, đầu tư kiến thức. Ông nhận mình chỉ có một phần tài năng, còn những gì đạt được là nhờ phấn đấu và học hỏi.
Ông đau đáu với nền điện ảnh Việt Nam nhưng không biết phải làm gì hơn. Làm đạo diễn ư? Nghệ sĩ Thế Anh bảo nếu ông trở thành đạo diễn thì chẳng ai dám mời vì khó tính và đòi hỏi chuẩn mực rất cao, lại sợ làm phim kiểu hàng chợ. Muốn làm theo ý mình, ông phải bỏ tiền mà tiền thì không thể có.
Thực sự là nghệ sĩ của nhân dân
Mang danh hiệu NSND nhưng không phải ai cũng được nhân dân biết đến. Lý Huỳnh, Thế Anh, Trà Giang... chắc chắn không nằm trong số ấy. Dù không xuất hiện trên phim hàng chục năm qua nhưng đi đến đâu, ai cũng nhận biết ra họ. Một lần trong chuyến đi dự liên hoan phim quốc gia từ Hà Nội trở về, trên chuyến bay đến TP HCM hôm đó có đạo diễn Huy Thành, nghệ sĩ Trà Giang, nghệ sĩ Thế Anh và tôi. Ban tổ chức liên hoan phim mua vé máy bay cho chúng tôi ngồi chung nhau ở khoang phổ thông. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, có 2 hành khách nữ từ khoang thương gia xuống mời nghệ sĩ Thế Anh và nghệ sĩ Trà Giang lên khoang thương gia cùng ngồi với họ. Khi xuống sân bay, tôi hỏi nghệ sĩ Thế Anh 2 người đó là ai thì ông bảo cũng không quen trước đó, chỉ là khán giả ái mộ nghệ sĩ thôi! Ông tỏ ra sung sướng: "Đời nghệ sĩ như thế là diễm phúc!".
NSND Thế Anh ra đi là một mất mát cho điện ảnh Việt Nam nhưng những vai diễn để đời của ông: Trung úy Phương, Ba Duy... sẽ sống mãi trong lòng công chúng yêu điện ảnh. Vĩnh biệt ông!
Để lại hàng trăm vai diễn NSND Thế Anh (Nguyễn Thế Anh) - sinh ngày 3- 4-1938 tại Từ Liêm, Hà Nội - tạ thế tại TP HCM ngày 29-9, sau một cơn đau tim. Ở sân khấu, ông đã để lại những vai diễn ấn tượng: tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong "Nila - Cô bé đánh trống trận", bác sĩ Hải trong "Đôi mắt", chàng thủy thủ Rubakov trong "Chuông đồng hồ điện Kremlin", cố vấn Mỹ trong "Anh Trỗi", sĩ quan tình báo trong "Hoa anh túc" và những vai khác trong "Âm mưu và tình yêu", "Khúc thứ ba bi tráng", "Vụ án Eroxtrat", "Đại đội trưởng của tôi", "Othello", "Bài ca Điện Biên", "Người cha thô bạo", "Hòn đảo thần Vệ Nữ"... Ở lĩnh vực điện ảnh, ngoài vai trung úy Phương trong " Nổi gió", vai Ba Duy trong "Mối tình đầu", ông còn có vai Dư trong "Đường về quê mẹ", tiểu đoàn trưởng pháo binh trong "Em bé Hà Nội", vai biệt kích ngụy trong "Không nơi ẩn nấp", vai đức cha trong "Ngày lễ Thánh", vai Trịnh Sâm trong "Đêm hội Long Trì", vai Vĩnh Quán trong "Tự thú trước bình minh" và các vai trong các phim: "Lưu lạc và trở về Sam Sao", "Hồi chuông màu da cam", "Vụ án Hồ Con Rùa", "Người trong cuộc", "Gánh xiếc rong"... Vai Ba Duy trong "Mối tình đầu" giúp ông giành được giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V năm 1980. Năm 1984, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; năm 2001, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Linh cữu NSND Thế Anh quàn tại Nhà Tang lễ TP (số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3). Theo thông báo ban đầu từ gia đình, lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 1-10. Lễ truy điệu lúc 5 giờ 30 phút ngày 3-10, sau đó hỏa táng tại Phúc An Viên (quận 9, TP HCM); chiều cùng ngày sẽ đưa hũ cốt đến Nghĩa trang TP (quận Thủ Đức, TP HCM). |
Tác giả: Hữu Thân
Nguồn tin: Báo Người lao động