Những năm tháng ấy, ba tôi đi làm xa, thời cuộc khó khăn cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, mọi lo toan ở nhà đều đặt lên đôi vai của bà. Cuộc sống cơ bần không người san sẻ công việc, cộng thêm sự hắt hủi của anh em bên chồng khiến bà cảm thấy tủi hờn, cay đắng nhưng vẫn cam chịu vì một phần đó là đức tính cam chịu của những con người xưa cũ.
Khoảng gần chục năm cuối đời, trước khi cuộc hôn nhân ấy kết thúc, ba tôi vì vấn đề sức khỏe trở về nhà làm nông với mẹ tôi. Tưởng chừng như mọi tủi hờn, nhọc nhằn ngày nào sẽ được bù đắp chút nào. Nhưng không, khi bố ở nhà được một thời gian rồi lâm vào cảnh rượu chè, như các cụ vẫn bảo “nhàn cư vi bất thiện”. Mà đã say thì đâu còn minh mẫn nữa. Khoảng thời gian ấy tôi cũng đã lớn, cũng hiểu được những biến cố gia đình xảy ra khi có một người đàn ông sáng xỉn chiều say, mọi gánh nặng trên vai người phụ nữ đã quá sức, cộng thêm gánh nặng về tinh thần khi ngày nào cũng bị ông la mắng chửi. Có những khi người đàn bà ấy muốn giải thoát, muốn vứt bỏ tất cả. Nhưng rồi như một bản năng vậy, bà gạt đi tất cả để tiếp tục sống, tiếp tục chăm lo cho một mẹ già và những đứa con.
Ảnh minh hoạ
Ba tôi sau gần 10 năm sống trong men rượu đã ra đi vì ma men. Sự ra đi của ông đến nay cũng đã hơn 3 năm rồi nhưng tôi không thấy đó là một sự giải thoát cho mẹ. Người phụ nữ ấy trở nên khó tính hơn, bảo thủ hơn, hay hờn dỗi với các con. Bởi với bà, những uất ức, đắng cay ngày xưa có đáng gì khi một mình cô đơn hiu quạnh. Người ngày đêm đầu gối má kề, người để nói chuyện ông tôi, chuyện ngày mai hàng xóm có cái đám cưới, chuyện sắp tới sẽ đi tìm mộ cho bác quá cố như thế nào... Con cái thì ngày một lớn khôn, chúng có gia đình riêng, hạnh phúc riêng. Và nhiều khi những tâm sự mẹ cha chúng không thấu hiểu được và bà cũng không mở lòng để tâm sự được. Sau sự ra đi của ông, bà luôn hồi tưởng về quá khứ, về quãng thời gian ít ỏi mà bà được ông chiều chuộng, nghĩ về những ưu điểm của ông ngày ấy. Chẳng biết phải nói sao, có những cái chỉ có người trong cuộc, từng trải rồi mới thấu hiểu hết.
Vậy đấy, có những mảnh ghép khi ở bên cạnh nhau thấy ràng buộc, thấy mất tự do... rồi thấy muốn rời bỏ nhau bởi đã quá mệt mỏi, quá chán chường. Nhưng đến khi vô tình số phận lấy đi một nửa mảnh ghép còn lại, ta lại thấy day dứt, đớn đau.
Vì vậy, nhân duyên đã nối chúng ta thành một sợi, đã hàn gắn hai mảnh ghép trái ngược bên nhau thì cũng nên trân trọng nó, có sóng gió hay đối lập về nhiều thứ cũng đừng vội nghĩ những điều tiêu cực. Cố gắng thấu hiểu, sẻ chia để nó tốt lên từng ngày thay vì buông bỏ. Bởi buông bỏ không dễ dàng giống như những thứ mà bạn nghĩ là cầm lên được lại có thể đặt xuống được.
Ai mà biết được mai sau sẽ ra sao? Nếu vẫn cần đến nhau, vẫn muốn yêu thương nhau hãy cứ mở lòng hơn nữa, nhìn vào những ưu điểm của nhau để mà lòng chắc mẩm “À! Thực tế thì anh ấy/cô ấy vẫn có những ưu điểm, hôn nhân của chúng ta vẫn còn những khoảng trời hạnh phúc dù nhỏ bé”. Đừng quá quan tâm vật chất, bớt nghĩ theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ nhận thấy rằng “Đôi khi hạnh phúc là có cơm để ăn và còn ở bên nhau”.
Tác giả: An Khê
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam