|
Nỗ lực giảm nghèo
Xuân Lương có 9/14 bản thuộc chương trình 135 (bản đặc biệt khó khăn). Hơn chục năm trước tôi có dịp lên đây, hình ảnh khó quên lúc ấy là con đường đất vào các bản luôn lầy lội và trơn trượt mỗi khi trời mưa.
Từ vùng đất khó giáp ranh với xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Xuân Lương hôm nay đang có sự bứt lên mạnh mẽ từ kinh tế nông, lâm nghiệp. Đoạn đường nhựa 7 km từ ngã ba ông Quán tới bản Xoan được xây dựng hai năm trước từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho việc đi lại, giao thương được thuận lợi hơn rất nhiều.
Xuân Lương cũng được biết đến là nơi có phong trào hiến đất cho xây dựng đường sá, trường học, sân vận động, nhà văn hóa, công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ hai năm gần đây đã có hơn 18 nghìn m2 đất và hơn 1 nghìn ngày công được nhân dân cống hiến xây dựng các công trình. Đến nay 12/19 tiêu chí nông thôn mới của xã đã hoàn thành và mục tiêu đến năm 2020 sẽ về đích.
Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến cùng tôi vào bản Ven, nơi có 146 hộ dân và 97% trong số đó thuộc dân tộc Cao Lan. Bản có diện tích chè lớn nhất xã (hơn 23 ha), cộng thêm 111 ha rừng trồng keo.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Trần Văn Kính thông tin: Hai năm trước, bản có hơn 60 hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 35 hộ, có kết quả này nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, sự mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây lâm, nông nghiệp. Cộng thêm đồng bào được hưởng một số chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo như cây, con giống, phân bón, vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng… đã tạo đà cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Những cánh rừng trồng keo cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, trồng chè cho thu nhập hơn 200 triệu/ha (sau khi đã trừ chi phí) là động lực để các gia đình nhận thêm đất phát triển kinh tế. Nhiều hộ thoát nghèo và trở lên khá giả. Bản Ven có 5 hộ mua được xe hơi nhờ nguồn thu nhập chính từ trồng rừng và chè.
Giá trị từ thương hiệu chè
Người dân Xuân Lương trồng chè mấy chục năm trước nhưng từ năm 2015, sau khi áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới và cách làm chuyên nghiệp nên năng suất, chất lượng chè đã được nâng lên.
Việc xây dựng thành công thương hiệu chè bản Ven đã làm tăng giá trị sản phẩm. Từ vài chục ha, đến nay diện tích chè trong xã phát triển lên 245 ha, năng suất thời điểm cao nhất đạt 15 tấn/ha (cao gấp đôi so với bình quân chung toàn huyện Yên Thế).
Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến cho biết: “Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi chỉ bán được 12 nghìn đồng mỗi kg, sau khi xây dựng thương hiệu (năm 2015) giá tăng lên 60 nghìn đồng.
Bởi thế nhân dân Xuân Lương vẫn nói vui “Tiền không phải là lá nhưng nay lá lại là tiền”, thậm chí lá chè tươi già ở đây vẫn bán được 30 nghìn đồng/kg, đồng bào hái chè thuê mỗi người cũng có thu nhập hơn 200 nghìn đồng/ngày”. Mấy năm trước Xuân Lương không có những đồi chè rộng và đẹp mắt vì người dân trồng chè xen lẫn các loại cây khác, được sự vận động của chính quyền giờ đây bà con đã phá bỏ cây tạp để chuyên canh chè.
Ông Khuyến cũng cho biết, dù chè là cây chủ lực song địa phương vẫn chưa hài lòng với những gì đã có khi giá chè khô cao nhất ở Xuân Lương mới đạt 40 USD/kg, kém xa so với các sản phẩm chè của những quốc gia lân cận.
Việc nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm đã đặt ra nhiều bài toán cho chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp trong việc áp dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản và trước mắt sẽ là thay đổi thói quen sao chè bằng than củi sang điện khi trạm điện 3 pha chuẩn bị đi vào hoạt động.
Xuân Lương cũng được ngành chuyên môn, du khách đánh giá có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái kết hợp mô hình homestay (du lịch cộng đồng), nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đã tham gia các tour du lịch trải nghiệm ở đây. Toàn xã đã có 7 nhà sàn dân tộc Cao Lan làm cơ sở lưu trú cho khách, cộng thêm cảnh quan thiên nhiên, những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ tạo sức hấp dẫn với du khách. |
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại