Green Falcon là công trình của nhà thiết kế Christopher Paris Lacson và nhóm cộng sự Banatti. Chiếc xe sử dụng khung xe tiêu chuẩn thông thường, phù hợp với mô-tơ điện 3,3 kW (4,4 mã lực) và bộ pin lithium-ion 48V. Đây là loại hệ thống truyền động có thể dễ dàng tìm thấy trong những chiếc xe máy điện Trung Quốc hay bất kỳ chiếc xe đạp điện thông thường nào.
Mặc dù Green Falcon có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 110 km/h, nhưng nhóm nghiên cứu Banatti đã thiết kế một bộ xích khổng lồ phía sau, nhằm hạ tốc độ của xe xuống khoảng 65 km/h để phù hợp lưu thông trong thành phố. Phía trên khung gầm là phần thân ghép bằng tre uốn cong, tạo ra một vẻ bề ngoài trau chuốt.
Tre được uốn cong theo phần khung gỗ, sau đó phủ sơn epoxy chống thấm, tạo độ cứng. Nhà thiết kế Christopher Paris Lacson nhấn mạnh, vỏ bằng thân tre nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo dáng vẻ mạnh mẽ, ấn tượng và mang lại cảm giác thân thiện với môi trường.
Để tận dụng lợi thế hoạt động điện yên tĩnh của Green Falcon, nhóm nghiên cứu đã cung cấp một hệ thống âm thanh JBL nhỏ gọn giúp người dùng dễ dàng hòa mình vào những dòng nhạc sôi động ngay trên đường phố.
Yên xe bọc da được thiết kế theo kiểu yên ngựa đơn giản, còn cụm đồng hồ được thiết kế nằm lọt bên trong một khoang chứa nhỏ hình trụ nằm ở vị trí giống như bình xăng của các xe phân khối lớn.
Nhóm nghiên cứu Banatti có kế hoạch sẽ sản xuất thủ công 111 chiếc Green Falcon sau khi có được giấy phép lưu thông, với giá bán dự kiến khoảng 21.000 USD.
Tuy nhiên, mục tiêu của nhà thiết kế Christopher Paris Lacson không dừng lại ở đó. Anh hy vọng thông qua chiếc xe độc đáo sẽ thu hút sự chú ý của xã hội, và bước tiếp theo sẽ tạo nên phiên bản tre của những chiếc xe jeepney (ảnh dưới) - phương tiện giao thông công cộng phổ biến và cũng là biểu tượng đặc trưng của đất nước Philippines.
Tác giả: Gia Bảo
Nguồn tin: Báo Dân trí