Năm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ kỷ niệm 20 năm ngày Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đang được chuẩn bị phục vụ du khách trong dịp kỷ niệm
Mỗi ngày, hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di sản văn hóa Mỹ Sơn. Nhiều đền tháp ở đây đã được trùng tu, bảo tồn theo nguyên bản. Hiện công tác trùng tu các tháp Chăm đổ nát vẫn đang được tiến hành
Đây là vùng lõi Thánh địa Mỹ Sơn. Du khách tham quan vùng lõi trước tiên và sau đó là các nhóm tháp khác ở xung quanh. Hiện nhiều tháp đang được chuyên gia trùng tu, trong đó có các chuyên gia đến từ Ấn Độ
Nhiều nguyên thủ quốc gia đã từng đến tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Cuối năm 2018, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân đã có chuyến tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn và trồng cây bồ đề lưu niệm tại đây
Trung tâm của vùng lõi di sản văn hóa Mỹ Sơn. Trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều đền tháp đã bị hư hỏng, xuống cấp; tuy vậy những gì còn tồn tại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới. Nhiều tầng văn hóa ở Mỹ Sơn vẫn chưa được khám phá hết
Càng khám phá Mỹ Sơn, các chuyên gia càng phát hiện ra nhiều cái mới nằm trăm năm dưới mặt đất. Những phát hiện trong vài năm qua được nhiều nhà khoa học chú ý, như một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất tại khu tháp K. Hiện công tác nghiên cứu những bí ẩn ở Mỹ Sơn vẫn đang được tiến hành
Để phục dựng các phế tích ở Mỹ Sơn, các chuyên gia phải tìm kiếm vật liệu đúng như hàng trăm năm trước đã được người Chăm dùng để xây dựng tháp. Như gạch, hồ dính… được nghiên cứu, chế tạo riêng cho việc trùng tu tháp Mỹ Sơn
Năm 1885, khu đền tháp Mỹ Sơn được phát hiện bởi một toán lính Pháp. Năm 1898 - 1899, hai nhà nghiên cứu người Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier tới đây với mục đích nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Những năm 1903-1904 với những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc được hoàn thành. Những khu tháp Chăm cổ hàng trăm năm, dù trải qua thời gian và tàn phá của thiên nhiên, bom đạn nhưng nhiều tháp vẫn sừng sững
Trầm tư, mê hoặc du khách bởi kiến trúc Chăm. Nơi đây có tới 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa. Tất cả được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua
Khi đến tham quan Mỹ Sơn, du khách sẽ được thưởng thức màn múa Chăm ngay dưới chân tháp cổ
Bắt đầu từ ngày 1/6/2017, Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã tăng thêm một suất diễn trong chương trình văn nghệ dân gian Chăm tại đây. Cụ thể, suất 1 biểu diễn lúc 9h15, suất 2 lúc 10h45, suất 3 lúc 14h và suất 4 (tăng thêm) diễn ra lúc 15h30
Đưa múa Chăm vào hoạt động, Mỹ Sơn tạo thêm sản phẩm mới để thu hút du khách. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể chụp ảnh lưu niệm với diễn viên tại khu du tích
Những điệu múa Chăm huyền ảo ở Mỹ Sơn. Có lẽ thú vị nhất khi đến Mỹ Sơn là lúc hoàng hôn buông dần xuống những tháp cổ mới có thể thấy hết được vẻ đẹp huyền bí của phế tích này. Dưới ráng chiều đỏ rực, những ngôi tháp cổ trở nên lung linh, huyền ảo với những điệu múa của nàng vũ nữ Apsara làm say đắm lòng người hơn
Múa Chăm trong nhà. Sau khi thưởng thực múa Chăm dưới chân tháp cổ, du khách có thể thưởng thức múa Chăm trong nhà. Mỗi nơi, du khách cũng sẽ được thưởng thức những đặc sắc khác nhau của điệu múa Apsara huyền thoại
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí