Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình tham nhũng. |
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (13/11), Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho biết, mặc dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.
Theo đại biểu Trần Hồng Hà, một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.
"Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân", đại biểu nói.
Trước đó, thảo luận tại tổ hôm 12/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, ông thấy rằng, có hiện tượng cố tình nhũng nhiễu để chung chi, lót tay. Hiện tượng đó trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và một số ngành, trong đó có thuế là có.
Đại biểu Nghĩa cho hay, nhiều doanh nghiệp chỉ mong muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách tiện lợi, đỡ mất thời gian.
"Đặc biệt nhóm FDI mà tôi biết. Những người này lót tay vài ba trăm ngàn họ cũng không thể chấp nhận được vì luật của họ, họ vẫn phải tuân thủ luật của nước họ và luật này tuyệt đối cấm hối lộ. Họ nói, chẳng thà anh bảo tôi đóng thêm một cái gì chính thức có hoá đơn tôi sẵn sàng đóng, chi phí hải quan, chi phí thuế gì đó tôi sẵn sàng đóng nhưng bắt tôi đưa phong bì, dưới gầm bàn cho nhanh chóng, dễ dàng thì họ không làm được", ông Nghĩa dẫn chứng.
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng thẳng thắn nêu rõ, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
"Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương", báo cáo của Chính phủ nêu.
Còn tại báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng tình với nhận định Chính phủ là tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí