Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành lấy ý kiến cho hoạt động lại lò giết mổ thủ công của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (lò Xuân Thới Thượng-XTT) - bị đình chỉ vì xây dựng sai phép năm 2016. Quyết định này lập tức bị các doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại phản đối quyết liệt, và khẳng định sẽ ngưng đầu tư hoặc rút khỏi TP HCM…
Trong lá đơn kiến nghị khẩn gửi các cơ quan chức năng dài 11 trang sáng 13/11, ông Bạch Đăng Quang, Phó giám đốc HTX Tân Hiệp, một trong 6 dự án được TP HCM quy hoạch xây nhà máy giết mổ công nghiệp cho rằng, nếu cho phép mở lại lò thủ công XTT sẽ đi ngược lại chủ trương hiện đại hoá các lò thủ công bằng các nhà máy giết mổ hiện đại của thành phố; bất công cho môi trường đầu tư, tạo tiền lệ xấu, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này làm thiệt hại cho các nhà đầu tư các nhà máy công nghiệp vì họ đã mất một khoảng thời gian quá dài (gần 10 năm để theo đuổi dự án và bỏ tiền mua máy móc hiện đại), bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng đầu tư.
Ngoài ra, việc cho phép lò XTT hoạt động sẽ không giúp giảm lượng thịt nhập; không làm tăng được thu nhập cho người chăn nuôi do nhà máy không có hệ thống kho lạnh đảm bảo xử lý lượng heo tồn dư trong dân.
“Người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ thịt heo không đạt vệ sinh. Ở đây chúng tôi không nói đến chất cấm vì giết mổ thủ công rất dễ nhiễm vi sinh, đặc biệt là Samonella và Ecoli nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm từ 2 loại vi khuẩn này rất cao”, ông Quang quả quyết.
Các doanh nghiệp giết mổ công nghiệp cho rằng nếu TP HCM cấp phép lại cho lò mổ Xuân Thới Thượng, họ sẽ tạm dừng hoạt động hoặc chuyển sang địa bàn khác vì tạo ra sự cạnh tranh không minh bạch. Ảnh minh họa: Minh Quân |
Không chỉ có HTX Tân Hiệp bức xúc, sáng 13/11, Công ty TNHH Dịch Vụ An Hạ, chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp công suất 3.000 con một ngày và Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An - chủ đầu tư nhà máy giết mổ tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) cũng có đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, yêu cầu không cho phép lò thủ công XTT hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc công ty An Hạ cho hay, theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động vào cuối năm 2017. Nhưng nhiều thời gian qua, An Hạ và các chủ đầu tư khác đã mất quá nhiều thời gian để lo thủ tục, hồ sơ pháp lý nên chưa thể đưa vào hoạt động. Nay Sở Nông nghiệp lại đề xuất cho mở lại lò thủ công khiến các nhà đầu tư bất an, lo lắng.
“Chúng tôi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây nhà máy hiện đại là tuân thủ theo chủ trương của Thành phố. Nếu cho mở lại lò thủ công XTT, chắc chắn chúng tôi sẽ ngưng đầu tư hoặc chuyển về tỉnh làm vì môi trường đầu tư ở Thành phố quá bất an, không bình đẳng”, bà Thắm khẳng định.
Trong khi đó, ông Bạch Đăng Quang, Phó giám đốc nhà máy Tân Hiệp cũng thông tin doanh nghiệp này sẽ tính toán lại nếu thành phố cho phép những dây chuyền giết mổ thủ công hoạt động.
“Trong cuộc họp 8/11 vừa qua liên quan đến báo cáo tiến độ xây dựng các nhà máy hiện đại, chủ đầu tư nhà máy XTT đã thông báo xây xong phần thô nhà máy hiện đại, tháng 1 năm sau sẽ hoạt động. Vậy cớ gì từ nay đến lúc đó còn hai tháng nữa họ vẫn đeo đuổi đòi mở lại lò thủ công không đạt tiêu chuẩn?”, ông Quang đặt vấn đề.
Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn cũng là một trong 6 doanh nghiệp được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, thay vì tập trung làm nhà máy công nghiệp, năm 2015 công ty đã tiến hành xây cơ sở giết mổ thủ công không phép ngay trong khu đất của nhà máy công nghiệp. Tháng 5/2016, UBND xã Xuân Thới Thượng đã ra quyết định đình chỉ thi công, buộc phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở này. Tuy nhiên, lò vẫn tồn tại và từ đó đến nay, chủ đầu tư liên tục có đơn thư thúc ép các cơ quan chức năng cho mở lò thủ công này.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu hội đồng nhân dân tháng 6/2017, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp cũng khẳng định Thành phố đã đi gần đến đích thực phẩm an toàn thông qua quy trình giết mổ công nghiệp. Nhưng Công ty CP thực phẩm Hóc Môn lại chậm triển khai dây chuyền giết mổ công nghiệp. Ngoài ra, ông Trung còn nói thêm ông rất tâm tư khi nhiều lần công ty này gửi kiến nghị lên yêu cầu được mở lò thủ công thì các chủ đầu tư khác đang xây dựng dây chuyền giết mổ công nghiệp phản ứng. Họ nói nếu Sở đồng ý cho công ty Hóc Môn làm thủ công thì họ sẽ dừng dự án giết mổ công nghiệp.
“Nếu đánh đổi cho một công ty mà TP không thực hiện được quy hoạch giết mổ công nghiệp thì đó là điều đáng tiếc và bản thân tôi thấy có lỗi với người dân và lãnh đạo Thành phố. Cho nên tôi vẫn kiên quyết đề nghị Công ty Hóc Môn tập trung xây dựng lò mổ công nghiệp”, ông Trung phát biểu trước các đại biểu hội đồng nhân dân.
Ngày 1/7 vừa qua, UBND TP HCM cũng ra văn bản không đồng ý cho Công ty CP thực phẩm Hóc Môn hoạt động lò giết mổ thủ công tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Tác giả: Đặng Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress