Kinh tế

Doanh nghiệp dăm gỗ lại vướng vì “bảo hộ” vùng nguyên liệu

Các DN chế biến dăm gỗ và lĩnh vực lâm sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rơi vào tình trạng phải đóng cửa nhà máy chế biến bởi, chính sách bảo hộ độc quyền vùng nguyên liệu cho những DN lớn của chính quyền tỉnh thời gian gần đây.

Trung bình mỗi đêm, lượng gỗ keo được vận chuyến từ Nghệ An ra Thanh Hóa tiêu thụ lên tới hàng ngàn tấn.


Với diện tích đất có rừng lên tới hơn 985.137 hecta, Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên rừng trù phú của cả nước.

Nông dân tính chuyện bỏ rừng

Thế nhưng, điều đáng nói, hiện nay, người nông dân trồng rừng tại một số huyện của tỉnh này, lại đang tính tới bài toán bỏ rừng vì gỗ trồng đến mùa thu hoạch bị ép giá hoặc không có thị trường tiêu thụ.

Một nông dân trồng rừng tại huyện Nghĩa Đàn chia sẻ với PV DĐDN rằng, cây keo khai thác hiệu quả nhất (về giá trị kinh tế cũng như chất lượng) với vòng tuổi đời từ 4- 5 năm. Thế nhưng, hiện nay, có những diện tích keo của gia đình đã trồng tới 7 năm nhưng không thể thu hoạch vì không có người mua, hoặc nếu mua thì lại bị ép giá. Trong khi đó, thu nhập chủ yếu của gia đình nhờ vào 6 hecta trồng keo. Tiền vay ngân hàng thì lãi mẹ đẻ lãi con, giờ đây, người nông dân này không còn thiết tha với nghề trồng rừng và đang tính tới bài toán bỏ rừng đi địa phương khác kiếm sống.

Cùng chung cảnh ngộ, với diện tích gần 30.000 hecta rừng, nhưng các hộ nông dân tại huyện Tân Kỳ cũng đang phải tự “vật lộn” tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bởi lẽ, theo chia sẻ của anh Võ Duy Thuận, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, với hàng trăm hecta trồng rừng, nhưng thị trường tiêu thụ gỗ chủ yếu của gia đình anh lại chính là thị trường Thanh Hóa. Trung bình mỗi đêm, lượng gỗ keo được vận chuyến từ Nghệ An ra Thanh Hóa tiêu thụ lên tới hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, với cung đường vận chuyển xa, trừ cước phí đường bộ, cầu phà, khấu hao xe… giá trị thu về mỗi tấn gỗ là rất thấp. Trong khi đó, theo anh Thuận một số DN đóng trên địa bàn tỉnh như: Cty TNHH Thanh Thành Đạt hay Cty chế biến gỗ Nghệ An lại ép giá thu mua nên anh cũng như các hộ nông dân trồng rừng ở huyện Tân Kỳ phải vận chuyển gỗ ra tỉnh ngoài để tiêu thụ.

DN “nhụt” chí đầu tư

Điều đáng nói, trong khi, người dân đang rất “khát” thị trường tiêu thụ, còn các DN có tâm huyết muốn về đầu tư nhà máy chế biến gỗ để “gỡ” khó cho nông dân thì chính quyền tỉnh lại đưa ra chính sách “bảo hộ nguyên liệu” cho số ít những DN lớn đã và đang đóng trên địa bàn. Điều này, vô hình trung, làm nản lòng nhà đầu tư. Đáng nói, tỉnh sẽ thất thu một nguồn ngân sách khá lớn khi các hộ trồng rừng phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại tỉnh ngoài.

Đặc biệt hơn, theo nguồn tin riêng của DĐDN, vì chính sách bảo hộ nguyên liệu cho những DN lớn, thời gian gần đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ra nhiều văn bản (CV số 9034/UBND-CNTM; Công văn số 9444/UBND-CNTM; Quyết định số 2008/UBND-CNTM…) yêu cầu các DN nhỏ trong lĩnh vực chế biến dăm gỗ và sản phẩm lâm sản trên địa bàn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư phải dừng hoạt động để quy hoạch “lại” vùng nguyên liệu. Nhưng trên thực tế, vùng nguyên liệu tại một số huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… lại quá dư thừa để các DN có thể cạnh tranh. “Chính sách bảo hộ vùng nguyên liệu cho những DN lớn là một trong những “nút thắt cổ chai” cho DN kế sau muốn đầu tư nhà máy chế biến trên địa bàn”- đại diện lãnh đạo huyện Tân Kỳ chia sẻ.

Đồng tình, ông Nguyễn Nghĩa Huy – Giám đốc Cty TNHH Chế biến lâm sản Hoàng Huy cho rằng, mặc dù đã có đăng ký kinh doanh và giấy quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh số 2878 cấp ngày 22/6/2016, nhưng Cty thường xuyên phải bổ sung về mặt thủ tục hành chính sau mỗi đợt có đoàn về kiểm tra. Điều này, khiến cho DN mất khá nhiều thời gian về mặt hoàn thiện các thủ tục và dẫn đến công việc sản xuất bị ngưng trệ. Tính đến thời điểm hiện nay, khi Cty mới đi vào sản xuất chưa được một năm, nhưng đã thua lỗ ước tính 700 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ đối với DN khởi nghiệp. “Với những chính sách không nhất quán, bảo hộ độc quyền trong ngành gỗ lâm sản của chính quyền tỉnh thời gian qua đang vô hình chung đi ngược với chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ” – ông Huy nhấn mạnh.

Được biết, theo quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tỉnh Nghệ An đã xây dựng các chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất cho các DN chế biến gỗ đầu tư sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm (liên kết dọc), từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định, cân đối cung cầu sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như việc truy suất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ và chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tinh chế, cạnh tranh trên thị trường nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…

Chiến lược quy hoạch phát triển là vậy, nhưng thực tế triển khai như thế nào lại là dấu hỏi cần lời giải đáp của các ban ngành địa phương ?

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chế biến gỗ xuất khẩu sẽ là một trong những mũi nhọn kinh tế với tỉnh Nghệ An nếu như chính quyền tỉnh có chính sách cởi mở khuyến kích thu hút đầu tư, thu hút các DN ngoại tỉnh có tiềm lực về lĩnh vực gỗ lâm sản. Cùng với đó, về lâu dài, Nghệ An cần có cơ chế nhanh chóng xây dựng chợ gỗ đầu mối ở khu vực để phục vụ các DN nhập khẩu, tổ chức thu mua gỗ nguyên liệu nội địa, cung ứng cho các DN sản xuất. Việc hình thành các chợ cung cấp gỗ cho DN, sẽ giúp họ tự do cạnh tranh bình đẳng về giá cả và chất lượng, giúp người nông dân được hưởng lợi về giá cả, thị trường tiêu thụ ổn định, tạo thêm động lực để họ “bám” rừng. Đây chính là bài toán mà Nghệ An cần tính tới nếu muốn phát triển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Nghệ An cần có cơ chế nhanh chóng xây dựng chợ gỗ đầu mối ở khu vực để phục vụ các DN nhập khẩu, tổ chức thu mua gỗ nguyên liệu nội địa, cung ứng cho các DN sản xuất.

Tác giả bài viết: Nhật Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok