Giáo dục

Đỗ tốt nghiệp 99%: Bệnh thành tích còn nguyên nên bỏ thi '2 trong 1'

Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT nhiều nơi lên đến 98-99%. Con số này làm tiếp tục dấy lên tranh luận về “bệnh thành tích” lâu nay trong ngành giáo dục và có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi này.

Nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở nhiều địa phương đạt 98-99%. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Bình Dương đạt 99,83%, Bến Tre là 99,06%, Bình Phước đạt 98,8%...

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: "Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy có phản ánh đúng chất lượng giáo dục". Ảnh:Internet

“Bệnh” thành tích vẫn nguyên!

Con số trên không làm cho những người quan tâm đến giáo dục bất ngờ. Bởi lâu nay, kết quả tốt nghiệp THPT nếu trượt nhiều mới là lạ, đỗ nhiều là bình thường! Tuy nhiên, kết quả này lại dấy lên tranh cãi về kết quả này có thực chất hay vẫn là câu chuyện “bệnh” thành tích của ngành giáo dục. Và một kỳ thi quy mô mà chỉ có rất ít thí sinh bị trượt thì có nên tiếp tục duy trì?.

Liên quan đến những vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia để có

Trao đổi với PV, TS.Lương Hoài Nam, một chuyên gia giáo dục độc lập thẳng thắn cho rằng: “Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 98-99% không phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Có nhiều người nói “bệnh thành tích trong giáo dục đang quay lại”, nhưng tôi cho rằng, nó có đi đâu đâu mà quay lại. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn nguyên như vậy. Với tỷ lệ trượt không đáng là bao thì nên bỏ bớt một mục tiêu thi hình thức để làm tốt mục tiêu thi vào đại học, cao đẳng.

Khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98-99% thì không cần kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo tôi, hãy để kỳ thi đó làm tốt một việc duy nhất là thi vào đại học, cao đẳng. Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi đã đề xuất 4 năm nay. Đừng 2-trong-1 nữa!”

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp phụ thuộc nhiều khâu. Thứ nhất là khâu ra đề, thứ 2 là khâu coi thi, chấm thi. Chấm thi trắc nghiệm khách quan kể cả là người chấm hay máy chấm thì tính chủ quan sẽ ít đi. Chính vì thế, chỉ cần đúng kết quả các em sẽ có điểm tuyệt đối cho câu hỏi nên dễ ăn trọn điểm hơn.

Tuy nhiên, điểm cao như vậy tôi thấy vừa mừng, vừa lo. Mừng là có thể kết quả đỗ cao là do thí sinh tốt hơn năm ngoái! Nhưng tôi lại thấy lo hơn nỗi mừng vui kia chính là liệu thang điểm như vậy đã chính xác chưa, cách ra đề đã đánh giá được thực chất năng lực của các em hay chưa. Đây là những băn khoăn mà bộ GD&ĐT cần ghi nhận để phân tích những mặt được và chưa được của một kỳ thi với quá nhiều điểm mới như năm nay”.

Khâu coi thi do các địa phương chủ trì có vấn đề?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nói thêm: “Tôi có thấy thông tin là một số tỉnh “bỗng dưng” lọt vào top các tỉnh có điểm trung bình cao trong top 15 cả nước. Điều đó có phải bất thường hay không? Tôi cho rằng, sau kỳ thi Bộ GD&ĐT phải làm rõ việc coi thi của các tỉnh này có bất thường hay không mà có kết quả này”.

Cũng liên quan đến kết quả đỗ tốt nghiệp cao năm nay, một chuyên gia giáo dục đã chia sẻ những phân tích khá thú vị về vấn đề này. Theo vị chuyên gia này, đầu tiên là đề thi phải đảm bảo được cho cả 2 đối tượng xét tốt nghiệp và vào ĐH, CĐ. Chính vì thế không thể ra một đề thi quá khó. Vị này cho rằng, phổ điểm cho thấy đã có sự phân hóa chứng tỏ đề tốt.

Theo vị này, bệnh thành tích không ở đề thi mà ở ngay trong chính sách cộng điểm trung bình lớp 12 để xét điểm tốt nghiệp THPT.

Vị này phân tích thêm, việc đưa kỳ thi về các địa phương chủ trì khâu coi thi kiểu gì cũng có vấn đề. Cụ thể, bảng xếp hạng điểm trung bình năm nay có một số tỉnh thành bất ngờ lọt vào top và ở vị trí cao. Theo vị này theo dõi, “lịch sử” 14 năm 3 chung có ưu điểm là coi thi cực kỳ nghiêm, kết quả này 14 năm không sai nửa li. Nhưng năm nay một số tỉnh như Bạc Liêu bỗng dưng lại lọt vào top đầu chứng tỏ coi thi có vấn đề. Còn một số tỉnh được coi là đất học, những năm 3 chung luôn năm trong top các địa phương có điểm trung bình cao lại rớt hạng. Có lẽ, nguyên nhân là vì các địa phương này coi thi nghiêm túc quá!

Vị này nêu quan điểm, kỳ thi này đúng là có giảm áp lực đi lại cho học sinh, phụ huynh. Và một kỳ thi mà tỷ lệ đỗ nhiều địa phương đến 98-99% thì cốt nhất là không nên tổ chức thi nữa mà tập trung vào việc dạy và học cho thực chất để xét tốt nghiệp.

Tác giả: Đỗ Thơm

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Bệnh thành tích , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok