CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố thông tin về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận cho công ty thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 100%. Với động thái này, rất có thể cơ cấu sở hữu DN do bà Phượng làm chủ tịch sẽ có biến động thời gian tới
Chứng khoán Bản Việt là công ty chứng khoán đứng thứ 2 trên thị trường tính theo giá trị vốn hóa. Công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch HĐQT. Chồng bà Phượng là Nguyễn Bảo Hoàng là thành viên HĐQT.
Chứng khoán Bản Việt hiện nằm top đầu trong nhiều mảng dịch vụ như: tư vấn tài chính, môi giới, tự doanh, thực hiện nhiều thương vụ nổi tiếng như trường hợp tư vấn niêm yết Techcombank.
Hiện tại, tỷ lệ NĐT nước ngoài nắm giữ tại VCI không được công bố nhưng giao dịch tăng sở hữu của nhóm cổ đông Dragon Capital gần đây cho thấy, riêng nhóm này đã nắm giữ hơn 9% cổ phần VCSC.
DN bà Nguyễn Thanh Phượng chờ biến động
Bên cạnh đó, còn nhiều nhóm cổ đông nước ngoài đang nắm giữ như KIMTC, Vietnam Holding, JPMorgan AM,...
Tổng tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng khá lớn và có thể tiếp tục tăng sau khi VCSC được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài lên.
Gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng có nhiều biến động thu hút sự chú ý của thị trường như vụ bán rẻ cổ phiếu cho người lao động trong công ty (ESOP) với giá ưu đãi, chỉ bằng gần 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán.
Đầu tháng 8, doanh nghiệp của bà Phượng thưởng đậm, tỷ lệ 35% cho cổ đông (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 35 cổ phiếu mới), với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 420 tỷ đồng. Qua đó, VCSC điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên gần 1.620 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và các nguồn khác trên BCTC kiểm toán đến ngày 31/12/2018.
Hồi đầu tháng 7, Chứng khoán Bản Việt tính vụ lớn 800 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành riêng lẻ 80.000 trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.
Bà Nguyễn Thanh Phượng hiện là người lèo lái con thuyền Chứng khoán Bản Việt khá thành công, lớn mạnh không ngừng với quy mô ngày càng rộng.
VCSC đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 tăng gần 26% so với năm trước lên hơn 1.000 tỷ đồng sau khi ước đạt lợi nhuận 400 tỷ đồng trong quý 1/2018 nhờ một loạt các hợp đồng giá trị lớn.
Doanh nghiệp này đang thực hiện các hợp đồng có giá trị lớn với giá trị giao dịch trên 40 ngàn tỷ đồng cho nghiệp vụ IB (nghiệp vụ ngân hàng đầu tư) trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, thủy sản, vật liệu xây dựng, bất động sản,...
|
VCSC có nhiều thương vụ đầu tư rất thành công. DN của bà Phượng hiện giữ gần 19 triệu cổ phiếu TCB với giá vốn chưa đến 10.000 đồng/cp cùng 2,5 triệu cổ phiếu MWG với giá vốn chỉ bằng 1/6 thị giá. Các khoản đầu tư này lãi vài trăm tỷ nhưng chưa hạch toán vào kết quả kinh doanh.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đã tăng room ngoại lên 100% để phục vụ những mục đích khác nhau. Dòng tiền nước ngoài vẫn đang tiếp tục đổ vào Việt Nam. Nhiều đại gia ngoại nhòm ngó doanh nghiệp Việt.
Kido Group của anh em gia tộc gốc Hoa Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên, hay Dược Hậu Giang (DHG), Thủy sản Minh Phú (MPC), PAN của ông Nguyễn Duy Hưng,.... đều đã thông qua phương án nới room ngoại lên 100%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng vốn ngoại bất ngờ đổ mạnh vào thị trường giúp niềm tin VN-Index chinh phục lại mốc 1.000 điểm trở nên cao hơn. Khối ngoại mua trên 314 tỷ đồng trong phiên ngày 28/8 với lực mua chủ yếu tập trung ở các mã vốn hóa lớn như HPG, SSI, VCB, VJC.
Vietcombank, VietJet, Hòa Phát,... là các cổ phiếu tăng mạnh và đóng góp lớn cho thị trường.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục dự báo khá tích cực.
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường vẫn trong trạng thái tăng trưởng ngắn hạn và có khả năng bứt phá vượt mốc 1.000 điểm trong phiên hôm nay. Kết quả tích cực từ đàm phán thương mại giữa Mỹ và Mexico cũng như tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng thương mại giữa Mỹ - Canada và Liên minh Châu Âu trong các cuộc đàm phán sắp tới và sự hỗ trợ mạnh mẽ của khối ngoại đã khiến thị trường tích cực.
VPBS duy trì quan điểm thị trường có thể tiếp tục tăng điểm trong những phiên tới với nhận định mặt bằng định giá rẻ ở cổ phiếu khi so sánh tương quan với thị trường khu vực trong khi tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nội vẫn rất khả quan.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, VN-index tăng 3,27 điểm lên 995,19 điểm; HNX-Index tăng 0,62 điểm lên 112,24 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 51,28 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet