Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, trong một hội thảo mới đây ở Australia đã khẳng định rằng ông sẽ chấp hành mệnh lệnh nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu phát động đòn tấn công hạt nhân nhắm vào Trung Quốc "trong tuần sau", theo ABC News.
"Mọi thành viên quân đội Mỹ đã tuyên thệ bảo vệ hiến pháp chống lại mọi kẻ thù trong và ngoài nước cũng như tuân thủ mọi mệnh lệnh của tổng thống - tổng tư lệnh cao nhất của lực lượng vũ trang", ông Swift nhấn mạnh.
Tuyên bố này của Đô đốc Swift ngay lập tức làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận về khả năng phát động đòn tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố muốn Mỹ "đứng trên tất cả" về năng lực hạt nhân. Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump cũng tỏ ra có hứng thú đặc biệt với vũ khí hạt nhân và từng khẳng định không loại trừ khả năng dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt này để tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thông điệp này được ông Swift đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa coi Mỹ là "mối đe dọa với an ninh quốc gia" sau khi hai chiến đấu cơ nước này suýt va chạm với một máy bay trinh sát của Mỹ. Giám đốc CIA Mike Pompeo sau đó nói rằng Bắc Kinh gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ lớn hơn các nước thù địch khác, kể cả Nga và Iran.
Theo các chuyên gia phân tích, dù lời khẳng định của Đô đốc Swift gây ra mối quan ngại về một thảm họa chiến tranh hạt nhân bất ngờ, nó phản ánh một thực tế rằng quyết định phát động đòn tấn công hạt nhân của Mỹ nhắm vào Trung Quốc sẽ được đưa ra và thực hiện với chỉ hai người, Tổng thống và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.
Theo hiến pháp Mỹ, ông Trump là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có quyền sử dụng chiếc valy hạt nhân để ra lệnh phát động tấn công hạt nhân vào bất cứ kẻ thù nào trên thế giới. Bruce G. Blair, cựu sĩ quan phụ trách hầm phóng tên lửa đạn đạo Minuteman của Mỹ, cho rằng sau khi ông Trump ra lệnh, quân đội Mỹ sẽ thực hiện đòn tấn công này chỉ trong 5 phút, nhắm vào các hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc.
Các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Mỹ sẽ nhận được mệnh lệnh chậm hơn một chút do đang hoạt động sâu trong lòng biển, nhưng họ vẫn có thể khai hỏa tên lửa sau khi nhận lệnh khoảng 15 phút.
Giới chuyên gia cho rằng khi ông Trump ra quyết định như vậy, chắc chắn các quan chức cấp cao ở Washington sẽ có những động thái câu giờ như tìm cách thảo luận lại với ông Trump về quyết định tấn công. Tuy nhiên, trên lý thuyết, không ai có thể ngăn cản được việc Tổng thống Mỹ truyền lệnh tới Hạm đội Thái Bình Dương để nhập mã kích hoạt vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi ông có sự ủng hộ công khai của Đô đốc Swift, theo bình luận viên Polina Tikhonova của ValueWalk.
Tàu ngầm Mỹ có thể khai hỏa tên lửa hạt nhân 15 phút sau khi ông Trump ra lệnh. Ảnh: US Navy. |
Quy trình này có sự khác biệt một chút so với việc phát động đòn tấn công hạt nhân ở Nga. Nếu tổng thống Nga quyết định phát động đòn tấn công hạt nhân trả đũa, ông sẽ sử dụng valy Cheget để truyền lệnh tới sở chỉ huy của tổng tham mưu trưởng, lực lượng tên lửa, hải quân và không quân thông qua mạng lưới liên lạc đặc biệt.
Sĩ quan trực chiến của lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược khi nhận được tín hiệu sẽ dùng mã riêng để xác nhận đó chính là quyết định do tổng thống đưa ra, đồng thời thiết lập đường dây nóng để liên hệ với tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng. Sau khi được xác nhận, mệnh lệnh khai hỏa tên lửa hạt nhân mới được thực thi.
Quyết định thảm họa
Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đó sẽ là kịch bản thảm họa cho cả hai bên. Mỹ hiện sở hữu khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân, trong khi Trung Quốc có 270 đầu đạn, theo ước tính gần đây của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA).
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) công bố năm ngoái cho thấy nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, nhưng khả năng xảy ra của nó đang ngày càng tăng lên.
Ông Trump hồi tháng 5 ra lệnh cho hải quân Mỹ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hôm 2/7, Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ bám theo tàu khu trục Stethem tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đã có những phản ứng quyết liệt với Mỹ, cảnh báo rằng sẽ có những "yếu tố tiêu cực" trong quan hệ hai nước, gọi hoạt động tuần tra Biển Đông của tàu chiến Mỹ là "sự khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng".
Theo Abraham Denmark, chuyên gia an ninh cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Á Quốc gia, những lời lẽ gay gắt gần đây giữa Washington và Bắc Kinh có thể làm gia tăng căng thẳng song phương, khiến những sự cố xảy ra trên thực địa có thể bị đẩy lên cao vì những tính toán sai lầm, dẫn đến xung đột hạt nhân.
"Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề quan trọng như Biển Đông và khi Trump ra lệnh thực hiện thêm các hành động có thể gây căng thẳng thêm trong quan hệ hai nước, nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc này sẽ tăng cao", Denmark nhận định.
Tác giả: Trí Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress