Giáo dục

Điều chuyển giáo viên THPT dạy Mầm non và Tiểu học: 101 sự… tréo ngoe

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các địa phương rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học. Sở dĩ có yêu cầu này do một số địa phương đã điều chuyển giáo viên THCS, THPT dạy tiểu học và mầm non khi chưa đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định…

Điều chuyển GV THPT xuống dạy Tiểu học, mầm non- nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)
101 sự… tréo ngoe

Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên (GV) đang xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Cụ thể, tổng số GV công lập dôi dư là 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, THCS: 21.005, THPT: 2.551), tổng số GV công lập còn thiếu là 45.058 (trong đó, mầm non lên tới 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794).

Một số tỉnh có số lượng GV cấp THCS dôi dư rất nhiều, như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP HCM 1.195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như: TP Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196...

Nguyên nhân của việc dôi dư nhiều giáo viên ở cấp THCS được bộ đánh giá là do: thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ GV. Ngoài ra, còn do một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư GV, cán bộ quản lý, nhân viên... Trong khi đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; việc nới lỏng sinh con thứ ba ở giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non.

Trước thực tế này, một số địa phương như Thanh Hóa đã bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học. Nghệ An và Đà Nẵng cũng phải giải quyết bài toán dôi dư giáo viên ở cấp trung học bằng cách điều chuyển xuống dạy mầm non sau quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại và thí điểm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc GD-ĐT Nghệ An cho biết năm 2016 đã thí điểm việc điều chuyển giáo viên ở 3 huyện và năm 2017 sẽ triển khai đại trà trên toàn tỉnh...

Ông Trần Kim Tự - Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu, thừa cục bộ như: một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ,v.v...

Lý giải về tình trạng này, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá cho hay về những tréo nghoe, chồng chéo trong quản lý này vì toàn bộ quyền quản lý đội ngũ cán bộ công nhân viên được giao cho chủ tịch huyện. Chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra là của Sở Nội vụ, phân bổ tài chính là Sở Tài chính, còn Sở Giáo dục thì chỉ chỉ đạo chuyên môn.

GS-TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thời sau giải phóng, do thiếu giáo viên giảng dạy một cách trầm trọng nên ngành giáo dục đã mở các khóa học cấp tốc như: 9+1, 9+2, sau này chúng ta phải trả giá rất nặng nề. Việc điều chuyển giáo viên ở các bậc này là giải pháp tình thế, chúng ta chỉ làm trong một giai đoạn nhất định chứ không sử dụng lâu dài.

Không cứ là bậc học thấp

Theo đánh giá của các chuyên gia, về lâu dài, việc điều chuyển giáo viên này tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt. Là một trong những người có quan điểm không đồng ý với giải pháp đưa giáo viên dư thừa ở bậc phổ thông xuống giảng dạy bậc mầm non, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những yêu cầu đặc thù của giáo viên mầm non mà không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể đảm nhận được. Và không thể quan niệm đó là một bậc học thấp, mà phải thấy chất lượng giảng dạy bậc mầm non rất quan trọng vì là nền tảng để trẻ phát triển ở những bậc học cao hơn. Do đó, giáo viên mầm non phải được đào tạo một cách bài bản thì mới mang lại hiệu quả trong việc giảng dạy trẻ ở lứa tuổi này. Việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau, chẳng hạn có thể nảy sinh thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ.

PGS Văn Như Cương cho rằng, hiện nay, số lượng giáo viên trên cả nước có chỗ thừa chỗ thiếu. Thừa là ở những nơi thành thị như Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố, trung tâm dân cư khác. Còn ở những vùng sâu vùng xa, hải đảo thì tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại. “Bởi cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập. Sự phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên, nếu việc điều chuyển quá vội vàng sẽ gây nên trình trạng hoang mang, bất mãn” - PGS Văn Như Cương bày tỏ thẳng thắn.

Trước những lo âu này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế bộ phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.

Theo bà Nghĩa, ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, bảo đảm điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể bảo đảm chuẩn đầu ra cho GV mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, nghĩa là chúng tôi thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ GV chất lượng, bảo đảm việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non.

Tác giả bài viết: Uyên Na

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok