Thế giới

Điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, Trump có thể chọc giận Trung Quốc

Cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Đài Loan có thể khiến Trung Quốc tức giận và nhận định đó là hành động "thù địch" từ chính quyền mới của Mỹ.


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: AFP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua lần đầu tiên điện đàm với lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn. Theo thông báo từ văn phòng của ông Trump, trong cuộc thảo luận, hai bên nhấn mạnh quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh gắn bó mật thiết giữa Đài Loan và Mỹ. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đắc cử Mỹ điện đàm với lãnh đạo Đài Loan kể từ khi quan hệ ngoại giao Mỹ - Đài Loan bị cắt đứt năm 1979.

CNN dẫn lời một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay Stephen Yates, chuyên gia đến từ Quỹ Heritage, cố vấn thuộc đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, đang có mặt ở Đài Loan và là người đứng ra dàn xếp cuộc gọi.

Giới chuyên gia nhận định động thái bất ngờ mà Tổng thống đắc cử Mỹ thực hiện chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc đại lục giận dữ.

"Nó có thể gây ảnh hưởng lớn", Barry Pavel, giám đốc Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh Quốc tế, trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá.

Theo Pavel, mối nguy hiểm nằm ở chỗ Bắc Kinh "sẽ nghĩ rằng đây là một hành động cố ý và là sự khởi đầu cho một chính sách thù địch của chính quyền Trump" nhằm vào Trung Quốc.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ được thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Bà Thái trong khi đó không công nhận chính sách "Một Trung Quốc", khiến Bắc Kinh cắt mọi liên lạc chính thức với chính quyền mới của hòn đảo.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Trump không ít lần ngụ ý sẽ thực thi những chính sách mạnh tay với Trung Quốc nếu đắc cử tổng thống. Ông cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nước này trên thị trường toàn cầu. Tỷ phú Mỹ từng khẳng định Trung Quốc đang "giết chết", hay thậm chí "cưỡng bức" nền thương mại Mỹ, ám chỉ tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Theo Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), không chỉ gây tức giận, cuộc gọi giữa Tổng thống đắc cử Mỹ và lãnh đạo đảo Đài Loan còn khiến Trung Quốc đại lục lo lắng.

"Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ lo âu và họ nhiều khả năng là bên đầu tiên đưa ra thông báo công khai", bà Glaser bình luận. "Họ sẽ nhắc nhở Mỹ về nghĩa vụ duy trì một mối quan hệ không chính thức với Đài Loan".


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

Michael Green, người từng đảm nhận cương vị thư ký đặc biệt về các vấn đề an ninh quốc gia cho cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, đánh giá cuộc gọi của ông Trump đã phá vỡ chính sách đối ngoại mà Washington đã đề ra trong hàng chục năm nay với vấn đề Đài Loan. Trung Quốc "sẽ nổi trận lôi đình" và tìm cách cảnh báo Mỹ cả công khai lẫn bí mật, Green nhận xét.

Richard Bush, cựu giám đốc Viện Mỹ ở Đài Loan, cho rằng cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái là một bước phát triển đáng chú ý dù "về mặt kỹ thuật", nó phá vỡ các quy tắc của Nhà Trắng bởi ông Trump hiện chưa chính thức trở thành tổng thống Mỹ.

"Trung Quốc có một số lựa chọn", Bush nhận định. "Họ có thể chọn cách tỏ ra bất mãn nhưng không biến sự việc trở thành vấn đề quá lớn. Hoặc họ cũng có thể nhìn nhận đây như bước khởi đầu nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một mối quan hệ chính thức giữa Mỹ và Đài Loan".

Trung Quốc "cũng có thể tính toán rằng họ cần phản ứng một cách dữ dội và mạnh mẽ trước khi tình thế trở nên xấu đi", ông Bush cho biết thêm.

Tuy nhiên, Mike Pillsbury, cố vấn về Trung Quốc của tỷ phú Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, khẳng định cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ với lãnh đạo Đài Loan không khác gì những cuộc gọi giữa Trump với các lãnh đạo thế giới khác kể từ ngày ông đắc cử, nên không có gì đáng để "phản ứng thái quá".

"Không nên nhìn nhận đó là hành động phá vỡ quy chuẩn", Pillsbury nói. "Chúng ta nên có một mối quan hệ nồng ấm hơn với Đài Loan và có thể thực hiện điều đó mà không khiến Trung Quốc phật lòng".

Chuyên gia Pavel lại cho rằng ông Trump chưa chính thức làm tổng thống, vì thế ông không nên tạo ra những chính sách mới vào lúc này. "Chúng ta một lúc chỉ nên có một tổng thống", ông nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok