Giáo dục

Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu xuất hiện nghi vấn điểm thi bất thường

Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, nhiều tỉnh thành khác cũng bị cho rằng có vấn đề về điểm thi THPT quốc gia 2018 khi phân tích phổ điểm.

Trao đổi với Zing.vn tối 19/7, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT, cho biết ông đã phân tích toàn bộ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 của 63 tỉnh thành với hơn 5 triệu bài thi.

Theo ông, với giả thiết rằng mục tiêu gian lận là nâng điểm phục vụ cho thi đại học (không tính mục tiêu khác) và nâng cho khá nhiều thí sinh (khoảng 1% trở lên, Hà Giang là 2%), việc gian lận thi cử với số lượng đủ lớn sẽ làm giảm số bài thi điểm thấp và tăng số bài thi điểm cao, dẫn đến tỷ lệ bài thi điểm cao tăng đáng kể.

TS Tùng phân tích tỷ lệ bài thi điểm cao cho 3 khối chính chỉ gồm các môn thi trắc nghiệm là khối A, A1 và B với 3 mức điểm cao là 24, 25,5 và 27 ứng với điểm trung bình mỗi môn là 8, 8,5 và 9.

Theo phân tích của ông Lê Trường Tùng, ngưỡng điểm 24 và 25,5, Kon Tum và Điện Biên vượt qua mức trung bình của cả nước.

Phân tích theo cách trên, ở khối A, tỉnh Hà Giang vượt lên hẳn so với mức toàn quốc (đường màu đỏ) ở cả 3 ngưỡng điểm. Trong đó, TS Tùng bỏ qua những tỉnh có truyền thống "đất học", vì các tỉnh này có tỷ lệ cao hơn trung bình là điều dễ hiểu.

Cùng ở khối A, còn có những tỉnh đáng nghi vấn là Kon Tum, Điện Biên và Hòa Bình.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT cũng cho rằng ở ngưỡng điểm 24 khối A1, Lai Châu xuất hiện trong danh sách các tỉnh nghi vấn.

Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vươn lên so với mức trung bình của cả nước ở ngưỡng điểm 25,5 và 27 của khối A1.

"Tương tự ở khối A1, dễ dàng nhận thấy Hà Giang rất nổi trội so với cả nước. Trong các đồ thị cho khối A1, Lai Châu xuất hiện và nổi trội lên hai 2 địa danh là Sơn La và Hòa Bình. Như vậy, top 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh khối A1 từ 25,5 điểm trở lên cao nhất toàn quốc theo thứ tự là Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La. Còn top 3 tỷ lệ thí sinh 27 điểm trở lên là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình", Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT phân tích.

Ở khối B, Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu có tỷ lệ thí sinh đạt điểm 24 và 25,5 vượt trội.

Ở khối B, tỉnh Kon Tum và Điện Biên vượt hẳn lên so với cả nước và các tỉnh thành khác. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh khối B đạt 24 điểm trở lên là Kon Tum và Điện Biên. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh 25,5 điểm trở lên là Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên. Đứng đầu các địa phương có thí sinh khối B điểm 27 trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La - những cái tên quen thuộc.

Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ thí sinh đạt điểm 27 cao nhất cả nước.

Trong số những cái tên kể trên, Hà Giang, Sơn La đã và đang được Bộ GD&ĐT rà soát. Ông Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc xem xét nghi vấn của các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên.

Trước phản ánh trên, Zing.vn đã liên hệ ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu. Ông Tuấn cho biết sở này đã nắm thông tin và chỉ đạo rà soát, trước hết là kiểm tra để xác định liệu phổ điểm tổ hợp xét tuyển A1 có thực sự cao bất thường không.

Ông Tuấn nói thêm nhìn chung, quá trình coi thi ở tỉnh không có dấu hiệu bất thường. Năm nay, dù bão lũ, khó khăn, tỉnh đã cố gắng tổ chức thi nghiêm túc, đúng quy định. Quá trình chấm thi cũng diễn ra với đầy đủ cán bộ giám sát. Ông đã kiểm tra lại hệ thống, biên bản, quy trình. Những nội dung này đều đảm bảo.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, GĐ Sở GD&ĐT Lai Châu không khẳng định liệu Hội đồng thi 07 có xảy ra tiêu cực tương tự như Hà Giang hay không.

Về phía tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Hóa - Phó giám đốc sở GD&ĐT - cho rằng mặc dù báo chí và chuyên gia phân tích như thế, ông khẳng định về mặt chuyên môn tỉnh Kon Tum làm rất nghiêm túc, đúng quy chế thi, không có vấn đề gì bất thường.

Năm nay, số lượng thí sinh của Kon Tum hơn 4.000 em, thí sinh xét tuyển bằng khối B không đáng kể. Cả tỉnh chỉ có một em trên 27 điểm ở khối B và em này là học sinh chuyên Toán, là học sinh giỏi.

"Kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh, tôi khẳng định rất nghiêm túc. Nhưng nếu Bộ GD&ĐT đến thanh tra, rà soát, tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp thực hiện", ông Hóa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên - cũng cho biết ông vừa nhận được thông tin về những phân tích của TS Lê Trường Tùng. Ông Kiên cũng khẳng định tỉnh đã tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.

“Thí sinh thi như thế nào, kết quả ra sao đều được đưa lên phổ điểm, chúng tôi cũng không thể làm tăng lên hay giảm đi được. Máy chấm thi, chúng tôi không làm gì khác được, tất cả đều được thực hiện đúng quy trình”, ông Kiên nói.

Trước đó, tổ thanh tra của Bộ GD&ĐT đã rà soát điểm thi tại Hà Giang sau khi nhận được những phản ánh nghi vấn tiêu cực từ dư luận. Quá trình rà soát đã phát hiện 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi trắc nghiệm có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm/3 môn so với điểm chấm thẩm định.

Sau Hà Giang, các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình cũng bị phản ánh có nhiều nghi vấn về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Hiện tại, tổ công tác đang làm việc với sở GD&ĐT của hai tỉnh này.

Tác giả: Minh Nhật - Nguyễn Sương

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok