Giải trí

Điện ảnh Việt Nam 2016: Thất bát thảm hại vì đâu?

Trong suốt một năm qua, điện ảnh Việt Nam chủ yếu gây chú ý bởi những chuyện hậu trường lùm xùm, ầm ĩ nhiều hơn là chất lượng tác phẩm.

2015 có thể được coi là năm khởi sắc đối với điện ảnh Việt Nam khi hai bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh đều đạt doanh thu “khủng”, đồng thời tạo được ấn tượng tích cực trong lòng công chúng nhờ phần nội dung mang đậm tính nhân văn.

Công chúng kỳ vọng đó có thể là “bàn đạp” vững chắc để điện ảnh Việt Nam tiến xa hơn trong năm nay, nhất là khi hàng chục dự án liên tục được công bố. Nhưng tại thời điểm năm 2016 chỉ còn hơn 10 ngày nữa là khép lại, số lượng phim Việt ra rạp khiến khán giả “nở mày nở mặt” có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Số lượng phim Việt Nam chất lượng trong 12 tháng qua có lẽ không đủ để đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: CGV.
Trong lượng phim ngoại chiếu rạp suốt một năm qua, không chỉ có các bom tấn Hollywood, khán giả còn được thưởng thức phim của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Với nước bạn ở ngay khu vực Đông Nam Á, họ cũng kịp để lại dấu ấn với One Day (24 giờ yêu).

Tuy chỉ là một câu chuyện tình cảm lãng mạn không quá mới mẻ, nhưng sự chỉn chu, tinh tế từ bối cảnh, diễn viên, kịch bản, lời thoại, tới nhạc nền, cho thấy Việt Nam hóa ra không chỉ cách Thái Lan một khoảng rất xa trong bóng đá, mà còn cả ở lĩnh vực điện ảnh.

Không thể phủ nhận điện ảnh Việt Nam đã có khoảng thời gian dài khó khăn. Nhưng những tiến bộ nhất định trong thời gian qua là chưa đủ để các nhà làm phim Việt thu hẹp khoảng cách với ngay cả nhiều nước bạn trong cùng khu vực.

Lỗi tại đạo diễn hay diễn viên?

Thử điểm lại danh sách phim nội ra rạp trong năm 2016, các tác phẩm chủ yếu tập trung vào hai thể loại ăn khách đối với người Việt là hài hước và kinh dị.

Tuy nhiên, nếu phim hài thường là “con gà đẻ trứng vàng” suốt nhiều năm qua, thì năm nay lại không đạt như kỳ vọng. Một số dự án có kinh phí lớn, được đặt niềm tin như Fan cuồng hay Vệ sĩ Sài Gòn, rốt cuộc đều gây ra tranh cãi về chất lượng.

Còn nhiều phim chính kịch, hành động, oái oăm thay, lại gây ra tiếng cười vì sự ngô nghê, và bị người xem coi như “phim hài”.

Cô hầu gái được đầu tư hơn hẳn so với nhiều phim kinh dị khác của điện ảnh Việt Nam. Song, kịch bản của nó lại là điểm yếu chết người. Ảnh: CJ E&M.
Trong khi đó, Cô hầu gái là một tác phẩm đột phá về mặt kỹ thuật trong dòng phim kinh dị Việt. Tuy nhiên, yếu kém trong khâu kịch bản khiến người xem dễ dàng bỏ qua những ưu điểm mà nó chứa đựng.

Khi một bộ phim thất bại, người ta thường hay tìm đến đạo diễn đầu tiên để “hỏi cho ra nhẽ”. Chịu trách nhiệm gần như toàn bộ các khâu để phim có thể ra đời, đạo diễn chính là người sinh ra “đứa con tinh thần” mà khán giả thưởng thức ngoài rạp.

Điện ảnh Việt hiện là sân chơi của nhiều đạo diễn người trong và ngoài nước. Trong nước, khán giả có Lê Bảo Trung, Đinh Tuấn Vũ, Lý Hải, Vũ Ngọc Đãng… với thế mạnh là nắm vững thị hiếu khán giả nước nhà và chịu khó phát huy nét truyền thống trong phim.

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, luồng gió mới từ nước ngoài thổi về đã mang đến cho khán giả nhiều đạo diễn Việt kiều được đào tạo chuyên sâu, như Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Derek Nguyễn, hay thậm chí là cả đạo diễn Nhật “xịn” Ken Ochiai của Vệ sĩ Sài Gòn.

Mỗi nhóm đạo diễn đều có ưu, khuyết điểm riêng. Khuyết điểm của đạo diễn trong nước thường nằm ở tư duy cũ kỹ, chậm thay đổi, dẫn đến sự tụt hậu, trong khi khán giả được tiếp xúc ngày một nhiều hơn với phim nước ngoài, qua đó nâng cao trình độ thưởng thức.

Rào cản văn hóa đối với đạo diễn Ken Ochiai khiến bộ phim Vệ sĩ Sài Gòn không đạt chất lượng như mong đợi. Ảnh: CJ E&M.
Trong khi đó, các đạo diễn Việt kiều lại vấp phải rào cản văn hóa khi không phải ai cũng có thể tái hiện hình ảnh Việt Nam thập niên 1980 đầy gần gũi, thân thương như Victor Vũ với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Ken Ochiai mới bị phê phán khi anh đưa những mảng miếng hài mang đậm phong cách Nhật Bản vào một bộ phim Việt Nam, không tìm ra được cách dung hòa chúng. Hậu quả là có khán giả so sánh vui rằng Vệ sĩ Sài Gòn giống như “đem sushi mà chấm với mắm tôm” vậy.

Các diễn viên Việt Nam đến giờ hay bị chỉ trích là sở hữu khả năng biểu cảm hạn chế, đài từ kém, ít chịu hy sinh vì nghệ thuật… Nhưng năm qua, thực tế là có không ít những cái tên tỏa sáng, khiến khán giả cảm thấy bất ngờ.

Chẳng hạn như Ninh Dương Lan Ngọc, kiều nữ sở hữu khuôn mặt sáng và diễn xuất có hồn, tham gia tổng cộng ba phim chiếu rạp (dù không phải phim nào cũng thành công). Minh Hằng có sự bứt phá với Bao giờ có yêu nhau, qua đó dần thoát khỏi định kiến “bình hoa di động”.

“Ông vua phòng vé” Thái Hòa vẫn gây cười trong Vệ sĩ Sài Gòn, dù những chiêu thức gây hài của anh không còn mới mẻ và tiếp tục có dấu hiệu chững lại…

Các thảm họa diễn xuất trong phim Việt Nam vẫn còn, nhưng thực tế là đã ngày một ít đi. Ảnh: BHD.
Một số diễn viên bứt phá, một số chững lại, nhưng nhìn chung giới diễn xuất Việt Nam ngày càng xuất hiện thêm nhân tố có ngoại hình đẹp, khả năng diễn tốt và nghiêm túc với nghề nghiệp. Hơn nữa, quy trình casting ngày một chuyên nghiệp và khắt khe hơn cũng khiến các thảm họa diễn xuất trở nên ít hơn.

Kịch bản là điểm yếu chết người của phim Việt

Dường như khâu yếu nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nằm ở kịch bản. Kịch bản chiếm vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Dù đạo diễn giỏi tới đâu, diễn viên tài ba đến mấy, thì họ cũng khó lòng biến một kịch bản từ dở thành hay.

Trong năm qua, quá nhiều phim Việt chứa đựng những tình tiết lố bịch, phi logic, hay ngô nghê tới mức buồn cười: Truy sát, Găng tay đỏ, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Nắng, hay Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ…

Mặc dù có ý tưởng không tệ, đội ngũ biên kịch của các bộ phim kể trên vẫn mắc lỗi “thoại y như sách”, tức là câu thoại viết ra khô cứng, giáo điều, không gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Sự phi logic trong kịch bản hiện là điểm yếu chết người của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: CGV.
Chưa kể, việc sáng tạo ra vô số tình huống nhưng lại không thể ráp nối chúng được với nhau, không để ý đến việc liệu chúng có thể xảy ra ngoài đời thực hay không, khiến phim dù nghiêm túc đến mấy cũng khiến khán giả bật cười, lắc đầu ngao ngán trước những hạt sạn logic đầy rẫy.

Trong lúc điện ảnh Việt Nam đã và đang tiến nhanh như vũ bão về mặt kỹ thuật, thì xem ra tư duy của các nhà biên kịch vẫn tụt lại phía sau. Hãy nhớ rằng khán giả Việt Nam giờ không còn dễ dãi như thời kỳ phim hài nhảm thống trị khi trước khi họ có thể dễ dàng tiếp cận với điện ảnh thế giới.

Đạo diễn, diễn viên hay biên kịch, các phim Việt Nam trong năm 2016 đều có sai sót ở ít nhất một trong ba khâu ấy. Song, khi ngay cả những khán giả dễ tính cũng phải phàn nàn rằng các tình tiết vô lý trong phim tồn tại quá nhiều, thì có thể thấy kịch bản đang là khâu báo động của điện ảnh Việt Nam.

Liệu cách nào để giải quyết tình trạng ấy? Có lẽ các nhà biên kịch phải chủ động trau dồi bản thân, học hỏi từ thế giới xung quanh, và đặc biệt làm làm dày thêm vốn sống của bản thân. Khi một kịch bản gần gũi với đời sống, nó sẽ dễ nhận được cảm tình từ khán giả.

Tác giả bài viết: Đông Bắc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok