Kinh tế

Điểm danh loạt sếp Vinachem bị kỷ luật vì làm lỗ 4.200 tỷ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều sai phạm của các lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) qua các thời kỳ. Hậu quả mà những lãnh đạo Vinachem gây ra không dễ giải quyết trong một sớm một chiều mà còn nhiều dai dẳng.

Làm hoang phí ngàn tỷ

Tại kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số cá nhân như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của UBKT Trung ương.

Cụ thể, một loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Vinachem đã bị yêu cầu kỷ luật.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Vinachem.


Đó là ông Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty.

Ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và lãnh đạo các thời kỳ của Vinachem là nghiêm trọng.

Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Tuấn; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đỗ Quang Chiêu và ông Đỗ Duy Phi.

Riêng trường hợp ông Nguyễn Anh Dũng, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Dũng.

Thực tế, lãnh đạo Vinachem qua các thời kỳ nói trên đã gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước.

Cá nhân ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, với trách nhiệm người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng bị kết luận là “thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc”.

Những dự án tai tiếng ấy giờ ra sao?

Những lãnh đạo Vinachem các thời kỳ kể trên người còn đương chức, người đã về hưu, nhưng các quyết định đầu tư của họ vẫn để lại hậu quả dai dẳng đến tận bây giờ.

Điển hình là các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Vinachem như Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng… Những dự án này Tập đoàn Vinachem đầu tư không hiệu quả, 4 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng.

4 dự án của Vinachem kể trên nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Những dự án này đã tốn không biết bao giấy mực của báo giới, tốn bao thời gian họp hành, chỉ đạo của cơ quan quản lý các cấp. Đặc biệt là một nguồn lực lên đến hơn 63 nghìn tỷ đã không được đầu tư có hiệu quả.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, 4 nhà máy phân bón nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ kéo dài của ngành Hóa chất hầu hết đã quay trở lại hoạt động ổn định với phụ tải trung bình đạt từ 75 - 90%. Nhờ các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” nên kết quả kinh doanh các nhà máy này đã cải thiện.

Tuy nhiên, trong thực tế, ngoại trừ Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng đã có lợi nhuận không đáng kể (khoảng 4 tỉ đồng trong tháng 8) thì các nhà máy còn lại vẫn chưa thoát cảnh lỗ nặng, tồn kho lớn. Nhiều nhất là đạm Ninh Bình lỗ 68 tỉ đồng, hàng tồn kho còn khoảng gần 33.000 tấn; đạm Hà Bắc lỗ 35 tỉ đồng và hàng tồn kho là 8.500 tấn. DAP số 2 Lào Cai dù tồn kho chưa tới 7.500 tấn nhưng cũng lỗ đến 50 tỉ đồng.

Tiến độ xử lý các vướng mắc tại những dự án của Vinachem cũng còn ngổn ngang.

Cụ thể, việc giải quyết những vướng mắc xung quanh các hợp đồng tổng thầu EPC của 2 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai vẫn chưa hoàn thành, khả năng không thể thực hiện được xong trong năm 2017.

Đơn cử dự án đạm Hà Bắc (nhà thầu Trung Quốc), hai bên chưa thống nhất về tăng, giảm thiết bị so với hợp đồng, chênh lệch giá trị thiết bị trong hợp đồng và giá trị nhập khẩu thực tế, tiền thuế đối với vật liệu phục vụ lắp đặt, giá trị phụ tùng thay thế cho quá trình chạy thử…

Còn dự án Đạm Ninh Bình (nhà thầu Trung Quốc), hai bên đã thống nhất một số nội dung và đã đưa ra ý kiến đối với những vấn đề tồn tại không thống nhất như than chạy thử vượt khối lượng hợp đồng EPC và chi phí chạy thử lần 2; thiết bị nhập khẩu thay đổi so với hợp đồng, thiếu hồ sơ hải quan, quan trắc lún…

Với dự án DAP 2 Lào Cai, hai bên vẫn chưa thống nhất về số ngày chậm tiến độ, thời điểm cấp chứng chỉ nghiệm thu, thiết bị có thay đổi xuất xứ và thông số so với hợp đồng.

Cả 3 dự án này tính đến nay cũng chưa thể hoàn thành việc quyết toán. Thậm chí, Bộ Công Thương cũng đã phải yêu cầu các đơn vị này tính toán đến khả năng tìm kiếm đơn vị tư vấn pháp lý nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok