Xe

Điểm danh 11 thương hiệu ô tô lớn đã biến mất trong 20 năm qua

Trong số này có những thương hiệu từng rất lẫy lừng, như Hummer, Pontiac, hay Saturn... Vậy điều gì đã xảy ra?

Hầu hết các thương hiệu lớn bị khai tử trong hai thập niên qua là do chậm thích ứng với sự thay đổi thị hiếu. Nhưng trên hết, điều làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành công nghiệp ô tô là tác động kinh khủng của cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và hậu quả của việc đổi chủ và bảo hộ phá sản của hai ông lớn - Chrysler và GM vào năm 2009.

Chrysler đã thoát "án tử" bằng cách về dưới sự quản lý của Nghiệp đoàn ngành ô tô Mỹ (UAW) và hãng xe Fiat của Ý. Trong khi đó, GM trở thành tài sản của Bộ Tài chính Mỹ và đã buộc phải giải tán nhiều thương hiệu theo thỏa thuận tái cơ cấu vào năm 2009.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Hummer (GM): Những chiếc Hummer đầu tiên được sản xuất vào năm 1992. GM đã mua lại thương hiệu này vào năm 1998 và Hummer H2 có mặt trên thị trường vào năm 2002. Doanh số đỉnh cao của Hummer là 71.000 xe đạt được vào năm 2006, nhưng giá xăng dầu tăng cao và việc tái cơ cấu của GM đã đặt dấu chấm hết cho thương hiệu đình đám này.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Mercury (Ford): Được thành lập vào năm 1938, Mercury được định vị ở phân khúc giữa thương hiệu bình dân - Ford và thương hiệu xe sang - Lincoln của Tập đoàn Ford Motors. Do không thuyết phục được các khách hàng trẻ, Mercury đã bị khai tử vào năm 2010.


(Ảnh: Fiat Chrysler Automobiles)

(Ảnh: Fiat Chrysler Automobiles)

Plymouth (Chrysler): Được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1928 như thương hiệu giá rẻ, nhưng cuối cùng Plymouth cũng bị Chrysler giải thể vào năm 2001. Dù vậy, nhiều người Mỹ đến nay vẫn không quên Plymouth Voyager - mẫu xe từng được mệnh danh là "vua" của dòng minivan hồi thập niên 90.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Pontiac (GM): Từng là một trong những thương hiệu ô tô mang tính biểu tượng của Mỹ, Pontiac ra mắt lần đầu tiên vào năm 1926. Pontiac sở hữu một số dòng xe thuộc dạng đi vào lịch sử của Mỹ, như Silver Streak, Firebird, và GTO. GM khai tử thương hiệu này vào năm 2010.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

SAAB: Thương hiệu ô tô Thụy Điển này được thành lập vào năm 1945, và bị GM bắt đầu mua lại với giá 600 triệu USD vào năm 1989, sau đó là thâu tóm toàn bộ vào năm 2000. Sau cuộc khủng hoảng năm 2009 của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, Saab được chuyển nhượng cho một số công ty châu Âu và đến năm 2016 chính thức bị khai tử.


(Ảnh: Flickr/ilikewaffles11)

(Ảnh: Flickr/ilikewaffles11)

Geo (GM): Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1989 và phát triển xe dựa trên Suzuki Swift, thương hiệu Geo của GM chỉ tồn tại đến năm 1997 do không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Oldsmobile: Nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới - Ransom E. Olds đã tung ra thị trường chiếc Oldsmobile đầu tiên vào năm 1897. GM sau đó mua lại thương hiệu này vào năm 1908. Do doanh số sụt giảm, thương hiệu này đóng cửa vào năm 2004.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Saturn (GM): Được thành lập vào năm 1982 và từng được coi là sự khác biệt trong ngành ô tô Mỹ hồi thập niên 90, Saturn chủ yếu cạnh tranh với các thương hiệu nhỏ của Nhật. Sau nhiều năm doanh số bết bát, Saturn ngừng sản xuất vào tháng 10/2009.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Scion (Toyota): Ra đời nhằm thu hút sự chú ý của các khách hàng trẻ, nhưng Scion không thành công nên đã bị Toyota khai tử vào năm 2016.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Eagle (Chrysler): Chrysler lập thương hiệu con Eagle vào năm 1988 để cạnh tranh với Saturn của GM. Không như các thương hiệu khác, Eagle không mang logo Pentastar nổi tiếng của Chrysler, và đó được coi là lý do chính dẫn tới sự thất bại. Thương hiệu này bị khai tử vào năm 1999.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Rover: Khởi nguồn từ năm 1908 với mẫu xe thể thao hai chỗ Rover 8, thương hiệu mang tính biểu tượng của ô tô Anh quốc này cũng giống như Land Rover và Range Rover. Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi qua tay nhiều chủ, và tất cả chỉ kéo dài đến năm 2005, khi chủ sở hữu của hãng khi đó là BMW tuyên bố khai tử Rover.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok