VietNamNet ghi nhận một số ý kiến về những vấn đề còn băn khoăn sau kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua
Giảng viên Nguyễn Quốc Vương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Kết quả 5 bài thi không phản ánh toàn bộ chất lượng giáo dục
Hơn 4.000 điểm mười/gần 5 triệu bài thi trong đó đa số là bài thi trắc nghiệm không phải là một kết quả gì đáng vui mừng, nhất là khi so sánh kết quả đó với thời gian, công sức, sự đầu tư mà cả nhà nước và người dân, thầy cô giáo đã dành cho học sinh trong việc học tập 5 môn giáo khoa đó trong suốt 12 năm học.
Không thể đơn thuần nhìn vào 4.000 điểm 10 đó để lạc quan cho rằng giáo dục phổ thông đã khá lên. Giáo dục phổ thông không thể nào khá lên nhanh thế được khi năm trước còn quá nhiều vấn đề và cải cách giáo dục lần thứ tư mới đang tiến hành những bước đầu tiên. Hơn nữa, giáo dục phổ thông có mục tiêu tạo ra con người-những người công dân tốt cho nên kết quả 5 bài thi không phản ánh được toàn bộ chất lượng giáo dục.
Cách làm thi “hai trong một” cũng không hợp lý vì yêu cầu tuyển sinh đại học khác xét tốt nghiệp phổ thông. Trong tương lai cần sớm trả kì thi tuyển sinh đại học lại cho các trường và việc xét tốt nghiệp phổ thông cho các thầy cô ở trường phổ thông.
Việc bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giúp bỏ đi những căng thẳng không cần thiết, tạo điều kiện để cả giáo viên và học sinh trung thực với năng lực, kết quả của mình. Nó cũng sẽ tạo ra môi trường dễ chịu để giáo viên chăm lo giáo dục toàn diện học sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Lê Văn. |
Thầy giáo Nguyễn Văn Ưng, Trường THPT Lê Hồng Phong (Biên Hòa, Đồng Nai): Điểm số của kỳ thi không đánh giá được toàn diện học sinh
Nhìn chung, kỳ thi vừa qua diễn ra nghiêm túc, với 5 môn thi trắc nghiệm thì tính khách quan cũng cao hơn. Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi cho thấy, việc học của học sinh không phải là toàn diện.
Số điểm 10 chủ yếu rơi vào những môn mà học sinh tập trung cho khối xét tuyển đại học còn các môn khác của các em rất bình thường, thậm chí điểm thấp. Hay như môn Tiếng Anh có tới gần 70% học sinh đạt điểm dưới trung bình, môn Văn có tới gần 30% thí sinh đạt điểm dưới ngưỡng trung bình cũng phản ánh việc học sinh đang học lệch, học chủ yếu để xét đại học.
Thi tốt nghiệp chỉ cần kiến thức cơ bản, không khó. Trong khi đó, để xét tốt nghiệp, học sinh hiện nay là kết hợp với điểm học tập lớp 12, chiếm tới 50%, gần như học sinh không sợ trượt tốt nghiệp.
Những môn không phải môn thi đại học thì học sinh chỉ học qua loa miễn sao không bị điểm liệt là có thể đỗ tốt nghiệp, còn lại các em sẽ dành thời gian cho những môn thi đại học để lấy điểm cao.
Thực chất nhìn vào điểm số dưới 5 của các môn thì đấy là một điều đáng lo ngại chứ không phải là đáng mừng về việc học tập toàn diện của học sinh. Vì thế, nếu chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá toàn diện thực lực của học sinh thì sẽ không đầy đủ được.
Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội): Học sinh thi chủ yếu để vào đại học
Điểm số chỉ là một phần trong đánh giá chất lượng giáo dục. Để đến điểm 9, điểm 10 của học sinh trước đó phải trải qua nhiều khâu đoạn từ việc dạy dỗ cho tới tổ chức thi và chấm thi. Nếu một hệ thống giáo dục chuẩn từ đầu đến cuối thì điểm 10 là kết quả chính xác.
Đối với một số trường thì kết quả kỳ thi vẫn phản ánh được chất lượng của học sinh. Những lớp học sinh học tốt thì điểm vẫn sẽ cao. Tuy nhiên, hiện nay, học sinh chủ yếu đi thi để vào đại học chứ không coi đây là kỳ thi tốt nghiệp. Bởi lẽ, học sinh chỉ cần không bị điểm liệt là có thể đỗ tốt nghiệp vì điểm lớp 12 của các em đều đã là 7-8 cả rồi.
TS Nguyễn Cam, Giảng viên bộ môn Toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Đừng mất quá nhiều công sức như hiện nay
Việc ra đề thi mỗi năm mỗi khác đặc biệt là khác về cấu trúc, nội dung và độ khó thì việc có nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT năm nay chỉ nói lên một điều là đề thi năm nay ít khó hơn các năm trước. Tất nhiên không thể cho rằng vì có nhiều học sinh đạt điểm 10 nên suy ra chất lượng giáo dục tăng lên.
Việc điểm thi thấp hơn điểm có được ở trên lớp là điều ai cũng biết rõ vì sao. Đã đến lúc cách xét tốt nghiệp dựa vào 50% điểm trên lớp là một giải pháp cần xem xét lại một cách thận trọng. Nếu muốn có tỉ lệ đậu tốt nghiệp đẹp thì cứ tiếp tục cách đang làm là an toàn.
Là kỳ thi "hai trong một" được gộp bởi hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học - cao đẳng, việc làm một đề thi với hai mục đích vừa để xét tốt nghiệp (có tỉ lệ đậu đẹp) vừa để xét tuyển vào các trường đại học (có chất lượng) thật không dễ dàng một chút nào.
Nếu đề thi dành tỉ lệ cho các câu hỏi dễ nhiều quá, thì thí sinh đạt điểm cao ít tách biệt (bị dồn lại), gây khó trong việc chọn lựa thí sinh một cách tương đối chính xác.
Đã đến lúc Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các địa phương, đề thi có thể do Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ cung cấp. Nếu cứ tổ chức thi như hiện nay thì các trường đại học tốp trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh, còn chuyện xét tốt nghiệp thì vẫn với tỉ lệ cao ngất bởi các trường trung học đã lo sẵn 50% điểm cho học sinh của mình rồi.
Còn kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng hãy giao cho các trường đại học và cao đẳng tự tổ chức. Các trường đại học có thể liên kết với nhau để tổ chức thi. Với những trường đại học không cần tổ chức thi tuyển chỉ cần xét tuyển của trường khác tổ chức hoặc xét tuyển theo cách thức của riêng mình. Lúc bấy giờ Bộ không phải mất quá nhiều công sức như hiện nay cho các kỳ thi và một kết quả thực chất.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Điểm học không phải "phao cứu sinh"
Điểm của bất cứ kỳ thi nào cũng ảnh hưởng bởi sự may rủi, do đó dựa vào điểm của một kỳ thi để đánh giá năng lực của người học không thể hoàn toàn chính xác. Việc xét tốt nghiệp THPT là việc xét năng lực của học sinh để công nhận. Do đó quy định lấy 50% điểm thi học năm học học lớp 12 của học sinh cộng với 50% điểm của 4 môn thi sẽ đánh giá chính xác hơn chỉ dựa hoàn toàn vào điểm thi. Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ dùng điểm thi học kỳ để xét tốt nghiệp chứ không bắt học sinh phải thi tốt nghiệp.
Quy định về tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp THPT là lấy điểm trung bình 4 môn thi THPT quốc gia cộng với điểm trung bình năm học chia đôi để xét. Vì vậy không thể nói điểm trung bình học tập là “phao” cứu sinh cho tốt nghiệp.
Nhiều người đặt vấn đề tại sao các trường ĐH không dùng điểm trung bình năm học để xét tuyển đại học? Tôi chỉ nói ngắn gọn: Xét tốt nghiệp THPT là việc của các Sở GD-ĐT; Xét tuyển đại học là việc của các trường đại học.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Tâm lí của người Việt là đi học để đạt điểm số
Trước hết phải đặt câu hỏi chúng ta muốn điều gì từ giáo dục phổ thông? Nếu muốn học thật nhiều thì câu chuyện điểm số giải quyết được chuyện ấy. Tâm lý xã hội người Việt Nam là đi học để đạt điểm số và thi cử đáp ứng được yêu cầu đó.
Bây giờ nói đánh giá chất lượng giáo dục qua thước đo nào thì rất khó. Bởi đúng là kiến thức chỉ là một phần còn những phần khác không đo được bằng điểm, chẳng hạn như hành xử xã hội. Hiện tượng vài ba năm trở lại đây học sinh đánh nhau trong trường rồi quay video đưa lên mạng cũng phản ánh chất lượng của giáo dục phổ thông.
Thế nhưng, phải đặt ngược lại rằng, giáo dục không phải là tháp ngà biệt lập mà là một phần xã hội, do đó, tâm lí xã hội như thế nào thì giáo dục sẽ phản ánh đúng như vậy. Tâm lí xã hội của người Việt là rất muốn so bì: Con tôi năm nay thi đỗ ĐH, con nhà ông không đỗ. Với tâm lí đó thì không có cách nào khác là phải dùng điểm số.
Nhưng quay trở lại, liệu chúng ta có cần phải có cái gọi là đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hay không? Hiện nay, chúng ta chỉ mới phổ cập tới lớp 9, phổ thông trung học không phổ cập nhưng cả xã hội đã biến nó thành phổ cập. Đã phổ cập, cháu nào cũng phải học thì tại sao phải khắt khe, phải thi và phải có xếp hạng.
Tác giả: Lê Huyền - Lê Văn
Nguồn tin: Báo VietNamNet