Một cặp dâu Việt - rể Hàn đang được gọi lên cử hành hôn lễ, bên dưới là một cặp khác chờ đến lượt gọi. Ảnh: NPV |
Măc dù sự việc diễn ra vô cùng công khai và ngang nhiên, nhưng cách trả lời cáu kỉnh của những người chịu trách nhiệm mới thực sự là vấn đề cần phải bàn luận.
Tuyển nhanh, cưới gấp
Sau khi Park, thông qua phiên dịch viên, tuyên bố không ưng bất cứ cô dâu nào trong hơn 10 cô gái xem mặt, “cò” L thất vọng ra mặt, khẽ nói mát rằng rể Hàn chúng tôi đưa tới khó tính quá. Tuy nhiên xét cho cùng, kết quả này cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm bởi nói như một “cò” khác cũng đang có mặt tại Trung tâm tiệc cưới Hồng Ngọc (xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), thì việc xem mặt thất bại vốn là chuyện… thường ngày ở huyện. “Có dâu đi tuyển 10 lần không lọt được vào mắt xanh của rể nào thì có chàng rể đi 10 lần chẳng tuyển được dâu. Chẳng sao, vì tất cả vẫn có chút tiền bồi dưỡng từ rể Hàn rồi…”.
Cũng trong lần may mắn được lọt sâu vào “hang ổ” môi giới lấy chồng Hàn Quốc ấy, chúng tôi được mắt thấy, tai nghe những đám cưới kiểu chạy xô giữa những cặp đôi dâu Việt - rể Hàn. Cách không xa những căn chòi gỗ dành cho việc xem dâu, bước qua dãy hành lang dài đang lốn nhốn hàng chục cô dâu đến dự tuyển là một hội trường rộng lớn, sang trọng chuyên dùng để cử hành hôn lễ. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, trên sân khấu, người dẫn chương trình đang oang oang tác thành cho một cặp đôi, ở phía dưới là 3, 4 cặp khác đang chờ đến lượt.
Qua quan sát cho thấy, những lễ kết hôn đều có công thức chung và diễn ra theo cách không thể “bèo bọt” hơn. MC đứng trên sân khấu gọi đến tên cặp đôi nào thì cặp đó lại lục tục bước lên để chụp ảnh. Không sâm panh, không bánh gatô, không trao nhẫn cưới và cũng chẳng có đại diện 2 họ phát biểu… Sau vài phút tạo dáng cho thợ ảnh tác nghiệp, 2 người lặng lẽ bước xuống khu vực đã được bố trí sẵn để lại dành sân khấu cho đám khác. Mỗi đám cưới như vậy thường chỉ có khoảng từ 2 đến 3 mâm tiệc, chủ yếu là dành cho phía nhà gái…
Kết thúc buổi xem dâu, chúng tôi thanh toán cho “cò” L. tất cả những chi phí phát sinh gồm tiền địa điểm, tiền dịch vụ môi giới, tiền đi lại cho dâu… và phát hiện ra thêm một sự thật phũ phàng khác là không chỉ “chăn” tiền của phía đầu rể Hàn, nhiều “cò” hoặc nhiều công ty môi giới thậm chí còn tận thu cả tiền của dâu. Theo đó, để được tham gia vào quá trình ứng tuyển, có những “cò” còn yêu cầu các cô gái phải chi từ 10 - 15 triệu đồng. Sau mỗi phi vụ thành công, các “bà mai” (công ty môi giới) có thể bỏ túi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Chính quyền bảo có, nhà hàng cãi không
Liên quan đến hoạt động rầm rộ này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Ngọc Lanh - Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Lão - cho biết, qua nắm bắt dư luận địa phương, ông nghe nói về việc môi giới hôn nhân giữa cô dâu Việt với đàn ông Hàn Quốc tại Trung tâm tiệc cưới Hồng Ngọc. Sau đó, vị lãnh đạo xã đề nghị PV tìm hiểu thêm thông tin từ ông Nguyễn Văn Phối - Trưởng công an xã Ngũ Lão. Tại buổi làm việc, ông Phối thừa nhận có dịch vụ môi giới hôn nhân lấy chồng ngoại quốc ở nhà hàng Hồng Ngọc.
Theo lời ông này, Hồng Ngọc là tên mới của nhà hàng Thảo Viên - vốn nổi tiếng từ xưa về dịch vụ môi giới hôn nhân, sau khi tiếp quản lại, chủ mới vẫn tiếp tục duy trì dịch vụ này này. “Chúng tôi vẫn kiểm tra thường xuyên vì đây là cơ sở kinh doanh có điều kiện. Trước đây đã có dịch vụ tuyển dụng lấy chồng nước ngoài và bây giờ chủ mới vẫn tiếp tục kết nối để làm dịch vụ môi giới hôn nhân” - ông Phối nói.
Cũng theo lời vị trưởng công an xã, liên quan đến vấn đề tạm trú, tạm vắng, thường thì chỉ khi gặp mặt hoặc tổ chức hôn lễ, dâu - rể mới có mặt tại nhà hàng Hồng Ngọc, còn lúc khác họ ở đâu thì ông không có thông tin.
Mặc dù chính quyền địa phương nói vậy, nhưng trong cuộc trao đổi mới đây với PV Báo Lao Động, một đại diện của nhà hàng đã gần như nổi nóng khi PV đề cập đến vấn đề này. Ban đầu, người đàn ông tên Thuật chối phắt: “Tôi không biết đâu. Nhà tôi là nhà hàng. Vợ tôi làm, chứ tôi không làm, cái đấy đứng tên vợ tôi”.
Sau khi PV đưa thêm bằng chứng về những gì mắt thấy tai nghe, ông này bỗng nổi khùng, có dấu hiệu mất kiểm soát: “Vớ vẩn, chuyện nhà hàng nhà tôi khách người ta vào ăn thì kệ người ta… Không bao giờ có cái chuyện đấy nhá, còn đứa nào môi giới như nào là việc của nó, nhà tôi là nhà hàng nhá…”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh trả lời của ông Thuật, LS Quách Thành Lực - Giám đốc Cty luật Hà Nội Tinh hoa - nhận định đó là những câu trả lời phi lý và vô trách nhiệm. “Thật vô lý khi vợ làm gì chồng lại không biết. Thêm nữa, ông Thuật khẳng định mình chỉ làm nhà hàng, còn khách khứa đến làm gì bên trong thì không quan tâm, thể hiện ông này rất vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết pháp luật. Đám cưới của khách ngoại quốc có phải là cái kim, sợi chỉ đâu mà nói không biết? Đặt giả thiết khách đến thường xuyên mua bán ma túy hay môi giới mại dâm bị công an bắt, liệu ông nói như thế có là phủi được trách nhiệm sao?”.
Cũng theo lời LS Lực, các cơ quan chức năng, đặc biệt là công an TP Hà Nội cần phải vào cuộc ngay để làm rõ những tồn tại đang diễn ra tại nhà hàng này trước khi mọi việc trở nên vượt tầm kiểm soát...
Nguồn tin: Báo Lao động